Công nghệ

Thế giới "bán" giấc mộng robot hình người: Sản xuất bất chấp dù 7 năm mới hoàn vốn, có công ty nhắm làm 12.000 mẫu/năm

Thế giới công nghệ robot hình người: Cuộc đua sản xuất và thách thức toàn cầu - Ảnh 1.

Khi các đoạn clip lan truyền về robot lộn nhào, võ thuật kung-fu và chạy marathon ‘viral’ trên khắp các mạng xã hội, nhiều công ty Mỹ và Trung Quốc bắt đầu bị cuốn vào một cuộc đua nhiều rủi ro: triển khai robot hình người làm công nhân trong các nhà máy, cơ sở chăm sóc người già và gia đình.

Một số hy vọng có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt sớm nhất trong năm nay, song căng thẳng thương mại leo thang có thể làm chệch hướng nỗ lực này. Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 145% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời mở rộng kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu chip mà các công ty Trung Quốc phụ thuộc. Nhiều chuyên gia cho rằng các rạn nứt địa chính trị sẽ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Người Mỹ dẫn đầu về phần mềm hỗ trợ AI, trong khi Trung Quốc có lợi thế về phần cứng và sản xuất giá rẻ. Còn quá sớm để dự đoán ai sẽ chiến thắng, song việc mở rộng kiểm soát chip có thể giúp các công ty Mỹ sớm đạt được những đột phá trong quá trình phát triển robot hình người hỗ trợ AI.

“Các quốc gia hoặc công ty có hệ sinh thái AI và năng lực bán dẫn mạnh mẽ thực sự có vị thế tốt hơn. Các công ty Mỹ hiện đang dẫn đầu về mô hình nền tảng và thiết kế phần cứng”, Yunzhu Li, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Columbia chia sẻ với Rest of World.

Theo báo cáo của Morgan Stanley được công bố vào tháng 2, công nghệ Mỹ cung cấp năng lượng cho “bộ não” của hầu hết các robot bằng chất bán dẫn và mô hình AI - lĩnh vực mà những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Nvidia và Google hiện thống trị. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc chiếm 63% chuỗi cung ứng robot hình người toàn cầu, chủ yếu cung cấp các bộ phận “thân” như linh kiện phần cứng, bộ truyền động, cảm biến và pin lithium-ion, báo cáo của Morgan Stanley cho biết.

Wei Sun, nhà phân tích chính về AI tại Counterpoint, một công ty nghiên cứu thị trường công nghệ toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết: “Các công ty Trung Quốc và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau từ góc độ cung-cầu”.

Thế giới công nghệ robot hình người: Cuộc đua sản xuất và thách thức toàn cầu - Ảnh 2.

Robot công nghiệp được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, quốc gia đứng thứ ba trên toàn cầu về mức độ áp dụng, song robot hình người - vốn được thiết kế để mô phỏng chuyển động và quá trình ra quyết định của con người - phức tạp hơn rất nhiều. Hiện không có công ty nào trên thế giới bán robot hình người ở quy mô lớn.

Lily Li, giám đốc nghiên cứu công nghệ mới nổi tại công ty tư vấn toàn cầu IDC có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Bản chất công việc phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi tính linh hoạt. Ứng dụng robot hình người trong các nhà máy sẽ liên quan đến cả phần cứng và phần mềm. Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức đó”.

Các nhà sản xuất robot hình người của cả 2 quốc gia đều muốn tăng tốc nhanh chóng. Công ty khởi nghiệp Agibot có trụ sở tại Thượng Hải cho biết họ sẽ sản xuất tới 5.000 robot hình người vào cuối năm nay, tăng mạnh so với con số 731 tính đến tháng 1 năm 2025. Ubtech, một công ty robot được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, thì có kế hoạch sản xuất 1.000 robot hình người trong năm 2025.

Các công ty Mỹ đang đặt mục tiêu cao hơn. Figure AI cho biết họ sẽ có khả năng sản xuất 12.000 robot mỗi năm, trong khi Tesla đặt mục tiêu sản xuất 5.000 robot hình người Optimus. Trước đó, CEO Elon Musk dự đoán rằng số lượng robot hình người sẽ vượt xa con người trong vòng 20 năm.

Tuy nhiên, thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm chậm đà tăng trưởng này. Các chuyên gia cho biết các công ty Mỹ phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc có thể sẽ thấy năng lực sản xuất bị hạn chế hoặc chi phí tăng cao.

Danfei Xu, trợ lý giáo sư tại Trường Điện toán Tương tác thuộc Viện Công nghệ Georgia, nói với Rest of World rằng: “Nó giống như việc chế tạo một chiếc điện thoại vậy. Chúng không phải là những bộ phận siêu đắt tiền, nhưng nhiều bộ phận lắp ráp lại với nhau thì lại thành đắt”, ông nói, dự đoán rằng các công ty Mỹ sẽ phải vật lộn để sản xuất tất cả các thành phần một cách hiệu quả vì mức thuế quan cao.

“Chúng tôi có rất nhiều khách hàng ở Mỹ, và rõ ràng thuế quan đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh. Trước đó, chi phí nhập khẩu vào Mỹ khoảng 20.000 USD, nhưng bây giờ đã tăng gấp đôi, lên tới 40.000 USD”, ông Tony Yang - Giám đốc khu vực, Công ty Unitree Robotics cho biết.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rào cản khác nhau: không có quyền truy cập vào các chip tiên tiến. Hầu hết các robot hình người đều dựa vào AI để diễn giải và thích ứng với môi trường xung quanh để thực hiện các nhiệm vụ.

Thế giới công nghệ robot hình người: Cuộc đua sản xuất và thách thức toàn cầu - Ảnh 3.

Wang Xingxing, người sáng lập một trong những công ty hình người nổi tiếng nhất Trung Quốc Unitree, cho biết tại một hội nghị do nền tảng đầu tư Trung Quốc Snowball Finance tổ chức vào tháng 1 rằng rào cản tiềm ẩn lớn nhất trong ngành là khả năng tiếp cận chip.

“Nếu có những điểm nghẽn trong tương lai, khả năng cao sẽ là chip. Không phải với chip được sử dụng trong robot mà là chip cung cấp sức mạnh tính toán để đào tạo robot”, ông cho biết.

Để bù đắp những thách thức này, Bắc Kinh đã rót hàng triệu USD hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước. Các công ty như Baidu và Horizon Robotics đang phát triển thuật toán và chip cho robot hình người, song nhìn chung vẫn tụt hậu so với các đối tác của Mỹ vì nhiều lý do. Nhu cầu ứng dụng trong công nghiệp vẫn còn rất ít.

Hiện tại, robot hình người chủ yếu được nhìn thấy bên ngoài phòng thí nghiệm như một công cụ quảng cáo. Trên thị trường trực tuyến Xianyu của Trung Quốc, hàng nghìn bài đăng liệt kê giá thuê robot hình người hàng ngày chỉ với 100 USD một ngày.

Zhao Binran, người điều hành một công ty tiếp thị có trụ sở tại Thượng Hải, gần đây đã mua 8 robot người máy Unitree với giá 199.000 nhân dân tệ (27.540 đô la) mỗi con, sau đó cho thuê với giá 20.000 nhân dân tệ (2.768 đô la) một ngày. Nhóm của anh lập trình riêng cho chúng để bắt tay và tạo dáng chụp ảnh tại các buổi triển lãm và ra mắt sản phẩm.

“Chúng rất phổ biến trên internet, nhưng không có công ty nào có năng lực sản xuất hàng loạt”, Zhao nói và cho biết mình đã đặt hàng thêm 30 robot người máy từ Unitree.

Dĩ nhiên, chi phí vẫn là rào cản lớn. Mỗi robot hiện có giá khoảng 400 nghìn nhân dân tệ và cần 3 robot để thay thế một người. Thời gian hoàn vốn lên đến 7 năm. Nếu giá giảm xuống 120 nghìn tệ, một robot có thể thay thế trực tiếp một trạm làm việc và rút ngắn thời gian hoàn vốn đáng kể.

Ông Lu Juan, chuyên gia tài chính tại Tập đoàn CSC Financial, nhận định ngành robot hình người đang bước vào giai đoạn tương tự như xe điện năm 2014, mở ra thập kỷ tăng trưởng. Dù hiện tại, các công ty chuỗi cung ứng chưa ghi nhận doanh thu lớn, song trong tương lai, những rào cản kỹ thuật sẽ sớm được tháo gỡ.

“Thành công phụ thuộc vào việc tối ưu hóa sản xuất và giữ được lợi nhuận trong cuộc đua giá”, ông Lu Juan, chuyên gia tài chính tại Tập đoàn CSC Financial, cho biết.

Theo: Rest of World

Các tin khác

Miền Bắc đón mưa dông liên tiếp

Dự báo trong ngày và đêm nay (16/5), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Trong những ngày tới, khu vực này liên tiếp đón các đợt mưa dông, trời mát. Tây Nguyên và Nam Bộ, chiều tối nay ít mưa, dự báo từ ngày 20/5, khu vực này đón mưa dông trở lại.

5 thói quen khiến bạn mắc căn bệnh "khổ đủ đường", rất nhiều người Việt đang làm hằng ngày

Dù không nguy hiểm tính mạng, nhưng bệnh trĩ lại là “kẻ thù” thầm lặng đe dọa chất lượng cuộc sống, khiến nhiều người ngại ngùng, tự ti. Hiểu rõ về bệnh chính là chìa khóa giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả. ThS.BS. Phạm Như Hòa - Trung tâm Tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ cho chúng ta những hiểu biết để phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.