Xã Hội

Quy luật hoạt động của lò mổ chuyên thu gom lợn bệnh tại Hà Nội

Khi việc mua bán, tiêu thụ lợn chết vẫn đang diễn ra tại chợ Phùng Khoang, thì ở một địa bàn khác, một lò mổ chuyên thu gom lợn bệnh lại có cách thức hoạt động tinh vi hơn để duy trì hoạt động trái phép. Từ nguồn tin tố giác tội phạm của người dân, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an TP Hà Nội đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, theo dõi và triệt phá.

Ghi nhận cùng các trinh sát trong quá trình theo dõi tại xã Thường Tín, Hà Nội cho thấy, lò mổ lợn bệnh này có quy mô lớn, vận hành gần như trơn tru mỗi đêm từ 9 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau.

Khoảng 21h mỗi ngày, các xe tải mang biển số nhiều tỉnh thành, thậm chí có cả phương tiện gắn logo công ty chăn nuôi, liên tục đưa lợn bệnh về lò. Chủ lò – một người đàn ông tên Tươi – luôn túc trực để nhận hàng. Mỗi xe chỉ mất vài phút để hoàn tất việc giao lợn. Trung bình mỗi đêm có khoảng 4 lượt xe như vậy.

Quy luật hoạt động của lò mổ lợn bệnh tại Hà Nội gây lo ngại an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Dù chỉ gọi là “lợn bỏ ăn”, nhưng thực tế, lợn có dấu hiệu sốt đỏ, toàn thân tím tái, yếu ớt, không đứng lên nổi. Một số con được kiểm tra bằng cách đạp chân để xác định khả năng sống sót.

Sau 12h đêm, công đoạn giết mổ bắt đầu. Vì là lợn bệnh, dễ chết, nên hàng đưa về đến đâu là phải mổ ngay. Công tác vệ sinh gần như bị bỏ qua hoàn toàn. Lợn sau khi mổ được kéo lê trên nền nhà bẩn thỉu, nước thải chảy thẳng ra sông Nhuệ gần đó – mang theo nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Quy luật hoạt động của lò mổ lợn bệnh tại Hà Nội gây lo ngại an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Lợn bệnh len lỏi vào chợ đầu mối

Việc buôn bán cũng diễn ra náo nhiệt. Các tiểu thương quen mặt sẽ đến tận nơi chọn thịt. Lợn được bán buôn nguyên con, nội tạng cũng được gom đi hết. Hoạt động sôi động nhất vào khoảng 1h30 – 2h sáng. Một số người còn phải dùng mũi để ngửi, đánh giá mùi thịt – bởi lợn bệnh không thể che giấu dấu vết: da nổi mẩn đỏ dày đặc.

Theo dõi người mua, phóng viên phát hiện thịt từ lò mổ được đưa vào các sạp bán tại Chợ Đầu mối Phía Nam, dù không có dấu kiểm dịch. Rạng sáng 1/7, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra lò mổ và các ki-ốt bán hàng liên quan tại chợ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu thịt dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Quy luật hoạt động của lò mổ lợn bệnh tại Hà Nội gây lo ngại an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Tiểu thương tại chợ nói: “Em cũng phân vân không biết thế nào mà lợn rẻ như thế… Bán giá 80-90K/cân thịt thành phẩm". 

“Mình nghĩ chỗ nào giá thành hạ thì làm thôi. Chưa biết lợn bệnh thì chưa nhận thức được" - một người khác cho biết. 

Thông thường, lợn thịt phải đạt 100kg mới xuất chuồng có lãi. Khi lợn mắc bệnh, người nuôi buộc phải bán tháo để gỡ phần vốn. Lợi nhuận rơi vào tay thương lái, chủ lò mổ và dân lái thịt.

Đối tượng Nguyễn Thị Thư – vợ chủ lò mổ – thừa nhận: “Lý do em thấy rẻ hơn… Người mua cũng muốn giá rẻ hơn thì là em buôn". 

Quy luật hoạt động của lò mổ lợn bệnh tại Hà Nội gây lo ngại an toàn thực phẩm - Ảnh 4.

Sự dễ dãi trong mua bán, sự tồn tại của đường dây thu gom – giết mổ lợn bệnh quy mô lớn như vậy không chỉ là nỗi lo về an toàn thực phẩm, mà còn là nguy cơ phát tán dịch bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi – từng gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Các tin khác

Bi kịch của Á hậu Hong Kong mắc ung thư

Á hậu Hong Kong 1998 Ngô Hãn Hy phải bán đồ đạc trong nhà để có thêm tiền trang trải viện phí chữa bệnh ung thư. Dù lâm vào tình cảnh khó khăn, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan.

Một nam diễn viên bị cấm sóng

Nổi lên từ bộ phim đam mỹ "Nghịch ái", Điền Hủ Ninh bị đào bới đời tư, fan cuồng bám đuôi chất vấn trong nhiều ngày. Anh còn vướng tin bị cấm sóng.