"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" là phim trinh thám - kinh dị mới nhất của đạo diễn Victor Vũ, đồng thời là ngoại truyện của "Người vợ cuối cùng", mở rộng vũ trụ phim Việt với nhân vật trung tâm là thám tử Kiên. Bộ phim hứa hẹn mang đến một hành trình phá án rùng rợn, bí ẩn và đầy bất ngờ. Không chỉ cuốn hút bởi mạch điều tra lôi cuốn, những tình tiết hồi hộp đầy bất ngờ, bộ phim còn khiến khán giả phải "nín thở" trước khung hình kỳ vĩ, trầm mặc mà tuyệt đẹp của vùng Đông Bắc Việt Nam.
Từ đồi đá tai mèo, bản làng ẩn mình trong sương, đến con đường đèo lắt léo, nhà sàn gỗ phủ rêu, tất cả hiện lên như những thước phim điện ảnh đầy chất thơ. Người xem không chỉ bị dẫn dắt theo từng vụ án, mà còn được đồng hành cùng thám tử Kiên trên hành trình khám phá vẻ đẹp của một Đông Bắc vừa hoang sơ, vừa quyến rũ và cũng đầy bí ẩn.
Đông Bắc - vùng đất của những lớp sương mù và tầng tầng núi đá
Không giống Tây Bắc hùng vĩ kiểu cao nguyên Mộc Châu hay núi rừng Sa Pa, Đông Bắc mang trong mình một chất điện ảnh rất riêng: Trầm, sâu, tĩnh. Những vùng đất như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn… với địa hình núi đá xen lẫn thung lũng mù sương, đã trở thành bối cảnh hoàn hảo để đạo diễn dựng nên những vụ án căng thẳng, đầy uẩn khúc.
Đông Bắc không chỉ có núi đá và đèo dốc, mà còn là nơi lưu giữ nếp sống nguyên sơ của đồng bào Tày, Nùng, Dao, H'Mông…. Trong phim, không ít lần thám tử Kiên ghé vào các bản làng nhỏ nằm lọt giữa rừng - nơi những mái nhà sàn gỗ lợp ngói âm dương nằm san sát nhau, khói bếp lam chiều vương trên mái, trẻ con chạy chơi giữa lối đất đỏ.
Bản làng hiện lên không tô vẽ, không "làm màu", nhưng chất điện ảnh toát lên từ chính sự mộc mạc, tĩnh lặng và thời gian như ngừng trôi. Những buổi sáng mờ sương, tiếng chó sủa vọng ra từ xa, đàn trâu lững thững đi ngang ruộng bậc thang - tất cả tạo nên khung cảnh vừa đẹp, vừa... hơi lạnh gáy - một cách vô cùng hợp lý với nhịp phim trinh thám.
Không thể không nhắc đến tài năng của đội ngũ quay phim. Thay vì lạm dụng flycam hay kỹ xảo, Thám tử Kiên chọn cách kể chuyện bằng ánh sáng tự nhiên, góc máy tĩnh và những đường nét mộc mạc. Điều này khiến khán giả có cảm giác như đang thưởng thức một bộ phim tài liệu về miền núi hơn là phim trinh thám thông thường.
Ánh sáng trong phim cũng được xử lý tuyệt vời: Nắng sáng vàng rọi qua rừng cây, ánh trăng xanh mờ chiếu xuống mặt nước, đèn dầu leo lét trong nhà sàn… tất cả tạo nên một bản giao hưởng thị giác vừa lạnh lẽo, vừa nên thơ.
Hồ Bản Cài, thác Khuổi Nhi (Tuyên Quang)
Hồ Bản Cài, nằm nép mình giữa thung lũng xanh mướt của tỉnh Tuyên Quang, là một viên ngọc ẩn giấu đang chờ bạn khám phá. Với mặt nước trong xanh như gương, phản chiếu dãy núi trùng điệp và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, hồ mang đến khung cảnh hùng vĩ mà yên bình hiếm có. Đến đây, bạn có thể chèo thuyền kayak, lướt nhẹ trên mặt nước để cảm nhận sự tĩnh lặng, hoặc trekking qua các bản làng của người dân tộc Tày, Dao để tìm hiểu văn hóa độc đáo với những phiên chợ vùng cao rộn rã.
Mùa lúa chín từ tháng 9 đến tháng 10 biến hồ thành một bức tranh vàng rực, còn mùa nước đổ từ tháng 5 đến tháng 7 lại mang đến vẻ đẹp thơ mộng với ruộng bậc thang ngập nước. Đừng quên ghé thăm các homestay ấm cúng, thưởng thức đặc sản cá suối nướng và xôi ngũ sắc để chuyến hành trình thêm trọn vẹn!

Thác Khuổi Nhi, nằm ẩn mình giữa đại ngàn Tuyên Quang, là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên hoang sơ. Cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng 70 km, thác Khuổi Nhi thuộc xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, mang vẻ đẹp hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng.
Dòng thác trắng xóa chảy từ độ cao hàng chục mét, len lỏi qua những phiến đá phủ rêu xanh, tạo nên một khung cảnh vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng. Xung quanh thác là cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, tiếng chim hót hòa quyện cùng âm thanh rì rầm của nước, mang lại cảm giác thư thái đến lạ. Đến đây, bạn có thể thả mình vào làn nước mát lạnh, trải nghiệm tắm thác, hoặc chèo thuyền trên dòng suối trong vắt. Đặc biệt, Khuổi Nhi còn nổi tiếng với đàn cá lăng hàng nghìn con bơi lội tung tăng, sẵn sàng "massage" chân cho du khách, tạo nên một trải nghiệm độc đáo khó quên giữa lòng thiên nhiên Tuyên Quang.

Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang)
Nếu Hạ Long là viên ngọc biển Đông thì Na Hang – Lâm Bình chính là đóa hoa rừng giữa đại ngàn Tuyên Quang. Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình là một bức tranh sơn thủy hữu tình với diện tích lên đến 15.000 ha, trong đó riêng mặt nước đã chiếm tới 8.000 ha – mênh mông, trong trẻo và mê hoặc đến nao lòng.
Tâm điểm của vùng đất này chính là hồ thủy điện Na Hang - một trong ba hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc, với dung tích trên 2 tỷ m3 nước và sản lượng điện hàng năm đạt tới 1.295 triệu kWh. Nhưng vượt qua những con số khô khan, hồ Na Hang còn là nơi đánh thức vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của Tuyên Quang, nơi mà thiên nhiên không chỉ ban tặng tài nguyên mà còn kiến tạo nên một tuyệt tác.
Hình ảnh núi Pác Tạ sừng sững giữa lòng hồ mênh mông nước, lững lờ mây trắng vắt qua đỉnh, in bóng trời xanh, khiến bất cứ ai lần đầu đặt chân tới cũng phải lặng người. Tựa như một bức thủy mặc sống động, ngọn núi ấy vừa trầm mặc, vừa uy nghi, là biểu tượng thiêng liêng trong đời sống tâm linh và văn hóa của người dân nơi đây.

Và rồi, thác Mơ hiện ra như một nàng tiên tóc bạc – trắng xóa, mềm mại và quyến rũ, đổ mình từ vách đá dựng đứng xuống lòng hồ như dải lụa giữa trời. Vẻ đẹp ấy không phải là thứ ngẫu nhiên, mà là sự giao hòa kỳ diệu của đá, nước và mây trời, tạo thành một kiệt tác mà thiên nhiên đã tốn bao năm để "vẽ" nên. Không dừng lại ở đó, Na Hang còn là nơi gặp gỡ của hai dòng sông lịch sử: Sông Gâm và sông Năng, mang theo bao huyền thoại len lỏi qua núi rừng. Dọc hai triền sông là những dãy núi trùng điệp, rừng nguyên sinh bạt ngàn, nơi ẩn chứa vô số điều kỳ thú đang chờ được khám phá.
Tựa như một phiên bản khác của Hạ Long, nơi đây có đến 99 ngọn núi được thi sĩ ví von như những chiếc ngai đá giữa lòng đại ngàn – huyền bí, thiêng liêng và gắn bó với bao truyền thuyết. Na Hang không chỉ đẹp bằng mắt, mà còn đẹp bằng những câu chuyện đã thấm sâu vào lòng người.
Hành trình khám phá nơi đây là hành trình ngược dòng huyền thoại. Bạn có thể dừng chân ở thác Khuổi Nhi – dòng nước trong như pha lê, đền Pác Tạ linh thiêng, hang Phia Vài huyền bí, hay đến với Cọc Vài Phạ – vách đá in bóng tình yêu Nàng tiên – Chú Khách đầy mộng mị.
Vào mùa nước dâng, mặt hồ như một tấm gương khổng lồ phản chiếu cả trời đất, khiến những chuyến du ngoạn bằng du thuyền trở nên vô cùng đặc biệt. Lướt giữa sóng nước, lọt thỏm giữa rừng xanh và đá núi, du khách như bước vào một thế giới khác – nơi con người và thiên nhiên không đối lập, mà hòa làm một.
Thác Cò Là, đồi Vinh Quý, núi Mắt Thần, làng Khuổi Ky, làng Cô Muông (Cao Bằng)
Thác Cò Là
Nằm ẩn mình giữa vùng núi Đông Bắc hùng vĩ, thác Cò Là - một con thác đẹp thuộc địa phận xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là một điểm đến du lịch đầy mê hoặc dành cho những tâm hồn yêu khám phá thiên nhiên. Với độ cao khoảng 30 mét và dòng nước trắng xóa đổ xuống từ vách đá cheo leo, thác Cò Là tạo nên khung cảnh huyền bí giữa rừng nguyên sinh xanh mướt.
Để đến đây, bạn sẽ trải qua hành trình trekking qua những con đường mòn ngoằn ngoèo, ngắm nhìn thảm thực vật phong phú và lắng nghe tiếng chim rừng ríu rít – một trải nghiệm vừa thử thách vừa thú vị. Dưới chân thác, làn nước mát lạnh và không gian yên bình là nơi lý tưởng để cắm trại, chụp ảnh hoặc đơn giản là thả hồn vào thiên nhiên. Đừng quên mang theo đồ chống thấm và giày tốt, bởi chuyến đi này sẽ đưa bạn vào một hành trình khám phá đầy cảm hứng giữa lòng núi rừng Cao Bằng!

Đồi cỏ Vinh Quý
Nếu bạn đang mỏi mắt kiếm tìm một nơi để "đi trốn", nơi mà chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp, thì đồi cỏ Ba Quáng (hay còn gọi là đồi cỏ Vinh Quý) chính là lời hồi đáp đầy mê hoặc. Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 70 km, tọa độ còn khá mới mẻ này đang âm thầm "chiếm sóng" mạng xã hội nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ đến nghẹt thở – nơi những thảm cỏ cháy vàng ruộm đung đưa dưới nắng, vẽ nên bức tranh thiên nhiên tựa miền viễn tưởng.
Nằm giữa lưng chừng trời thuộc xã Vinh Quý (Hạ Lang – Cao Bằng), ngay sát ranh giới hai xóm Khum Đin và Bắc Vọng, đồi cỏ Ba Quáng như một tấm thảm thiên nhiên trải dài miên man, được tô điểm bằng đường chân trời là những dãy núi trập trùng nối nhau đến tận vô cực. Dù không phải điểm đến quá ồn ào, song nơi đây đang âm thầm ghi tên mình vào bản đồ du lịch của giới trẻ mê khám phá, nhiếp ảnh gia thích săn sương và những ai yêu vẻ đẹp thuần khiết chưa bị thương mại hóa.
Từ thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang), bạn chỉ mất khoảng 20 phút để tiếp cận khu vực đồi, với 6–7 km đường bê tông khá dễ đi bằng xe máy hoặc ô tô. Tuy nhiên, từ ngã ba xóm Khum Đin (cách UBND xã Vinh Quý khoảng 3 km), hành trình bắt đầu thú vị hơn khi bạn rẽ vào con đường nhỏ – chật hẹp, quanh co và đôi lúc gập ghềnh như muốn thử thách sự kiên nhẫn của người lữ khách.

Khoảng 3 km cuối cùng là đoạn đường hơi "khó nhằn" với những ai chưa quen địa hình vùng núi, vậy nên lời khuyên là nên chọn xe máy (xe số càng tốt) hoặc ô tô gầm cao để đảm bảo an toàn. Nhưng tin tao đi, những ai đủ quyết tâm sẽ được đền đáp xứng đáng!
Để thực sự tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đồi cỏ Ba Quáng, bạn cần đi bộ thêm khoảng 15 phút men theo sườn đồi thoai thoải. Một chút thử thách nho nhỏ, nhưng vừa đủ để lọc lại những ai thực sự muốn "chạm tay vào mây".
Khi bước lên đến đỉnh, khung cảnh trước mắt bỗng rộng mở như tấm màn được kéo lên: Một không gian tĩnh lặng, trong vắt, mênh mông như hoang đảo. Những luống cỏ cháy vàng, rì rào trong gió, ánh nắng xuyên qua tầng mây, dãy núi phía xa mờ ảo trong làn sương... Tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh sống động nhưng đầy chất thơ, khiến mọi mệt mỏi trên quãng đường đi dường như… không tồn tại nữa.
Và đôi khi, những điều giản dị nhất lại là thứ khiến ta nhớ mãi. Nếu bạn từng "cháy máy" ở Mộc Châu, từng mê đồi chè Tân Cương hay săn mây ở Tà Xùa, thì chắc chắn Ba Quáng sẽ khiến tim bạn rung lên một nhịp rất riêng.
Núi Mắt Thần
Ẩn mình giữa thung lũng xóm Bản Danh, xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng), có một ngọn núi khiến người ta ngỡ ngàng ngay từ cái tên: Núi Mắt Thần. Nghe như bước ra từ một truyền thuyết cổ xưa, cái tên ấy không chỉ gợi nên sự kỳ bí mà còn đánh thức trí tò mò của bất cứ ai yêu thiên nhiên, đam mê khám phá.
Ngọn núi ấy còn được người dân gọi là "núi Thủng", bởi ngay giữa đỉnh núi có một khoang đá xuyên suốt với hình tròn hoàn hảo như thể ai đó đã khoan một "con mắt trời" vào vách núi. Lỗ thủng có đường kính hơn 50 mét, được ví như con mắt khổng lồ của đất trời đang âm thầm quan sát thế gian. Đây cũng là ngọn núi có cấu trúc địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới.

Nằm trọn trong thung lũng xanh thơ mộng thuộc quần thể hồ Thang Hen, Núi Mắt Thần hiện ra như một bức tranh siêu thực – nơi những dải cỏ thảo nguyên mênh mang trải dài, ôm lấy mặt hồ trong xanh như ngọc và núi đá trùng điệp. Đó là một vùng đất khiến người ta vừa muốn ngắm nhìn mãi không rời, vừa có cảm giác như đang đứng trước một cánh cổng kết nối với thế giới thần thoại nào đó.
Trong tiếng Tày, ngọn núi được gọi là "Phja Piót", nghĩa là "ngọn núi bị dùi thủng". Dân gian kể rằng, lỗ thủng ấy là nơi để gió trời luồn qua vách đá, thổi tung những điều xui rủi và giữ lại linh khí cho núi rừng. Mỗi khi đứng trước "con mắt của trời", bạn sẽ nghe được tiếng gió hú vọng qua như lời thì thầm của núi rừng ngàn năm không ngủ.
Làng Khuổi Ky
Nép mình nơi biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, làng đá cổ Khuổi Ky như một thước phim cổ xưa đang lặng lẽ kể lại câu chuyện của thời gian. Nằm trên tuyến tỉnh lộ 206, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng – ngôi làng này không chỉ là chứng nhân lịch sử hàng trăm năm tuổi mà còn là một biểu tượng kiến trúc độc đáo bậc nhất miền sơn cước, nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa của người Tày giữa đại ngàn.

Toàn bộ làng chỉ vỏn vẹn khoảng 10.000m2, nhưng từng mét đất, từng bức tường đá nơi đây đều thấm đẫm dấu ấn của sự kỳ công và hài hòa với thiên nhiên. 14 ngôi nhà được dựng hoàn toàn bằng đá, lưng tựa vào núi vững chãi, mặt hướng về con suối Khuổi Ky trong xanh mát lành, tạo nên khung cảnh vừa uy nghi vừa bình yên đến nao lòng. Ở đây, đá không chỉ để dựng nhà, mà còn là để dựng nên một không gian sống mang chiều sâu văn hóa, đậm bản sắc và đầy thi vị.
Đặt chân đến Khuổi Ky, du khách như được quay ngược thời gian, lạc bước vào một miền cổ tích thực thụ. Không chỉ được chạm tay vào những bức tường đá hàng trăm năm tuổi, nghe tiếng gió len qua khe đá kể chuyện xưa, mà còn có thể kết hợp khám phá cụm danh thắng nổi tiếng bậc nhất miền Bắc: thác Bản Giốc hùng vĩ, động Ngườm Ngao kỳ bí. Tất cả đan xen tạo nên một hành trình độc đáo – nơi cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc cổ kính cùng nhau vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp của vùng đất Cao Bằng.
Đài Tiếng nói Việt Nam (Cao Bằng)
Giữa đại ngàn Trùng Khánh (Cao Bằng), có một hang đá tưởng chừng lặng lẽ như bao hang đá khác, nhưng từng là "trái tim thầm lặng" đưa tiếng nói của dân tộc vang xa trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó chính là hang Ngườm Chiêng, nơi từng đặt máy phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam – công trình đặc biệt được mã hóa bằng cái tên bí mật Công trường K50, Điện đài A3.
Ẩn mình nơi xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh, hang Ngườm Chiêng không chỉ là một điểm đến của quá khứ, mà là một cột mốc sống động trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức xếp hạng nơi này là Di tích Quốc gia, không chỉ vì những tảng đá vôi kỳ vĩ, mà vì nơi đây từng là mạch sống phát thanh, là nơi "những làn sóng không dây" mang hơi thở của cách mạng bay qua lửa đạn, vươn ra năm châu.

Chỉ cách trung tâm thị trấn Trùng Khánh khoảng 3 km theo Quốc lộ 4A, đoạn rẽ về thác Bản Giốc, bạn sẽ bắt gặp một lối nhỏ dẫn vào khu vực di tích. Rừng núi nơi đây vẫn dày đặc, rậm rạp như để giữ kín bí mật một thời. Nhưng cũng chính địa hình ấy, với thế núi đá dựng đứng, địa thế hiểm trở, phía trước là khoảng đất sâu và rộng, đã giúp Ngườm Chiêng trở thành pháo đài sóng phát thanh bất khả xâm phạm giữa những năm tháng khói lửa.
Phim kết thúc, nhưng chuyến đi của khán giả thì mới bắt đầu
Một điểm cộng nữa là "Thám tử Kiên" không quên đưa ẩm thực vùng cao vào trong mạch phim. Nhân vật Kiên thường ăn những bữa cơm dân dã: Bát canh măng rừng nóng hổi, chén rượu ngô thơm nồng, miếng thịt trâu gác bếp đậm vị khói… Không chỉ giúp bộ phim "có hồn" hơn, những chi tiết này còn gợi ý tuyệt vời cho du khách về những món nhất định phải thử khi lên Đông Bắc.
Thậm chí, có khán giả bình luận: "Xem xong phim là chỉ muốn xách balo đi Cao Bằng, ngồi quán nhỏ ăn bánh áp chao, uống nước lá vối rồi nhìn ra con đường sương mù Kiên từng đi qua".
Sau khi loạt phim khép lại, rất nhiều người để lại bình luận rằng họ cảm thấy "như vừa đi du lịch một chuyến xuyên núi rừng" và đang lên kế hoạch thật sự đến những nơi đã xem. Một số địa danh có thật được gợi nhắc như Bản Giốc, Trùng Khánh, hồ Ba Bể, Lũng Cú, Đồng Văn,... đã trở thành từ khóa du lịch hot trên mạng xã hội những ngày qua.
Giới làm du lịch đánh giá đây là cơ hội vàng để Đông Bắc vươn mình trở thành điểm đến mới mẻ trong bản đồ khám phá của người trẻ. Những ai từng nghĩ chỉ có Sa Pa, Hà Giang là đẹp - giờ đây đã thêm một lựa chọn nhiều chiều sâu hơn, ít "du lịch hóa" hơn - chính là Đông Bắc theo dấu Thám tử Kiên.
Và đây là gợi ý hành trình du lịch "theo chân Kiên": Đông Bắc 5 ngày 4 đêm.
Nếu bạn đang hứng khởi muốn bước vào hành trình khám phá giống như trong phim, có thể tham khảo tuyến đường sau:
- Ngày 1: Hà Nội - Bắc Kạn: Tham quan hồ Ba Bể, đi thuyền ngắm núi non sông nước; ngủ đêm homestay trong bản người Tày.
- Ngày 2: Bắc Kạn - Cao Bằng: Dừng chân ở đèo Gió, đèo Mã Phục, chiều đến tham quan thác Bản Giốc, chùa Phật Tích Trúc Lâm; ăn tối với món đặc sản: lạp xưởng, bánh cuốn trứng, trứng kiến.
- Ngày 3: Khám phá Trùng Khánh - Làng đá Khuổi Ky: Check-in "con đường sương mù" nơi từng là bối cảnh trong phim, tham gia nấu ăn cùng người bản địa.
- Ngày 4: Cao Bằng - Lạng Sơn: Ghé động Ngườm Ngao, rồi qua cửa khẩu Trà Lĩnh; mua sắm, ăn uống tại chợ Đồng Đăng.
- Ngày 5: Trở về Hà Nội: Ghé qua Tuyên Quang nếu muốn khám phá thêm.
"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" không chỉ là một bộ phim trinh thám, mà còn là một cuốn nhật ký hình ảnh về Đông Bắc. Từ ánh sáng, bối cảnh đến màu sắc, tất cả đều được xử lý như thể cảnh đẹp là... một nhân vật quan trọng trong phim.
Và quả thực, nhân vật ấy đã khiến khán giả không thể quên. Nếu bạn đang muốn rời xa phố thị ồn ào, tìm về một nơi có rừng, có đá, có những khúc quanh bất ngờ như chính những vụ án trong phim - hãy đến Đông Bắc một lần.
Vì biết đâu, bạn cũng sẽ khám phá được không chỉ vẻ đẹp, mà còn chính một phần "bí ẩn" trong con người mình, như cách thám tử Kiên đã làm vậy.