Xã Hội

Người Hà Nội lo ngại rau phun đêm trước, sáng hôm sau bán ra chợ

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng đặt vấn đề, thông tin phản ánh trong phóng sự được phát trước phiên chất vấn cho thấy vẫn còn tình trạng người dân trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tối hôm trước nhưng ngay sáng hôm sau đã thu hoạch và đưa rau đi tiêu thụ.

Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết nguồn thực phẩm như rau, hoa quả được kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số lượng tiêu thụ hàng ngày của người dân Thủ đô.

Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Xuân Đại trả lời chất vấn. (Ảnh: N. Hải)

Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Xuân Đại trả lời chất vấn. (Ảnh: N. Hải)

Tương tự, đại biểu Trần Khánh Hưng cho biết, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy mỗi ngày, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung ứng ra thị trường đạt khoảng 550 tấn, tương đương khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô.

Đại biểu đặt vấn đề, với 40% lượng thịt còn lại chưa nằm trong diện kiểm soát, nguồn gốc đến từ đâu? Và việc kiểm soát khối lượng lớn thực phẩm chưa rõ nguồn gốc như vậy đang được thực hiện ra sao?

Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, kết hợp chế tài xử phạt mạnh

Trả lời nội dung trên, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&MT, cho biết mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 550 tấn thịt, tương đương 60% tổng nhu cầu. Nguồn cung này cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, theo ông Đại, 40% còn lại đến từ các tỉnh ngoài hoặc nguồn nhập khẩu, trong đó có một phần chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ông Đại cho hay, với phần thịt nhập từ địa phương khác, Hà Nội đã ký kết liên kết với 40 tỉnh, thành nhằm đảm bảo nguồn cung và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa được kiểm soát đầy đủ.

Về nghi vấn tình trạng người dân phun thuốc bảo vệ thực vật tối hôm trước, sáng hôm sau đã thu hoạch rau mang đi tiêu thụ, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội cho rằng còn tình trạng một số hộ dân trồng rau tự phát để tự cung tự cấp, sau đó đưa ra chợ bán. Nhóm sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) nếu không được kiểm soát chặt.

Sắp tới, Hà Nội sẽ tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, xây dựng chuỗi canh tác, đẩy mạnh thanh kiểm tra, đồng thời kết hợp chính sách hỗ trợ và chế tài xử phạt mạnh.

Báo cáo trước đó cho thấy, tại Hà Nội có khoảng 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhưng mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại vận chuyển từ các tỉnh về và nhập khẩu.

Theo Thường trực HĐND thành phố, mặc dù có nhiều nỗ lực, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác ATTP. Thực tế, người dân Thủ đô vẫn chưa thể yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Theo đó, thành phố đã phát triển được 7/8 cơ sở giết mổ công nghiệp theo phê duyệt được đầu tư, xây dựng (đạt 87,5% so với số lượng cơ sở được phê duyệt). Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 5 cơ sở giết mổ đang hoạt động giết mổ thường xuyên; vẫn còn 2 cơ sở giết mổ phải tạm dừng hoạt động.

Theo ghi nhận, sau 1 tháng thực hiện cao điểm Tháng hành động về ATTP năm 2025, 627 đoàn kiểm tra liên ngành cùng 12 đoàn chuyên môn và 610 đoàn kiểm tra các địa phương đã kiểm tra, giám sát gần 12.800 cơ sở.

Đặc biệt, toàn thành phố đã phát hiện hơn 1.400 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 12 tỷ đồng. 54 cơ sở bị buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá trên 5 tỷ đồng. 2 cơ sở bị đình chỉ.

Các cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ án, 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. 7 vụ việc đã được chuyển cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Các tin khác

‘Siêu’ dự án Tây Hồ Tây được giao thêm đất xây cao ốc

Trong gần 70.000 m2 đất giao cho Công ty TNHH Phát triển THT để thực hiện Dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (giai đoạn 2) có khu đất xây nhà ở cao tầng; xây khu hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp...

Phân khúc SUV cỡ B ngày càng nóng

Với sự xuất hiện của nhiều mẫu mã mới, áp lực cạnh tranh ở phân khúc SUV cỡ B ngày càng tăng buộc các hãng phải chạy đua giảm giá giành thị phần.