Theo CQĐT, từ tháng 12/2021, thông qua ông Phạm Thái Hà, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An liên hệ gặp gỡ ông Dương Văn Thái, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Từ đó ông Hưng biết và có quan hệ với nhiều cá nhân là lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, trong đó có ông Lê Ô Pích, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Lợi dụng quan hệ cá nhân, ông Lê Duy Hưng đã nhờ ông Phạm Thái Hà tác động đến cựu Bí thư tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được trúng thầu, thi công Dự án cầu Đồng Việt. Đồng thời, từ tháng 12/2021- 3/2022, ông Hưng đã nhiều lần gặp gỡ ông Thái để xin chủ trương cho Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công dự án và được ông Thái đồng ý.
Từ đó, vào tháng 3/2022, ông Thái đã tác động ông Nguyễn Văn Thạo, khi đó là Giám đốc Ban QLDA Bắc Giang tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công dự án cầu Đồng Việt.

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, trước khi ký phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu số 7, ông Lê Ô Pích biết rõ việc ông Thái tác động, tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An nên sau khi nghe ông Thạo báo cáo, ông Pích đã đồng ý và chỉ đạo ông Thạo đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu thi công gói thầu này.
Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Văn Thạo và Nguyễn Duy Hưng đã thỏa thuận, thống nhất để Tập đoàn Thuận An thay mặt liên danh phải nộp tiền “cơ chế” cho Ban QLDA Bắc Giang tương đương 3% giá trị gói thầu trước thuế.
Khi đó, ông Thạo và Đàm Văn Cường (cựu PGĐ Ban QLDA Bắc Giang) thống nhất phân chia. Theo đó, ông Thạo sẽ nhận 2% để sử dụng, chi phí cho lãnh đạo tỉnh; ông Cường sẽ nhận 1% để sử dụng, chi phí cho cán bộ Ban QLDA Bắc Giang tham gia dự án.
Về phía các nhà thầu, sau khi xin lãnh đạo tỉnh và Ban QLDA Bắc Giang đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Thuận An là đầu mối tham gia thực hiện thi công dự án cầu Đồng Việt, do Tập đoàn Thuận An không đủ năng lực đấu thầu thi công nên tháng 1/2022, bị can Nguyễn Duy Hưng đã mời ông Trần Quang Việt, TGĐ Công ty Trung Chính tham gia liên danh với Tập đoàn Thuận An, Công ty 168 Việt Nam, Công ty Nam Anh để thực hiện dự án.
Các bên đồng ý thực hiện liên danh, giao Tập đoàn Thuận An làm đầu mối làm việc với chủ đầu tư (Ban QLDA Bắc Giang). Sau khi trúng thầu, để có tiền chi phí cho chủ đầu tư, ông Hưng đề nghị các bên nộp tiền chi phí % ngoài hợp đồng.
Theo đó, ông Hưng đã thu tổng số hơn 92 tỷ đồng tiền phí ngoài hợp đồng của các nhà thầu. Ngoài ra, quá trình thi công, ông Hưng còn gửi giá, thu hơn 4,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của 2 nhà cung cấp vật liệu đầu vào.
Sau mỗi lần tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán và thu tiền ngoài hợp đồng từ các nhà thầu cung cấp đầu vào, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới cùng liên danh 6 lần đưa cho ông Nguyễn Văn Thạo tổng số 11 tỷ đồng; 5 lần đưa cho ông Đàm Văn Cường tổng số hơn 3,7 tỷ đồng.
Sau khi nhận 11 tỷ đồng, ông Thạo đã 4 lần đưa cho ông Pích 3 tỷ đồng; còn lại 8 tỷ đồng ông Thạo sử dụng cá nhân.
Ông Đàm Văn Cường nhận 3,75 tỷ đồng, giữ lại hơn 2,4 tỷ đồng sử dụng cá nhân và chi phí tiếp khách, đối ngoại cho Ban QLDA Bắc Giang, còn 1,3 tỷ đồng ông Cường chia cho các cá nhân khác trong Ban QLDA.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Duy Hưng đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu hành vi sai phạm, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 120 tỷ đồng tại 5 dự án, hưởng lợi bất chính hơn 98 tỷ đồng. Trong đó, hành vi sai phạm tại gói thầu số 7 dự án cầu Đồng Việt gây thiệt hại hơn 96 tỷ đồng.