Thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trở nên sôi động với hiện tượng “xe cũ 0 km” – những chiếc xe đã được đăng ký nhưng chưa từng lăn bánh, đang ồ ạt xuất hiện trên thị trường xe đã qua sử dụng.
Dư luận trong ngành gọi đây là “chiêu trò” có thể bóp méo dữ liệu bán hàng, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng và gây tổn hại cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Theo ông Ngụy Kiến Quân, Chủ tịch Tập đoàn Great Wall Motor (GWM), có tới 3.000 – 4.000 đại lý đang giao dịch những chiếc xe dạng này trên các chợ xe cũ trực tuyến tại Trung Quốc.

ông Ngụy Kiến Quân – Chủ tịch Tập đoàn Great Wall Motor
"Xe cũ 0 km" có hợp pháp?
Để đánh giá “xe cũ 0 km” có thực sự lộn xộn hay không, trước hết phải tìm hiểu nguồn gốc của chúng. Tại sao lại có “xe cũ 0 km”? Những chiếc xe này có hợp pháp không?
Thứ nhất, các nhà sản xuất ô tô bán số lượng lớn xe mới xuất xưởng hoặc xe tồn kho lâu ngày thông qua các kênh xe cũ. Việc này không chỉ giúp tạo ra doanh số bán hàng đẹp mắt mà còn giúp giải phóng hàng tồn kho.
Thứ hai, một số đại lý ủy quyền, để nhận được tiền thưởng từ nhà sản xuất, đã làm giả thủ tục sang tên một số mẫu xe không được ưa chuộng. Sau đó, họ lấy lại những chiếc xe này với lý do “khách hàng bị từ chối vay vốn” rồi bán lại lần hai, kiếm lời từ cả hai lần giao dịch.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ mua xe khá cao, người dân đổi xe cũ lấy xe điện mới thậm chí có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 20.000 nhân dân tệ, cộng thêm giá trị xe cũ. Tổng giá trị nhận được khi đổi một chiếc xe cũ thậm chí còn cao hơn giá mua ban đầu.
Hiện nay, nguồn cung xe cũ giá rẻ trên thị trường đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng đẩy giá. Chị Lưu (Thượng Hải) cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh, tôi đã mua một chiếc Chery QQ EV với giá rất rẻ. Giờ đổi xe, tôi được trợ cấp 20.000 nhân dân tệ, chính quyền quận Phổ Đà còn hỗ trợ thêm 3.000 nhân dân tệ, cộng thêm giá trị còn lại của xe, quả thực rất có lời."
Những khoản lợi nhuận mà người tiêu dùng có thể nhận được, những người bán xe này đương nhiên sẽ không bỏ qua.
Nhiều “xe cũ 0 km” được tạo ra nhằm mục đích hưởng trợ cấp, dành cho những khách hàng không có xe cũ để đổi. Người bán xe sẽ hưởng chênh lệch từ khoản trợ cấp này, đây cũng là nguyên nhân khiến giá “xe cũ 0 km” xuống thấp kỷ lục.

Điều thứ ba khá hiếm gặp. Một số xe mới được xuất khẩu sang Đông Nam Á và Nga, sau đó được nhập khẩu trở lại dưới dạng xe cũ với giá thấp hơn do chênh lệch thuế quan, cạnh tranh với thị trường nội địa. Hơn nữa, những chiếc xe này còn được hưởng một số khoản hoàn thuế xuất khẩu, khiến giá càng giảm.
Hiện nay, dư luận tập trung vào nguồn gốc thứ hai, cho rằng các hãng xe và đại lý xe cũ đang cấu kết để hưởng lợi từ chính sách trợ cấp của nhà nước.
Trên thực tế, những người bán xe cũ cũng phải chịu rủi ro. Nếu không bán được những chiếc “xe cũ 0 km” đổi được, họ sẽ bị ứ đọng vốn.
Toàn bộ quy trình không hề vi phạm quy định, chỉ là làm xáo trộn hệ thống giá xe hiện hành.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, ngay cả khi không có “xe cũ 0 km”, các hãng xe cũng phải chủ động giảm giá. Họ đã làm ngơ cho những hành vi mua bán này từ lâu.
Ngoài thị trường nội địa, “xe cũ 0 km” còn được xuất khẩu với số lượng lớn ra nước ngoài. Chẳng hạn, “xe cũ 0 km” của Li Auto thậm chí còn đắt hơn xe mới trong nước.
Một người bán xe cũ tiết lộ, mẫu Li Auto L9 có giá khoảng 450.000 nhân dân tệ ở Trung Quốc nhưng lại được bán với giá gần 1 triệu nhân dân tệ ở một số nước Trung Á. Một chiếc Li Auto L7 xuất khẩu sang Kazakhstan có giá bán cao hơn gần 200.000 nhân dân tệ so với giá khởi điểm trong nước.
Ông Lý, một người bán xe cũ ở Hà Trạch, cho biết trong năm 2023, ông đã xuất khẩu hơn 200 chiếc Geely Xingyue L, thu về lợi nhuận hơn 1 triệu nhân dân tệ.
Ông Lý tiết lộ: "Có hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, nguồn xe chủ yếu là những chiếc “xe mới biến thành xe cũ” này. So với thị trường nội địa, xuất khẩu có thể mang lại lợi nhuận cao hơn 30% và còn giúp các nhà sản xuất giải phóng hàng tồn kho."
Có thông tin cho rằng, cuộc họp kín lần này của Bộ Thương mại chủ yếu nhằm vào vấn đề xuất khẩu. Bởi vì nhiều xe xuất khẩu chưa được kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn địa phương, tỷ lệ khách hàng phàn nàn đã tăng 30%, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu Trung Quốc.
Có nên mua "xe cũ 0 km" hay không?
Đối với người tiêu dùng bình thường, liệu có nên mua “xe cũ 0 km” hay không? Đối với xe chạy xăng, nếu không quan tâm đến thời gian tồn kho thì thực chất cũng không khác gì xe mới.
Cần lưu ý rằng, khi mua “xe cũ 0 km”, cần so sánh kỹ cấu hình. Nhiều “xe cũ 0 km” cũng bị cắt giảm trang bị, là những phiên bản đặc biệt do nhà sản xuất cung cấp nhưng không có trong bảng cấu hình.

Đối với xe điện, người tiêu dùng tưởng như mua được hàng rẻ nhưng thực chất lại đang gánh chịu rủi ro lớn. Ví dụ, khi mua “xe cũ 0 km”, người mua sẽ tự động mất quyền lợi của chủ xe đầu tiên. Hầu hết các hãng xe chỉ bảo hành pin trọn đời cho chủ xe đầu tiên, xe cũ dù là 0 km cũng không được hưởng chính sách này.
Nguy hiểm hơn là rủi ro về quyền sở hữu, một số xe “bao biển số” có thể đang bị thế chấp vay vốn, người tiêu dùng nếu không cẩn thận sẽ vướng vào tranh chấp nợ nần.
Nói tóm lại, khi mua “xe cũ 0 km”, cần phải hết sức tỉnh táo.
Nhìn chung, sự gia tăng của “xe cũ 0 km” có thể phản ánh những mâu thuẫn sâu xa trong cấu trúc ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu “hiện tượng bất thường” này có cần được chấn chỉnh hay không, và chấn chỉnh như thế nào? E rằng một vài cuộc họp cũng chưa thể làm rõ.
Bích Câu - Nguồn BusinessCars