Đưa về 1 thang chung có thể tạo bất công trong xét tuyển
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2025 được Bộ GD-ĐT ban hành, các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của bộ GD-ĐT.
Trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra công thức quy đổi thang điểm các phương thức xét tuyển để các trường tham khảo. Các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc xây dựng quy tắc quy đổi. Ngoài ra, các trường căn cứ vào dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo từng phương thức của các năm trước (tối thiểu hai năm trước liền kề), kết quả học tập của từng sinh viên.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, quy đổi điểm các phương thức xét tuyển đại học về một thang điểm chung có thể tạo thêm sự mất công bằng trong xét tuyển đại học.
Ông Phùng Quán - Trưởng phòng tổ chức hành chính, chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, hiện các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh đặt ra câu hỏi: Nếu không quy đổi điểm giữa các phương thức, liệu có bất công cho thí sinh?
Theo ông Quán, mỗi phương thức là một hệ quy chiếu riêng, có mục tiêu, cấu trúc đánh giá khác nhau. Cụ thể như thi tốt nghiệp THPT mang tính chuẩn hóa toàn quốc. Điểm học bạ phụ thuộc vào giáo viên, trường, vùng miền. Các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hướng đến kỹ năng suy luận, tổng hợp. Do vậy, khi chưa có chuẩn hóa chung, việc so sánh giữa các phương thức này là khập khiễng.

Ông Quán cho rằng, nếu thực hiện quy đổi thiếu chuẩn sẽ dễ tạo bất công bởi nhiều trường hiện nay quy đổi điểm giữa các phương thức dựa trên tương quan thống kê, thiếu nền tảng học thuật vững chắc. Điều này có thể gây bất lợi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT - phương thức có mức độ chuẩn hóa cao nhất, tạo cảm giác thiếu công bằng.
“Nếu không được chuẩn hóa nghiêm túc, quy đổi điểm có thể trở thành công cụ hợp thức hóa bất bình đẳng trong tuyển sinh. Thực tế nếu các trường xét tuyển độc lập theo từng phương thức, công khai chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng và tổ chức cùng thời điểm, thí sinh vẫn có thể cạnh tranh công bằng trong từng sân chơi riêng.
Công bằng không phụ thuộc vào phép quy đổi điểm, mà nằm ở sự minh bạch và cách tổ chức tuyển sinh khoa học”, ông Quán nói và nhấn mạnh, nếu quy đổi thiếu chuẩn hóa, có thể tạo ra bất công lớn hơn. Công bằng thật sự đến từ chuẩn hóa, minh bạch và cách thiết kế hệ thống tuyển sinh hợp lý, chứ không chỉ từ những con số quy đổi.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, quy đổi điểm là không tuân thủ theo khoa học về kiểm tra, đánh giá kết quả của người học vì mỗi kỳ thi, bài thi, môn thi đều có mục đích, mục tiêu và cách sử dụng kết quả khác nhau.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT, do đó chỉ cần 5 điểm/môn thi là đã tốt nghiệp và theo một chuẩn khác (từ 5 điểm trở lên là đạt, do đó 5 điểm cũng như 10 điểm nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT). Bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với mục đích dùng để tuyển sinh đại học và có cả các yếu tố đánh giá năng lực đặc thù từng ngành học ở bậc đại học. Điểm học bạ đánh giá theo quá trình học tập, sự tiến bộ của người học nên khác với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá tổng kết", vị này nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, quy đổi điểm theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT hiện nay là tuyến tính, một chiều. Đối với các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… khi quy đổi theo điểm thi tốt nghiệp THPT thì mẫu lựa chọn quy đổi chưa đảm bảo tính đại diện. Nếu xét các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra tương quan thì chưa đảm bảo tính công bằng với lý do đặc thù của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là học sinh học và dự thi tốt nghiệp THPT không đầy đủ các môn học theo tổ hợp xét tuyển đầu vào của các trường có dùng điểm thi đánh giá năng lực để quy đổi. Cho nên, việc dùng 3 môn thi tốt nghiệp THPT để quy đổi chưa đảm bảo tính toàn diện và tương đương về năng lực đảm bảo công bằng trong quy đổi.
"Có nhiều thí sinh khi đã dự thi đánh giá năng lực, đánh giá tư tuy, có kết quả tốt, yên tâm khi đi thi tốt nghiệp THPT không làm hết năng lực (chỉ cần điểm 5 để tốt nghiệp) nên đây cũng là những sai số lớn trong quy đổi theo phương pháp Bộ GD-ĐT hướng dẫn", ông nói.
Trường tự chủ tuyển sinh, Bộ chỉ cần giám sát
Giám đốc tuyển sinh một trường đại học ở phía Nam lại đồng ý nên quy đổi về một mối cho thí sinh dễ hiểu, hội đồng tuyển sinh đỡ mất công khi xét tuyển. Tuy nhiên, theo ông, muốn như vậy phải làm lại đề thi tốt nghiệp THPT để có sự phân hóa hơn.

“Việc quy đổi này chưa thể hiện điều gì bởi điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt khác với đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và điểm thi tốt nghiệp THPT. Mục đích thi tốt nghiệp là đánh giá kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT đạt hay không đạt, còn đánh giá năng lực lại khác, nếu quy đổi cùng một mức sẽ rất lấn cấn”, ông nói.
Chưa bàn đến công thức quy đổi điểm, vị này cho rằng, trước hết phải làm rõ quy đổi như vậy có ý nghĩa gì, dễ quản lý, dễ hiểu hay dễ làm...? Trong khi đó hiện nay các trường đại học đã tự chủ toàn bộ về tuyển sinh, nếu phải theo quy định của Bộ thì hơi khó.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, một phương án tốt nhất hiện nay là hãy để các trường tự chủ tuyển sinh bằng cách tự xác định phương thức tuyển sinh và xác định tỷ lệ tuyển theo phương thức.
Học sinh thi theo phương thức nào đảm bảo phương thức ấy cho công bằng. Sau khi có số liệu các trường xem xét phương án nào sinh viên học tốt hơn và phải công khai tỷ lệ tuyển một cách minh bạch. Bộ GD-ĐT chỉ cần kiểm tra giám sát, chặt chẽ.

Các trường công an tuyển thêm tổ hợp có môn Tin học, Công nghệ

Các mốc thời gian quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
