Sau chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu Hà Nội có các giải pháp để từ 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1, Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết vấn đề này.
Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, đúng nhóm người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cư dân sinh sống trong khu vực Vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này.
Theo đó, TP Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1.

Chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe. TP sẽ báo cáo Thành ủy, trình HĐND xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.
Song song với chính sách chuyển đổi phương tiện cá nhân, Hà Nội cũng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Hà Nội dự kiến tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ), xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô tại Vành đai 1.
Đồng thời, các tuyến đường sắt đô thị tiếp tục được đẩy nhanh, trong đó hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đã đi vào khu vực này; các tuyến Hồ Tây - Hòa Lạc và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ được triển khai tiếp theo.
Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ôtô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
"Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư", ông Tuấn nói.
Được biết, Hà Nội hiện có 45 tuyến buýt trợ giá hoạt động trong Vành đai 1, trong đó có 11 tuyến buýt điện với tổng cộng 126 xe buýt năng lượng sạch, phục vụ gần 6.500 lượt xe/ngày, tần suất dao động từ 5 - 20 phút/lượt.
Giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang năng lượng xanh; Mở mới 27 tuyến buýt điện (dự kiến bổ sung 400 xe).
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng; 2 Tổ phó là ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương; ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Tổ còn có 6 thành viên khác là ông Nguyễn Hồng Ky, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP; ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính; bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Trần Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
Lãnh đạo UBND các phường, xã và tổ giúp việc là 19 thành viên đại diện từ các Sở, ngành trên địa bàn TP.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND TP tổ chức triển khai các nhiệm vụ về: Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện; rà soát, đề xuất nhiệm vụ mới phát sinh theo thực tế; tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Sở Xây dựng là cơ quan thường trực huy động nhân sự, thiết bị, kinh phí từ ngân sách TP, chủ trì họp, tổng hợp ý kiến, sử dụng con dấu của Sở để thực hiện nhiệm vụ.