Sức khỏe - Đời sống

Nghẹt mũi khi nằm cảnh báo bệnh gì?

Tóm tắt:
  • Nghẹt mũi khi nằm có thể do thay đổi sinh lý hoặc bất thường ở đường thở.
  • Tình trạng này có thể vô hại, nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý.
  • Một số nguyên nhân bao gồm viêm mũi dị ứng, polyp mũi và lệch vách ngăn mũi.
  • Nâng cao đầu giường và rửa mũi bằng nước muối có thể giúp giảm nghẹt mũi.
  • Nếu triệu chứng kéo dài, nên tham khảo bác sĩ tai mũi họng để chẩn đoán và điều trị.

Trả lời:

Nghẹt mũi khi nằm xuống xuất phát từ sự thay đổi sinh lý do yếu tố môi trường hoặc bất thường ở đường thở. Hầu hết trường hợp nghẹt mũi vô hại và dễ điều trị nhưng một số có thể là dấu hiệu bệnh lý.

Khi nằm xuống, lưu lượng máu đến vùng mũi tăng lên do tác động của trọng lực, khiến các mạch máu và mô mềm trong mũi phồng lên, làm hẹp đường thở, gây ra cảm giác nghẹt mũi. Đây là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể, thường xảy ra ở hầu hết mọi người nhưng mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu tình trạng của bạn kéo dài và mức độ nghẹt mũi nặng có thể bạn mắc bệnh viêm mũi dị ứng do phản ứng với các dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, lông thú cưng. Viêm mũi vận mạch cũng khiến mũi nhạy cảm với các kích thích như thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, dễ làm chảy mũi.

Một số bệnh lý khác gây nghẹt mũi khi nằm gồm:

Polyp mũi: Các khối u lành tính phát triển từ niêm mạc mũi và xoang có thể làm tắc nghẽn đường thở, nhất là khi nằm xuống do chịu tác động của trọng lực.

Lệch vách ngăn mũi: Bất thường cấu trúc của vách ngăn mũi làm hẹp một bên hoặc cả hai bên đường thở mũi, trở nên nghiêm trọng hơn ở tư thế nằm.

Viêm xoang: Bệnh gây sưng niêm mạc, tăng tiết dịch nhầy và cản trở thông khí tự nhiên của mũi, nhất là khi nằm.

Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dạ dày trào ngược lên có thể kích thích và gây viêm niêm mạc mũi, họng, khiến tăng tiết dịch nhầy, nghẹt mũi.

Người bệnh được bác sĩ nội soi mũi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người bệnh được bác sĩ nội soi mũi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Để khắc phục tình trạng nghẹt mũi khi nằm xuống, bạn nâng cao đầu giường khoảng 10-15 cm hoặc sử dụng thêm gối khi ngủ có thể giảm áp lực máu đến mũi. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, nhất là khi sử dụng điều hòa vì không khí khô làm trầm trọng thêm triệu chứng nghẹt.

Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý trước khi đi ngủ giúp làm sạch mũi, loại bỏ dị nguyên, giảm viêm. Bạn nên tránh các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có caffein trước khi đi ngủ. Giữ phòng ngủ sạch sẽ, thường xuyên giặt chăn, gối cũng giảm dị nguyên gây dị ứng.

Nếu tình trạng nghẹt mũi khi nằm kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, bạn nên đến bác sĩ tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.


Khoa Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4. Từ 12/4, miền Bắc có thể đón không khí lạnh. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay ít mưa, ngày nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Người trẻ nghiện mạng xã hội

Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” (Digital life among Vietnamese) vừa được Q&Me phát hành, bạn trẻ trong nhóm tuổi từ 18-29 tuổi, đa phần (31%) dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3-4 giờ mỗi ngày, 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 tiếng mỗi ngày. Đáng chú ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.

Miền Bắc tiếp tục mưa, có nơi mưa to

Hôm nay (7/4), miền Bắc, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to. Dự báo từ mai, trời giảm mưa, trưa chiều hửng nắng. Các nơi khác hôm nay ngày nắng, ít mưa, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng.