Du lịch - Ẩm thực

Thị trấn Mỹ trong lòng Canada

Tóm tắt:
  • Point Roberts là thị trấn của Mỹ nhưng người dân phải qua Canada để đến thành phố khác của Mỹ.
  • Thị trấn có khoảng 1.200 người, không có đèn giao thông và rất yên tĩnh vào ban đêm.
  • Nơi đây trở nên nổi tiếng vì đặc điểm "pene-exclave", chỉ giáp Canada ở một mặt.
  • Người dân thường đi Canada để mua thực phẩm và dịch vụ y tế, nhưng gặp khó khăn trong việc nhập cảnh.
  • Do tình hình chính trị căng thẳng, du lịch và doanh thu của các doanh nghiệp địa phương đang giảm sút.

Thị trấn Point Roberts có 1.200 người, nằm ở mũi phía nam của bán đảo Tsawwassen, bang Washington, Mỹ và không có đèn giao thông, còi báo động hay tiếng ồn ào của phố xá. Ban đêm, thị trấn tối đen như mực, chỉ có bầu trời đầy sao và âm thanh của thiên nhiên. Vào mùa xuân, du khách có thể nghe thấy tiếng ếch vang vọng khắp thị trấn. "Một số thời điểm trong năm, bạn có thể nghe thấy cả tiếng chó sói tru", Hannah Shucard, người lớn lên ở Point Roberts nói.

Thị trấn có diện tích nhỏ, khoảng hơn 12 km2, nhưng lại là điểm đến nổi tiếng với khách du lịch nhờ là "pene-exclave" - mảnh đất thuộc về một quốc gia nhưng được bao quanh bởi một quốc gia khác. Point Roberts có ba mặt giáp biển và mặt còn lại giáp Canada. Do đó, người dân sống tại thị trấn muốn đến thăm các thành phố khác của Mỹ, họ cần phải đi qua đất Canada.

Thị trấn Point Roberts trên bản đồ. Ảnh: Open street map

Thị trấn Point Roberts trên bản đồ. Ảnh: Open street map

Nhiều du khách khi đến Point Roberts thường thắc mắc sao nơi này lại thuộc Mỹ vì nó nằm hoàn toàn trong lòng Canada? Quay trở lại lịch sử năm 1846, Hiệp ước Oregon lấy vĩ tuyến 49 làm biên giới giữa hai nước, vùng đất nhỏ này nằm ở phần Mỹ. Nhiều người cho rằng Mỹ vẫn giữ bán đảo này vì muốn đảm bảo quyền tiếp cận Tây Bắc Thái Bình Dương cũng như vùng biển đánh bắt cá có giá trị trong khu vực.

Cuối những năm 1800, những người Iceland đã đến đây định cư, làm việc trong các nhà máy chế biến cá hồi, trang trại. Nhiều cư dân trên đảo, gồm Hannah Shucard, đều là người Mỹ gốc Iceland. Bà của cô vẫn sống trong ngôi nhà tổ tiên đã xây từ khi đến đây làm trang trại. "Bà và những người bạn của bà vẫn nói tiếng Iceland", Hannah nói.

Hannah có tuổi thơ tràn ngập trong tình yêu thương của gia đình, gần gũi động vật lẫn thiên nhiên tại thị trấn. Dì, chú và anh chị em họ của Hannah sống gần gia đình cô. Họ đôi khi vẫn cưỡi ngựa đến trường.

"Tôi dành phần lớn thời gian khi còn nhỏ ở ngoài bãi biển xây lâu đài cát, đi bộ đường dài trong các con đường mòn trong rừng. Đây là kiểu thị trấn nhỏ đến mức mọi người đều biết nhau", cô nói và cho biết cùng chồng chuyển hẳn về Point Roberts sinh sống, năm 2021.

Một góc của thị trấn Point Roberts. Ảnh: CNN

Một góc của thị trấn Point Roberts. Ảnh: CNN

Neil và Krystal King, sống tại Portland, một thành phố khác ở Mỹ, cũng chuyển đến Point Roberts trong thời gian xảy ra đại dịch. Khi đến biên giới Canada để vào thị trấn, họ có cảm giác như được quay ngược thời gian về 40 năm trước. Nơi đây nhỏ bé nhưng an toàn, yên tĩnh. Cuộc sống chậm rãi và dễ chịu, theo Neil. Hiện tại, vợ chồng King mở một tiệm tạp hóa, bán kẹo, các món đồ thủ công, đồ lưu niệm, đồ chơi do chính họ thiết kế. Niềm vui lớn nhất của cả hai là chứng kiến cô con gái ba tuổi Karoline lớn lên trong một môi trường mọi người đều gắn bó với nhau. "Mọi người ở thị trấn đều biết con bé", Krystal nói.

Thị trấn có hai đường chính là Tyee Drive cùng Gulf Road. Cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ cuộc sống như siêu thị, trường tiểu học, thư viện, cứu hỏa, cửa hàng bán thực phẩm, nhà hàng đều có đủ. "Thị trấn nhỏ nhưng rất năng động, bạn có thể tìm thấy mọi thứ mình quan tâm ở đây", Hannah nói.

Thiên nhiên cũng là điểm mạnh ở nơi này. Hannah thích dắt chó đi dạo trên bãi biển mỗi sáng, nghe tiếng chó sói tru và nhìn thấy hươu băng qua đường. Khi Mặt Trời mọc, đại bàng, diều hâu, chim sẻ bay đầy trời. Hannah thậm chí còn nhớ một gia đình hươu hoang dã và biết khi nào chúng sinh thêm con.

Người dân ngoài đi bộ đường dài trong những khu rừng trồng cây thường xanh còn có thể chơi bóng chày, chơi golf và tắm biển. Thị trấn cũng có 4 công viên. Công viên nào cũng có bãi biển, vách đá và nhiều đường mòn tự nhiên. Khi thủy triều xuống, người dân và du khách có thể đi bộ ra xa khoảng 1,6 km. Vào mùa hè, khi thủy triều dâng, nước biển ấm đến mức nhiều người có cảm giác như đang ở trong bồn tắm nước nóng.

Người dân cũng thường sang Canada để mua thực phẩm, gửi con ở nhà trẻ, ăn nhà hàng vì thời gian di chuyển chỉ 10 phút. Tuy nhiên, nếu muốn điều trị y tế với các bệnh phức tạp, họ phải đi nhiều giờ để đến các thành phố khác của bang Washington và phải xuất nhập cảnh 4 lần trong mỗi chuyến. Đây cũng là khó khăn đối với những người cao tuổi hoặc cần điều trị y tế thường xuyên.

Thị trấn có hai đường chính, không có đèn giao thông. Ảnh: CNN

Thị trấn có hai đường chính, không có đèn giao thông. Ảnh: CNN

Thị trấn cũng có một sân bay nhỏ với một đường băng phục vụ các chuyến bay charter đến Mỹ và Canada. Nếu muốn bay đến quốc gia khác, người dân sẽ di chuyển đến sân bay quốc tế Vancouver cách đó 40 phút lái xe. Mỗi khi xuất nhập cảnh vào Canada, người dân thường dùng hộ chiếu hoặc thẻ Nexus - một loại giấy tờ giúp người dân có thể ra vào Canada, Mỹ tại các cảng hàng không, đường bộ và đường biển được chỉ định.

Trước đây, Point Roberts đón khách quốc tế phần lớn dựa vào khách đến Canada rồi ghé thăm nơi đây. Khi tình hình chính trị giữa hai nước căng thẳng, nhiều doanh nghiệp địa phương tại thị trấn cũng đối mặt khó khăn. Nhiều du khách Canada không đến Mỹ, do đó, họ cũng không ghé Point Roberts.

Ngoài du lịch, người Canada thường sang thị trấn để mua xăng, hàng tạp hóa. Với hàng rào thuế quan như hiện nay, lượng khách sẽ giảm đi đáng kể. Krystal cho biết các khách hàng của cô vốn là người Canada đã gửi thư và nói rằng họ "rất tiếc" nhưng không thể sang Mỹ hiện giờ. Mùa thu thường là mùa cao điểm khách Canada, nhưng với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp địa phương không chắc chắn điều gì.

"Hiện tại, mọi người nín thở chờ xem vài tháng tới điều gì sẽ xảy ra", Krystal nói.

(Theo CNN)

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Chinh phục kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình mới

Học sinh lớp 9 trên toàn quốc chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026. Đây là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tổ chức thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thay đổi về cấu trúc đề thi, kiến thức cũng như quy chế thi.

10 cấm kỵ khi dùng đũa

Trên mâm cơm của người Việt có một số quy tắc ứng xử liên quan đến đôi đũa nhưng không phải người trẻ nào cũng biết.

Thí sinh Hoa hậu Việt Nam khoe dáng săn chắc trên sàn tập

Sáng 8/4, tại Hà Nội, 41 thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2024 tham gia buổi tập yoga cùng huấn luyện viên. Các cô gái hào hứng khi được hướng dẫn các động tác cơ bản để giải phóng cơ thể, thư giãn, kiểm soát hơi thở.