Sức khỏe - Đời sống

Thanh xuân màu đỏ…

Tóm tắt:
  • Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu tình nguyện vào chiến trường Quảng Trị dù đang mang thai, được chồng động viên vững lòng thực hiện nhiệm vụ.
  • Bà tận tụy chăm sóc thương binh giữa bom đạn dữ dội, giành giật mạng sống cho những đồng đội vượt qua bệnh hiểm nghèo.
  • Thiếu tướng Đặng Ngọc Hùng chỉ huy các ca mổ khẩn cấp tại rừng Quảng Ngãi với thiết bị đơn sơ và thuốc men thiếu thốn nghiêm trọng.
  • Họ chịu đựng đau thương, mệt mỏi, hy sinh tuổi trẻ để cứu sống đồng đội, giữ vững tinh thần thép trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.
  • Ký ức máu và nước mắt vẫn ám ảnh đời họ, thôi thúc tiếp tục tận hiến y đức, sống xứng đáng với linh hồn đồng đội đã hy sinh.

Chuyện thầm lặng của họ, như quãng nghỉ giữa đợt bom. Một thứ im lặng mà bão giông bởi tử sinh trong tay họ có khi như chớp mắt, và không phải ai cũng biết, thanh xuân đời họ, đánh đổi biết bao nhiêu…

*Đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, mái tóc điểm sương, giọng nói chậm rãi nhưngánh mắt vẫn sáng lấp lánh khi nhắc về những ngày tuổi trẻ rực lửa, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 như đang sống lại cả một quãng đời thanh xuân. Đầu năm 1972, giữa tiếng bom rền vang và sắc đỏ máu lửa của quê hương, lòng Nữ Hiếu bừng cháy khát vọng được vào chiến trường.

Thanh xuân màu đỏ… ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chăm sóc thương binh tại chiến trường Quảng Trị.

Bao tháng trời viết đơn tình nguyện, bao ngày ngóng đợi, rồi giây phút được gọi tên trong đoàn cán bộ, bác sĩ vào chiến trường Quảng Trị, tim cô gái trẻ vỡ òa như mùa xuân vừa tràn về sau những ngày đông giá lạnh. Nhưng đời không phải lúc nào cũng dễ dàng như giấc mơ tuổi trẻ. Khi chuẩn bị lên đường vào phương Nam, Nữ Hiếu hay tin mình đã mang giọt máu đầu tiên. Mới kết hôn được bốn tháng, đứng giữa hai bờ: một bên là tiếng gọi thiêng liêng của Đất nước, một bên là mầm sống bé nhỏ đang lớn dần trong cơ thể mình, cô băn khoăn, trăn trở đến tận cùng. Đã có lúc, nỗi giằng xé khiến Hiếu nghĩ đến việc từ bỏ đứa con, chỉ để được tiếp bước ra trận. May mắn thay, bên cô có tình yêu dịu dàng của người chồng - Nguyễn Lân Dũng, người sau này là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, chuyên gia đầu ngành công nghệ sinh học của Việt Nam. Chính ông, với ánh mắt tin yêu và lời động viên đầy bao dung đã tiếp sức cho bác sĩ Hiếu vững tâm, để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa ôm ấp sinh linh nhỏ bé trong từng nhịp thở.

Chiến trường Quảng Trị năm ấy là một bản tráng ca đẫm máu và nước mắt. Giữa tiếng đạn xé, bom nổ, bác sĩ Nữ Hiếu, dù gương mặt xanh xao vì ốm nghén, vẫn không một lần chối từ bất cứ nhiệm vụ nào. Đôi tay cô run lên vì mệt, nhưng chưa bao giờ xuất hiện suy nghĩ tháo lui. Có những đêm Nữ Hiếu thức trắng bên giường bệnh, giành giật từng hơi thở cho những người lính trẻ. Như lần ấy, cô dân công hỏa tuyến tên Thành, giữa cơn sốt rét ác tính, hôn mê sâu, tưởng chừng không còn đường sống. Hai mươi ngày ròng rã, Nữ Hiếu vừa điều trị, vừa xoa bóp, bấm huyệt, thì thầm những lời động viên, giữ cho sợi dây mong manh của sự sống không đứt gãy. Và rồi, điều kì diệu đã đến - Thành hồi tỉnh, mở mắt đón ánh sáng mặt trời trong vòng tay ấm áp của nữ bác sĩ trẻ.

Bảy tháng thai nghén, bảy tháng giữa bom đạn và sự sống luôn bị đe dọa, đến khi bụng bầu quá lớn bác sĩ Nữ Hiếu nhận được lệnh trở về hậu phương. Những ngày tháng ở chiến trường, khi cái chết luôn rình rập từng bước chân đã tôi luyện cho Hiếu bản lĩnh thép - kiên cường, gan góc, nhưng cũng dịu dàng như dòng sông vỗ về bờ bãi, để rồi cả đời sau này cô gái ấy đã đối diện mọi gian lao bằng một trái tim không bao giờ run rẩy…

*Tiếng bom gầm rú, đất trời rung chuyển, đạn xé ngang những cánh rừng già… Mùi khói súng, mùi máu tanh ám ảnh. Và giữa tận cùng của mất mát ấy, hiện lên trong ánh mắt vị Thiếu tướng già là một thời không thể nào quên - thời tuổi trẻ bên lằn ranh sống - chết, cầm dao mổ xẻ giữa bom đạn, giành giật từng hơi thở mong manh cho những người đồng đội.

Thanh xuân màu đỏ… ảnh 2

Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng trong một ca phẫu thuật cho thương binh tại chiến trường.

Năm 1972, Quảng Ngãi như ngọn đuốc đỏ rực trong biển lửa chiến tranh. Quốc lộ 1 - tuyến huyết mạch bị cày nát bởi bom đạn, mỗi bước đi là một lần thách thức với tử thần. Những trận chiến thường nổ ra lúc tờ mờ sáng, và sau mỗi đợt xung phong, biết bao chiến sĩ gục ngã, máu hòa cùng đất thấm vào lòng núi rừng. Việc đưa thương binh về bệnh xá nơi rừng sâu là cuộc chạy đua sinh tử, đối mặt với cái chết rình rập từ trên không. Trong những lán trại dã chiến mong manh giữa đại ngàn, các bác sĩ - những người lính khoác áo trắng gác lại nỗi sợ hãi, chỉ còn trái tim nóng rực ý chí bằng mọi giá phải cứu được người lính. Bàn tay họ run vì mệt mỏi, vì máu, vì bụi đất, nhưng ánh mắt họ thì không ngừng sáng - ánh mắt của những người lính thề sống chết vì đồng đội. Giữa tiếng đạn nổ chát chúa ngoài kia, từng đường dao mổ, từng vết khâu cũng chứa đựng cả lời thề của một thế hệ: phải cứu bằng được đồng đội dù chỉ còn một phần nghìn tia hi vọng.

Tỉnh đội Quảng Ngãi phối hợp với Sư đoàn 2 mở chiến dịch tấn công địch trên địa bàn Ba Tơ, Mộ Đức đến Đức Phổ. Chỉ trong vòng 2-3 ngày, hơn 300 thương binh liên tục được chuyển về đội phẫu nhỏ bé do bác sĩ Đặng Ngọc Hùng phụ trách, dựng tạm bên bờ sông Vệ. Khi đó bác sĩ Hùng đề nghị lập ngay 7 bàn mổ liên hoàn làm từ những thanh tre ghép. Bộ dụng cụ phẫu thuật duy nhất được luân phiên sử dụng, sau mỗi ca lại rửa sạch, luộc trong nước sôi tiệt trùng rồi tiếp tục mổ. Dịch truyền, bác sĩ và y sĩ tự pha chế bằng huyết thanh mặn, ngọt. Thuốc kháng sinh hết hạn vẫn phải dùng vì nguồn cung cạn kiệt. Chỉ khâu vết thương nhiều khi là chỉ may quần áo hoặc dây bạt dù Mỹ. Thuốc gây mê cực kì hiếm, phần lớn ca mổ chỉ gây tê tại chỗ. Với những ca nặng như mổ bụng, khâu gan, xử lí vết thương mạch máu, sức chịu đau phi thường của bộ đội khiến ai chứng kiến cũng nghẹn lòng…

Tôi nhớ, hôm ấy trong căn phòng nhỏ trên gác ở con phố Hào Nam (Hà Nội), Thiếu tướng Đặng Ngọc Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y đã đưa chúng tôi ngược về quá vãng, nơi đó là những cánh rừng mịt mùng, đôi chân người lính - bác sĩ cứ thế bươn bả qua từng lùm cây, con suối. Đêm đi bộ băng rừng, ngày đứng mổ, đôi chân phồng rộp, da thịt bầm dập, nhưng chưa một phút giây nào ông để cho sự mệt mỏi làm mình chùn bước. Bốn ngày đêm liên tục căng sức giành giật sự sống cho thương binh, khi sức cùng lực kiệt, ông gục xuống trong một bụi rậm, ngủ mê man. Tỉnh dậy, toàn thân ông là một tổ kiến bu đầy bởi áo quần thấm đẫm máu. Máu thấm từ những vết thương, nhưng cũng là máu từ cơ thể đồng đội mà ông cứu chữa. Hùng lao mình xuống dòng sông Vệ, nước đỏ loang như một tấm lụa đỏ trải dài trước mắt. Khoảnh khắc ấy in sâu vào tâm khảm ông như một vết chạm cả đời không thể xóa. Máu của đồng đội như một phần máu thịt của chính ông, như lời nhắc nhở rằng sự hi sinh ấy là điều thiêng liêng nhất. Ông đã đi qua chiến tranh trong màu máu và nước mắt, đã góp bàn tay nhỏ bé của mình vào hành trình giữ lại sự sống cho biết bao người. Đến khi hòa bình lập lại, ông vẫn lặng lẽ sứ mệnh cứu người.

Tôi nhìn ông - mái tóc ngả màu thời gian, ánh mắt trầm sâu. Chắc hẳn niềm vui được cứu sống một sinh mạng nào đó luôn rực sáng trong ông, như một thiên lương, một trách nhiệm tự nhiên của người thầy thuốc. Nhưng tôi cũng thấy, tận sâu trong ánh mắt ấy, vết máu loang đỏ của những người lính năm nào vẫn chưa từng khô cạn. Năm mươi năm qua, kí ức ấy không ngủ yên, nó cựa quậy trong những đêm khuya, nó len lỏi trong từng nhịp đập trái tim, nhắc nhở ông về sự hi sinh và lời thề trọn đời với đồng đội. Có những vết thương không thể nhìn thấy bằng mắt, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Có những chiến công không cần vang tiếng súng. Và cũng có những kí ức, dù thời gian có phủ dày bao lớp bụi, vẫn mãi mãi ở lại, như một ngọn lửa âm ỉ cháy, dẫn lối cho con người sống tử tế, yêu thương và trọn vẹn với cuộc đời.

… Những cơn gió đêm như phút trở dạ của thời gian, đôi khi chòng chành cuốn những người lính năm xưa trở về miền kí ức. Từng thước phim cũ hiện lên - tiếng bom dội, tiếng thở dốc ngắt quãng như vọng ra từ trái tim, in đậm những ánh mắt cầu cứu giữa lằn ranh sinh tử. Mọi thứ tưởng đã xa mà vẫn như còn nguyên đó. Trải nghiệm ấy chưa bao giờ là một cuộc rong chơi, càng không phải là thí nghiệm của tuổi trẻ. Họ đã gửi lại thanh xuân giữa cánh rừng hun hút, chỉ còn mang theo nỗi nhớ day dứt, thi thoảng vỡ òa thành nước mắt trong những năm tháng về già. Nước mắt xót xa cho đồng đội, cho những người đã mãi mãi nằm lại. Chính sự sống được đánh đổi bằng máu đã tiếp sức cho họ đi trọn hành trình làm thầy thuốc, tận hiến đến cùng mà không bao giờ thấy hổ thẹn. Bởi họ hiểu họ đang sống, đang cống hiến, thay cho những người đã không bao giờ trở về…

Thái Hà

Các tin khác

Bác sĩ chỉ rõ những thực phẩm "đại kỵ" càng ăn càng hỏng thận

Suy thận mạn - "kẻ thù thầm lặng" đe dọa sức khỏe hàng triệu người Việt. Làm thế nào để kiểm soát bệnh, trì hoãn lọc máu và sống khỏe mỗi ngày? ThS.BS. Nguyễn Thị An Thuỷ - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ bật mí cho chúng ta "bí quyết vàng" trong dinh dưỡng giúp bệnh nhân suy thận mạn giảm biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

Nhà sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai lãi lớn quý đầu năm

Tập đoàn Yeah1, nhà sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai, báo lợi nhuận sau thuế quý I/2025 tăng gần gấp đôi cùng kỳ đạt 23 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc tổ chức sự kiện, chương trình âm nhạc và nội dung giải trí ăn khách.

TPHCM điều chỉnh giao thông một số tuyến đường từ ngày 3/5 - 8/5

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc năm 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM (huyện Bình Chánh), Sở Giao thông công chánh TPHCM vừa thông báo phương án tổ chức giao thông từ ngày 3 đến 8/5/2025.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.