Thế giới

Thủ tướng Thái Lan bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ

Theo tờ The Nation, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã chấp thuận đơn kiến nghị do 36 thượng nghị sĩ đệ trình, yêu cầu mở cuộc điều tra về vi phạm của bà Paetongtarn Shinawatra trong cuộc điện đàm bị rò rỉ với ông Hun Sen.

Kiến nghị của các thượng nghị sĩ cho rằng bà Paetongtarn đã vi phạm nguyên tắc phụng sự công và quản trị minh bạch, yêu cầu tòa án đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà trong thời gian xem xét vụ việc.

Với kết quả 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp đã thông qua quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng với bà Paetongtarn từ ngày 1/7, cho đến khi phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Truyền thông Thái Lan nhận định, bà Paetongtarn đã lường trước được kịch bản này khi tự đề xuất đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Văn hóa. Việc kiêm nhiệm thêm vị trí Bộ trưởng giúp bà Paetongtarn vẫn được quyền tham dự các cuộc họp nội các trong thời gian bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng.

myHmYZqsQnRSAPj2laZB.jpg
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bị đình chỉ chức vụ. Ảnh: The Nation

"Bộ trưởng Văn hóa không phải là một chức vụ loại B, hay C. Đó vẫn là một vị trí quan trọng. Tôi sẽ tuân theo quy trình của Tòa án Hiến pháp, dù tôi có những lo lắng nhất định", bà Paetongtarn nói ngày 30/6.

Ngoài vụ kiện tại Tòa án Hiến pháp, bà Paetongtarn cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra về cáo buộc vi phạm đạo đức do Văn phòng Ủy ban chống tham nhũng quốc gia tiến hành.

Chính phủ Thái Lan hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức trước yêu cầu bình luận về việc bà Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ.

Giới quan sát nhận định, thời gian đầu tháng 7 được coi là "bước ngoặt pháp lý" với cả gia tộc Shinawatra, khi phiên tòa hình sự liên quan tới cáo buộc khi quân của cựu Thủ tướng Thaksin cũng sẽ bắt đầu từ ngày 1/7.

Cáo buộc với ông Thaksin bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 với truyền thông Hàn Quốc, và cựu Thủ tướng Thái Lan có thể phải ngồi tù 15 năm nếu bị kết tội.

Các tin khác

Thay đổi nhiều thủ tục liên quan xuất khẩu lao động từ 1/7

Từ 1/7, hàng loạt thủ tục hành chính mới liên quan lĩnh vực xuất khẩu lao động có hiệu lực theo hướng phân cấp, phân quyền. Trong đó, thay đổi đáng chú ý là trao toàn bộ thẩm quyền quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho UBND cấp tỉnh hay lần đầu tiên UBND cấp xã được xác nhận lao động đi làm việc ở nước ngoài…