Tại mục hỏi đáp chính sách trên trang web của Bộ Tài chính, mới đây cá nhân T.H.H.L nêu thắc mắc xoay quanh việc mã số thuế. Cụ thể, cá nhân này hỏi sau ngày 1.7, nếu mã số thuế (MST) của người mua ở trạng thái “MST chờ cập nhật thông tin số định danh cá nhân” thì công ty có được tiếp tục bán hàng cho họ không? Nếu có, công ty tiếp tục dùng MST để xuất hóa đơn hay như thế nào? Hiện tại, công ty cần kiểm tra thường xuyên trạng thái MST của người mua để xuất hóa đơn. Cơ quan thuế có giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp có thể tự kiểm tra hàng loạt nhiều MST hay số định danh cá nhân cùng lúc không?

Người mua hàng hóa, dịch vụ có quyền yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xuất hóa đơn
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trả lời vấn đề này, Thuế cơ sở 14 TP.HCM (tên gọi trước đây là Đội thuế Q.Bình Thạnh) cho biết, căn cứ Nghị định số 70/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ thì trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có MST thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế; trường hợp người mua là đơn vị có quan hệ ngân sách thì tên, địa chỉ, mã số đơn vị có quan hệ ngân sách thể hiện trên hóa đơn phải ghi mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách được cấp.
Trường hợp người mua không có MST thì trên hóa đơn không phải thể hiện MST người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài. Trường hợp người mua cung cấp MST, số định danh cá nhân thì trên hóa đơn phải thể hiện MST, số định danh cá nhân.
Như vậy, cụ thể từ ngày 1.7, khi lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thông tin MST của người mua ghi trên hóa đơn thực hiện theo quy định, trong đó MST của doanh nghiệp, tổ chức là MST (10 số hoặc 13 số) do cơ quan thuế cấp; MST dành cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân là MST do cơ quan thuế cấp (10 số hoặc 13 số) (hoặc số định danh cá nhân do Bộ Công an cấp theo quy định của pháp luật về căn cước đối với trường hợp sử dụng số định danh cá nhân thay cho MST khi thông tin đăng ký thuế khớp đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Đối với các hộ kinh doanh, cá nhân có MST ở trạng thái “MST chờ cập nhật thông tin số định danh cá nhân” thì hộ kinh doanh, cá nhân phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế theo quy định để đảm bảo thông tin khớp đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi sử dụng số định danh cá nhân thay cho MST. Khi MST đã được tích hợp vào số định danh cá nhân thì các hóa đơn đã lập có sử dụng thông tin MST của hộ kinh doanh, cá nhân tiếp tục được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh, cá nhân mà không phải điều chỉnh thông tin MST trên hóa đơn sang số định danh cá nhân.
Người mua hàng hóa, dịch vụ có quyền yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ cũng như có trách nhiệm cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn, bao gồm cả thông tin về MST hoặc số định danh cá nhân.
Về tra cứu thông tin đăng ký thuế, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể thực hiện tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: https://www.gdt.gov.vn, hoặc trên trang Thuế điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: thuedientu.gdt.gov.vn, hoặc trên tài khoản giao dịch thuế điện tử của cá nhân tại ứng dụng icanhan hoặc eTaxMobile (nếu cá nhân đã được cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế).