Công nghệ

Nhà mạng đua nhau tăng tốc độ Internet, người dùng hưởng lợi

Tóm tắt:
  • Ba nhà cung cấp Internet lớn tại Việt Nam là Viettel, VNPT và FPT đã nâng cấp tốc độ gói cước tối thiểu lên 300Mbps.
  • Giá cước mới là 180.000 đồng/tháng, áp dụng cho cả khách hàng hiện tại và mới.
  • Nâng cấp giúp người dùng trải nghiệm tốt hơn với các dịch vụ trực tuyến và giảm thiểu gián đoạn.
  • Việc này tạo ra áp lực lên các nhà mạng nhỏ hơn, thúc đẩy cạnh tranh trong ngành viễn thông.
  • Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đặt mục tiêu mở rộng vùng phủ sóng và nâng tốc độ mạng 5G trong năm nay.

Đồng loạt tăng tốc độ

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng Internet tốc độ cao ngày càng tăng, đặc biệt với sự phát triển của các nhu cầu như làm việc từ xa, học trực tuyến, xem livestream giải trí, chơi game trực tuyến… tốc độ mạng Internet đã trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Trước đây, các gói cước Internet cố định phổ biến tại Việt Nam thường dao động từ 100Mbps đến 200Mbps với mức giá trung bình từ 200.000 đến 250.000 đồng/tháng, tùy thuộc vào khu vực và nhà cung cấp.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4, thị trường viễn thông Việt Nam chứng kiến một bước tiến đáng chú ý khi 3 nhà mạng lớn nhất nước: VNPT, Viettel và FPT đều đồng loạt nâng cấp gói cước Internet cố định tối thiểu lên tốc độ 300Mbps, với mức giá 180.000 đồng/tháng.

Tốc độ mới sẽ được áp dụng cho cả những khách hàng hiện có lẫn những khách hàng mới đăng ký dịch vụ.

Nhà mạng đua nhau tăng tốc độ Internet, người dùng hưởng lợi - 1

Việc các nhà mạng đồng loạt nâng cấp tốc độ kết nối Internet cố định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng trong nước (Ảnh minh họa: FB).

Để cạnh tranh và lôi kéo người dùng, các nhà mạng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như tặng modem WiFi khi lắp đặt mới, giảm giá thành lắp đặt…

Việc nâng cấp lên 300Mbps với giá 180.000 đồng/tháng không chỉ giúp người dùng tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo tốc độ vượt trội, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu công việc, giải trí.

Theo chuyên gia từ VNPT, với tốc độ này, nhu cầu sử dụng Internet của gia đình và cá nhân hiện nay đều được đáp ứng mượt mà như xem video trực tiếp chất lượng cao (4K, thậm chí 8K); chơi game trực tuyến đòi hỏi độ trễ thấp và băng thông lớn; học tập và làm việc trực tuyến (gọi video HD, tải tập tin lớn); sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc (điện thoại, máy tính, TV thông minh, camera an ninh, thiết bị nhà thông minh) mà không bị giật; tải xuống/tải lên các tệp dung lượng lớn nhanh chóng.

Đại diện Viettel Telecom cho biết, nhà mạng không ngừng đầu tư vào nền tảng, nâng cấp hạ tầng Internet cáp quang hướng tới mục tiêu dài hạn là tăng cường độ ổn định và mở rộng kết nối quốc tế.

Viettel là đơn vị duy nhất tại Việt Nam tham gia đầu tư vào tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC) - tuyến cáp biển có dung lượng lớn nhất hiện nay, chính thức hoạt động từ tháng 12/2024.

Cùng với 4 tuyến cáp biển hiện đang khai thác là TGN-IA, AAG, APG, AAE-1, tuyến cáp biển thứ 5 ADC mới đưa vào khai thác sẽ là trợ thủ đắc lực, san tải với các tuyến khác, từ đó góp phần nâng cao độ an toàn mạng lưới, an toàn thông tin quốc gia cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông của Viettel.

Những trải nghiệm này được đảm bảo ở mức đồng đều và tốt hơn cho phần lớn khách hàng.

Việc nâng cao tốc độ đường truyền không chỉ đánh dấu sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước, mà còn giúp đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các quốc gia có tốc độ Internet hàng đầu khu vực như Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản…

Theo số liệu báo cáo của SpeedTest - dịch vụ trực tuyến chuyên phân tích và đánh giá hiệu suất, tốc độ truy cập Internet của các nhà mạng - đến hết tháng 2, mạng Internet cố định trên thế giới đạt tốc độ trung bình 98,31 Mbps khi tải xuống và 53,53 Mbps khi tải lên.

Kết quả báo cáo của SpeedTest cho thấy Việt Nam xếp thứ 34 toàn cầu về tốc độ download trung bình khi sử dụng Internet cố định, với thành tích 164,77Mbps.

Với việc các nhà mạng lớn đồng loạt nâng cấp tốc độ gói cước Internet cố định, thành tích tại Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện trong các báo cáo sắp tới của SpeedTest.

Cuộc đua mới trong ngành viễn thông

Việc nâng cấp tốc độ kết nối Internet cố định của các nhà mạng đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng.

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người dùng đã bày tỏ sự hào hứng khi các gói cước Internet cố định đã được nâng cấp tốc độ nhưng không tăng giá cước, cho phép họ trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến, giải trí mượt mà hơn.

Dù vậy, việc đồng loạt nâng cấp gói cước của 3 nhà mạng lớn sẽ tạo áp lực lên các nhà cung cấp nhỏ hơn như CMC Telecom, SPT hay Netnam…

Các nhà mạng nhỏ sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước hoặc cải thiện dịch vụ để không bị mất thị phần hiện có. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc đua mới trong ngành viễn thông, nơi người dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Ngoài nâng cấp tốc độ Internet cố định, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặt mục tiêu để các nhà mạng mở rộng vùng phủ sóng, nâng cấp tốc độ kết nối mạng 5G và thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink ngay trong năm nay.

Đây được xem là những nền tảng quan trọng để giúp Việt Nam bắt kịp các quốc gia phát triển trong khu vực trên quá trình chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử.

Đồng thời, thực hiện theo Nghị quyết 57-NQ/TW, việc nâng tốc độ của các gói cước Internet cung cấp cho người dùng, sẽ tạo nền tảng mạng lưới quan trọng, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam bổ sung băng tần WiFi 6GHz

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt quy hoạch, bổ sung 500MHz phổ tần trong băng tần 6GHz (dải tần 5925-6425MHz) cho các thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN/RLAN), thường được biết đến là WiFi, hoạt động theo hình thức miễn cấp phép.

Việc bổ sung 500MHz băng tần 6GHz cho WiFi được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các công nghệ và ứng dụng tương lai như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), streaming video chất lượng cao (4K/8K), và các dịch vụ Internet of Things (IoT) tiên tiến.

Các tin khác

Ca khúc châm biếm môi trường mạng hiện nay

Nhạc Việt sôi động hơn bao giờ hết với những ca khúc màu sắc riêng, từ việc tận dụng drama, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến tạo cú hích nhờ hướng đi khác biệt hoàn toàn của Hieuthuhai.

Các nhà toàn học phải mất mười năm để chứng minh trong 379 trang rằng 1 + 1 = 2

Có lẽ bất cứ ai cũng nghĩ rằng phép tính 1 + 1 = 2 là điều hiển nhiên nhất trên đời, ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể hiểu được. Nhưng trên thực tế, hai nhà toán học hàng đầu thế giới đã mất đến mười năm và phải viết ra một công trình dài 379 trang mới có thể chứng minh được điều này.