Sức khỏe - Đời sống

Làm cha mẹ ở tuổi U60 sau hơn 3 thập kỷ đợi chờ

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Ước tính khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Nước ta đã phát triển khoảng 60 cơ sở hỗ trợ sinh sản toàn quốc, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. 26 năm qua, cả nước có khoảng 150.000 trẻ chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ điều trị thành công ngày càng tăng, lên đến 70%.

Vợ chồng chị Đặng Thị Mai (SN 1965) và anh Bùi Văn Thuỷ (SN 1960) ở Xuân Mai, Hà Nội là một trong số những gia đình hiếm muộn may mắn có được con nhờ y học hiện đại sau hơn 3 thập kỷ mong mỏi.

Chị Mai và anh Thủy kết hôn từ năm 1991. Một năm sau, chị mang thai lần đầu nhưng không may bị sảy khi thai mới 3 tháng. Từ đó, suốt ba thập kỷ, vợ chồng chị gần như “ăn dầm nằm dề” ở các bệnh viện lớn nhỏ để tìm cơ hội sinh con.

Chị Mai (áo hồng) hạnh phúc bên con trai sau 33 năm chờ đợi. (Ảnh: NVCC)

Chị Mai (áo hồng) hạnh phúc bên con trai sau 33 năm chờ đợi. (Ảnh: NVCC)

Năm 1993, anh chị bắt đầu hành trình điều trị hiếm muộn tại một bệnh viện tuyến trung ương. Ba năm sau, chị đậu thai lần nữa nhưng niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì chị bị ra huyết bất thường. Qua nhiều lần siêu âm, bác sĩ phát hiện thai làm tổ tại vòi trứng, chèn ép giữa bàng quang và đại tràng. Thai 85 ngày, suýt vỡ, chị phải mổ cấp cứu. “Lúc tỉnh dậy sau ca mổ, tôi chỉ biết ôm mặt khóc vì thêm một lần mất con”, chị Mai nhớ lại.

Không cam lòng, vợ chồng chị tiếp tục rong ruổi từ Bắc vào Nam điều trị nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Dù nhận nuôi một bé trai mồ côi từ năm 1997, chị Mai vẫn canh cánh nỗi khát khao sinh một đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau.

Đến năm 2020, một người em trong gia đình giới thiệu chị đến một bệnh viện tư nhân chuyên điều trị hiếm muộn ở Hà Nội để bắt đầu hành trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Lúc này chị đã ngoài 55 tuổi, mắc bệnh huyết áp cao và tim mạch – những yếu tố khiến bác sĩ không khỏi lo ngại.

Dẫu vậy, tháng 1/2023, bác sĩ quyết định chuyển phôi. Kết quả có thai khiến vợ chồng chị vỡ òa, nhưng niềm vui chưa trọn thì tai biến lại ập đến. Chị bị ra huyết đỏ, phải nhập viện hai lần liên tiếp chỉ trong một tuần.

Sau đó, chị được phát hiện tụ dịch màng nuôi, một nguy cơ dọa sảy thai nên được chỉ định nhập viện theo dõi lâu dài. Do tuổi cao, chị gần như không rời khỏi khu nội trú suốt thai kỳ để tiện theo dõi. Các bác sĩ vừa phải duy trì thai, vừa kiểm soát huyết áp và các bệnh nền. “Có lúc tôi tưởng không giữ được con”, chị nói.

Thai được 28 tuần, chị được chuyển sang Phụ sản Trung ương làm hồ sơ sinh. Ngày 18/9/2023, ở tuần thai 37, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai. Bé Bùi Trọng Đạt ra đời khỏe mạnh, mang theo bao xúc động của vợ chồng U60.

“Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến ngày này. Lúc y tá đưa bé về phòng, tôi sờ tay con mà nước mắt cứ chảy. Bác sĩ dặn phải kiềm chế xúc động nếu không huyết áp tăng nguy hiểm. Lúc đó tôi tự nhủ bình tĩnh, không sao, cuối cùng mình cũng đã được làm mẹ”, chị Mai xúc động.

Theo bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung, khoa Phụ sản hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội), việc sinh con ở tuổi gần 60 là cực kỳ hiếm. Những thai phụ lớn tuổi mang thai qua IVF tiềm ẩn nhiều rủi ro: tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, suy thai, sinh non, thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, nhờ theo dõi chặt chẽ, kiểm soát tốt các bệnh lý nền, thai kỳ của chị Mai được duy trì an toàn.

Chị Mai mang bầu phải nằm viện theo dõi suốt 8 tháng. (Ảnh: NVCC)

Chị Mai mang bầu phải nằm viện theo dõi suốt 8 tháng. (Ảnh: NVCC)

ThS.BS Lê Thị Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, đây là một kỳ tích về y học và sự bền bỉ của người mẹ. “Thời điểm thai đủ tháng, chuẩn bị chào đời, đội ngũ y bác sĩ cũng hồi hộp và mong ngong không kém gì bệnh nhân. Nhìn em bé chào đời lành lặn, khoẻ mạnh, tất cả các thành viên trong gia đình và ê kíp bác sĩ vỡ oà trong hạnh phúc”, bác sĩ Hiếu nói.

Giờ đây, bé Đạt gần 2 tuổi, khỏe mạnh, hay cười, là niềm hạnh phúc không gì so sánh nổi của vợ chồng già. “Chúng tôi không mong con phải học thật giỏi hay thành tài. Chỉ cần con lớn lên bình an là được”, anh Thủy nói, mắt rơm rớm nhìn con trai đang bi bô gọi bố.

Các tin khác

Uống nước lá sen có tác dụng gì?

Nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại xác nhận những lợi ích sức khỏe đáng kể mà lá sen mang lại, vậy uống nước lá sen có tác dụng gì?

Bi kịch của Á hậu Hong Kong mắc ung thư

Á hậu Hong Kong 1998 Ngô Hãn Hy phải bán đồ đạc trong nhà để có thêm tiền trang trải viện phí chữa bệnh ung thư. Dù lâm vào tình cảnh khó khăn, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan.