Mùa mưa bất thường
Hôm qua 10.7, AFP đưa tin các đợt lũ quét xảy ra tại vùng núi giữa Trung Quốc và Nepal từ ngày 8.7 đã làm ít nhất 9 người thiệt mạng, 30 người mất tích và một cây cầu huyết mạch kết nối hai nước bị cuốn trôi. Mọi năm, các nước vùng Nam Á mong chờ mùa mưa đến để chấm dứt cái nóng mùa hè, tưới tiêu nông nghiệp và bổ sung nước cho sông ngòi. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến các trận mưa trở nên bất thường và dữ dội hơn, gây lũ lụt và sạt lở chết người.

Binh sĩ sơ tán bệnh nhân và nhân viên tại bệnh viện ở TP.Imphal (Ấn Độ) trong đợt mưa lũ đầu tháng 6
ẢNH: AP
Theo AP, khu vực Nam Á có 2 mùa mưa mỗi năm. Trong đó, từ tháng 6 - 9, mưa di chuyển theo hướng tây nam - đông bắc và từ tháng 10 - 12 di chuyển ngược lại. Tuy nhiên, với việc khí nhà kính ngày càng nhiều hơn, các trận mưa không còn xảy ra theo mô hình nói trên. Thay vào đó, không khí ấm hơn giữ lại nhiều hơi ẩm từ Ấn Độ Dương và gây ra mưa lớn trong thời gian ngắn, kéo theo lũ lụt nghiêm trọng và hạn hán, thay vì mưa kéo dài như trước.
"Tần suất và cường độ của những trận mưa cực đoan đang gia tăng, vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước tại các khu vực đô thị và gây lũ quét", nhà khoa học khí hậu Roxy Mathew Koll (Viện Khí tượng nhiệt đới Ấn Độ) cho biết.
Theo thống kê, gần 1.300 người thiệt mạng tại Ấn Độ trong năm 2024 do mưa lớn và lũ lụt. Trong năm nay, đã có hàng trăm trường hợp tử vong liên quan mưa lớn tại các nước như Ấn Độ, Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Bên cạnh đó, thời tiết nóng hơn và hạn hán kéo dài cũng gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp tại Nam Á. Nhà khoa học khí hậu Finu Shreshta tại Trung tâm quốc tế về phát triển hội nhập miền núi (ICIMOD, Nepal) cho biết hơn 60% người dân Nam Á phụ thuộc vào nghề nông và hầu như trông chờ vào mùa mưa.
Hiểm họa vỡ hồ băng

Quân nhân Nepal cứu người mắc kẹt trong đợt lũ tại Nepal ngày 8.7
ẢNH: REUTERS
Các chuyên gia khí hậu cũng cảnh báo nhiệt độ cao và mưa lớn còn là nguyên nhân làm tan chảy sông băng ở vùng núi Himalaya, dẫn đến lũ quét và sạt lở nghiêm trọng. ICIMOD cho rằng nguyên nhân của đợt lũ quét vừa qua tại biên giới Nepal và Trung Quốc là do nước tràn từ một hồ băng bên phía Nepal, theo Reuters. Hồ băng được hình thành trên bề mặt của các sông băng. Ban đầu, các hồ băng thường là vũng nước nhỏ, nhưng sau đó dần mở rộng và đôi khi hợp lại để tạo thành một hồ băng lớn hơn. Nước trong các hồ băng được giữ lại bởi lớp băng hoặc đất đá không ổn định, dễ bị vỡ do áp lực nước, thay đổi nhiệt độ...
Các chuyên gia cho biết các vụ vỡ bờ hoặc nước tràn bờ đang gia tăng với tốc độ chưa từng có ở dãy núi Hindu Kush, trải dài qua nhiều nước trong khu vực. Nghiên cứu của ICIMOD cho thấy ít nhất 200 trong số hơn 2.000 hồ băng tại khu vực có nguy cơ tràn bờ và có thể gây thảm họa cho vùng hạ lưu. Mưa lớn và nhiệt độ ngày càng nóng làm tuyết lở, đá lở và các hiện tượng có thể gây ra một vụ tràn hồ băng. Trong hai tháng qua, Afghanistan, Nepal và Pakistan đã hứng chịu các trận lũ do nước từ hồ băng tràn xuống. Các chuyên gia dự báo nguy cơ lũ quét do vỡ hồ băng sẽ đạt đỉnh trong năm nay, khi nhiệt độ tăng lên tạo ra thêm nhiều hồ băng.
120 người thiệt mạng vì lũ quét tại Mỹ
Tính đến hôm qua, đã có ít nhất 120 người chết trong đợt lũ quét tại bang Texas (Mỹ) cùng với hơn 160 người nghi mất tích, theo AP. Trong khi đó tại bang New Mexico, một trận lũ quét hôm 8.7 đã làm ít nhất 3 người chết và hàng chục ngôi nhà bị thiệt hại.