Sức khỏe - Đời sống

Thứ khiến bạn mãi không giàu nổi: Không phải mua nhà, mà là mua cà phê!

Tóm tắt:
  • Những khoản chi nhỏ hàng ngày như cà phê, thức ăn, hoặc đi xe công nghệ tích tụ thành số tiền lớn theo thời gian.
  • Hiệu ứng Latte giải thích tại sao nhiều người trẻ thu nhập ổn định vẫn không tích lũy tài sản do chi tiêu nhỏ giọt.
  • Ví dụ, chi khoảng 240.000 đồng mỗi ngày cho cà phê trong 30 năm có thể lên tới hơn 2,5 tỷ đồng.
  • Nhiều người không nhận ra khoản chi nhỏ gây "rò rỉ tài chính" và thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ giúp tiết kiệm.
  • Các giải pháp bao gồm ghi chép chi tiêu, giới hạn chi không cần thiết và ưu tiên tích lũy trước khi tiêu.
TIN MỚI

Một ly cà phê sáng, một đơn hàng đồ ăn trưa, hay một ly trà sữa chiều muộn - những khoản chi nhỏ bé tưởng như vô hại ấy, nếu lặp lại mỗi ngày, có thể trở thành nguyên nhân khiến ví tiền của bạn luôn ở mức báo động.

Đây không phải nhận định mang tính cảnh báo suông. Trên thực tế, rất nhiều người trẻ dù có thu nhập ổn định vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng "rỗng túi cuối tháng". Nguyên nhân không phải do tiêu xài hoang phí một cách rõ rệt, mà bắt nguồn từ những khoản chi nhỏ hằng ngày - hiện tượng mà giới tài chính gọi là Latte Factor (hiệu ứng Latte)

Chi một ly cà phê/ngày, mất vài tỷ sau 30 năm

Thuật ngữ "Latte Factor" được đưa ra bởi chuyên gia tài chính người Mỹ – David Bach, tác giả cuốn sách The Automatic Millionaire. Theo ông, nhiều người không thể tích lũy tài sản không phải vì họ không kiếm đủ tiền, mà bởi họ "rò rỉ tài chính" mỗi ngày mà không nhận ra.

David Bach lấy ví dụ cụ thể: một cặp vợ chồng chi 70 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 240.000 đồng) mỗi ngày cho hai cốc Latte buổi sáng. Tính ra, trong 1 năm, họ chi khoảng 25.550 Nhân dân tệ (~86 triệu đồng) và trong 30 năm là hơn 2,5 tỷ đồng - số tiền có thể đầu tư, sinh lời hoặc đủ để mua một chiếc xe ô tô.

Theo David Bach, vấn đề nằm ở chỗ: những khoản chi cố định nhỏ mỗi ngày tạo thành khoản lớn không ngờ, nhưng vì tính chất "ẩn" của nó nên nhiều người không thấy được sự ảnh hưởng thực tế tới tài chính cá nhân.

Thứ khiến bạn mãi không giàu nổi: Không phải mua nhà, mà là mua cà phê!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Không chỉ là Latte - mọi khoản chi nhỏ đều có thể "gây nghiện"

Hiệu ứng Latte không chỉ dừng ở việc uống cà phê. Nó xuất hiện dưới nhiều hình thức:

- Một đơn hàng đồ ăn trưa mỗi ngày từ các ứng dụng giao hàng.

- Một ly trà sữa vào giữa buổi chiều.

- Một chuyến xe công nghệ vì… ngại chạy xe máy.

- Một món hàng sale chỉ 99.000đ vì "rẻ quá, không mua phí".

Nhiều người cho rằng mình "không tiêu gì nhiều" và luôn chủ động trong việc kiểm soát chi tiêu. Tuy nhiên, khi cộng dồn các khoản chi nhỏ này trong một tháng, con số đôi khi khiến chính chủ nhân cũng giật mình.

Từ những chia sẻ "tỉnh ngộ" của người trong cuộc

Hiền Trang (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ, cô từng đều đặn đặt đồ ăn trưa mỗi ngày với giá trung bình 60.000 - 65.000 đồng. Cộng thêm việc thường xuyên mua trà sữa buổi chiều, tổng chi phí ăn trưa và đồ uống nhẹ của hai vợ chồng lên tới gần 6 triệu đồng mỗi tháng.

"Đó là còn chưa kể những hôm cuối tuần lười nấu cơm, lại đặt thêm đồ ăn ngoài. Chúng tôi tưởng tiết kiệm thời gian, nhưng thực chất đang mất tiền vì những thói quen rất nhỏ", Trang nói.

Sau khi nhận thấy mức chi tiêu "ẩn" quá lớn, vợ chồng cô bắt đầu thay đổi bằng cách chuẩn bị đồ ăn từ tối hôm trước để mang đi làm, đồng thời hạn chế việc mua đồ uống bên ngoài.

Minh Đức (28 tuổi, Quản lý dự án tại TP.HCM) cũng từng "tặc lưỡi" cho rằng bản thân ít tiêu pha. Tuy nhiên, khi thử dùng ứng dụng thống kê chi tiêu cá nhân, anh phát hiện mình tiêu hơn 4,2 triệu đồng/tháng cho việc đặt xe công nghệ, dù vẫn có xe riêng.

"Tôi thường viện lý do thời tiết hoặc lười lái. Nhưng tính ra, tiền xăng xe mỗi tháng nếu tự chạy chỉ tốn chưa đến một nửa con số đó. Nhờ nhìn rõ được 'lỗ hổng tài chính' của mình, tôi đã thay đổi và tiết kiệm được nhiều hơn từ những điều tưởng như không đáng kể", Đức cho biết.

Thói quen tiêu tiền vào những khoản nhỏ lặp lại theo ngày khiến nhiều người nhầm tưởng rằng "không ảnh hưởng gì". Nhưng thực chất, đây là nguyên nhân khiến việc tiết kiệm và đầu tư trở nên trì trệ.

Theo các chuyên gia tài chính, chính hiệu ứng Latte là yếu tố làm gia tăng cảm giác nghèo đói tài chính - khi con người không hiểu vì sao mình làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không thể tích lũy tài sản.

Thứ khiến bạn mãi không giàu nổi: Không phải mua nhà, mà là mua cà phê!- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Giải pháp thoát khỏi hiệu ứng Latte thế nào?

Để kiểm soát hiệu ứng Latte và cải thiện sức khỏe tài chính, người tiêu dùng có thể áp dụng một số phương pháp sau:

Ghi chép chi tiêu: Theo dõi mọi khoản chi hàng ngày trong ít nhất 30 ngày để xác định rõ nhóm chi tiêu nào đang bị "rò rỉ".

- Thiết lập giới hạn chi tiêu cho nhóm không thiết yếu: Trà sữa, cà phê, ứng dụng giải trí… nên được giới hạn cụ thể theo tháng.

Ưu tiên tích lũy trước: Ngay khi nhận lương, hãy trích ngay một phần vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư.

hực hiện "thử thách không tiêu tiền": 7 ngày không chi cho các khoản không cần thiết sẽ giúp hình thành thói quen mới.

Hiệu ứng Latte không phải một hiện tượng tài chính xa vời, mà là một phần trong cuộc sống hằng ngày. Không cần cắt bỏ hoàn toàn các thú vui nhỏ như ly cà phê sáng hay trà sữa chiều, nhưng điều quan trọng là phải hiểu rõ tác động của những khoản chi lặp lại này tới kế hoạch tài chính dài hạn.

Tiết kiệm không phải là sống khổ, mà là sống có kế hoạch. Và đôi khi, chỉ cần kiểm soát được một ly Latte mỗi ngày, bạn đã tiến thêm một bước lớn trên hành trình tự do tài chính.

Các tin khác

Quy trình bầu chọn Giáo hoàng mới

Giáo hoàng mới được bầu thông qua Mật nghị Hồng y, sự kiện diễn ra sau cánh cửa đóng kín tại Nhà nguyện Sistine và chỉ các Hồng y dưới 80 tuổi được tham gia.

Bốn món ngon từ tôm đồng

Tôm đồng nấu canh bầu, rang tóp mỡ, nộm rau muống, cuốn rau tươi mát vừa chiều vị giác, vừa giải nhiệt và bổ sung canxi cho cơ thể.

Dự án đường Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh phía Nam vừa "lỡ hẹn" về đích

Công trình đường Hồ Chí Minh nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An có chiều dài gần 73km, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự kiến đường cho thông xe kỹ thuật vào dịp lễ 30/4 nhưng đã lỡ hẹn do địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Bình Dương khai thác ‘báu vật’ bị lãng quên

Thừa hưởng lợi thế tự nhiên từ sông Sài Gòn - “báu vật” nhưng chưa tận dụng khai thác đúng mức, tỉnh Bình Dương đang từng bước triển khai chiến lược phát triển đô thị, dịch vụ, kinh tế đêm,...nhằm tái thiết không gian sống để khai thác tiềm năng quý giá này.

Lý do chỉ số giá tiêu dùng tăng

Giá thuê nhà, giá thực phẩm và đồ ăn, uống tăng… là những nguyên nhân chính “kéo” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước.