Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng mới, áp mức thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam. Với mức thuế này, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực điện tử như Samsung, Intel, Amkor và Apple đang đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Hàng loạt doanh nghiệp FDI có thể bị ảnh hưởng
Chính sách thuế đối ứng của ông Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại Mỹ với các nước châu Á, và Việt Nam – trung tâm sản xuất điện tử lớn của thế giới – không phải ngoại lệ. Samsung Electronics, với các nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, sản xuất tới 10 triệu điện thoại thông minh, máy tính bảng mỗi tháng, đang đối diện nguy cơ lớn.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam khoảng 55,7 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy tính, linh kiện; điện thoại, linh kiện đạt kim ngạch từ Việt Nam sang Mỹ đạt lần lượt 23,3 tỷ USD và 9,8 tỷ USD.

Thuế 46% có thể đẩy giá sản phẩm tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh của các thiết bị chủ lực như Galaxy trước các đối thủ từ Ấn Độ hay Thái Lan, vốn không bị đánh thuế cao như vậy. Không chỉ Samsung Electronics, các công ty con như Samsung Electro-Mechanics, Samsung Display, Samsung SDI cũng đặt nhà máy ở Việt Nam, khiến tác động lan rộng.
Trong khi đó, Hải Phòng là địa bàn sản xuất của LG Electronics, LG Display, LG Innotek và LG Chem. Theo trang tin Pulse, các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc đều ở chế độ cảnh báo cao độ khi ông Trump công bố mức thuế mới. Đặc biệt, Việt Nam nổi lên như địa bàn sản xuất nổi bật của Hàn Quốc.
Intel, với nhà máy lắp ráp và kiểm thử chip lớn nhất thế giới tại TPHCM, cũng không thoát khỏi áp lực. Tại Hội nghị Nhà cung cấp linh kiện chiến lược tổ chức ngày 1/4, TS Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc Công nghệ và Điều hành Sản xuất của Intel Foundry, cho biết đến nửa cuối năm nay, lũy kế kim ngạch xuất khẩu 19 năm qua sẽ đạt mốc 100 tỷ USD. Với mức thuế 46%, Intel có thể mất lợi thế chi phí thấp nếu giá vi xử lý tăng.
Amkor, chuyên đóng gói chất bán dẫn tại Bắc Ninh, đối mặt nguy cơ mất đơn hàng từ các “ông lớn” như Qualcomm, NVIDIA. Nhà máy Amkor đi vào hoạt động từ quý III/2024 và đạt doanh thu xuất khẩu 337,5 tỷ đồng trong năm 2024.
Một “ông lớn” công nghệ khác là Apple cũng đang gián tiếp mở rộng hiện diện tại Việt Nam thông qua các đối tác như Foxconn, Luxshare. Việt Nam là điểm đến của “táo khuyết” và các hãng công nghệ khác sau khi Trung Quốc đóng cửa nhà máy trong dịch Covid-19 năm 2020.
New York Times dẫn số liệu từ Apple cho thấy các nhà máy ở Việt Nam đóng góp hơn 10% trong danh sách 200 nhà cung ứng năm 2023. Do đó, dù không trực tiếp sở hữu nhà máy, nhà sản xuất iPhone cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Ngoài ra, còn có nhiều tên tuổi khác có thể chịu ảnh hưởng bao gồm HP, Dell, Luxshare, Foxconn, Goertek… Trong ngắn hạn, thuế đối ứng của ông Trump có thể khiến giá sản phẩm tăng, đơn hàng giảm và lợi nhuận bị thu hẹp.
Về dài hạn, các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh chiến lược đầu tư, thậm chí cân nhắc chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia khác.
Nhìn lại lịch sử, đây không phải lần đầu doanh nghiệp đối mặt với thuế quan khắc nghiệt. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cách đây vài năm là ví dụ điển hình, khi Mỹ áp thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Nhiều công ty như Apple, Foxconn đã phải dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ.
Cùng với đó là nỗ lực mở rộng và khai phá thị trường mới. Trong báo cáo năm 2024, Bộ Công thương nêu một số thị trường có tiềm năng bao gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia, hay tại các khu vực như châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…
Báo cáo cũng chỉ ra, đối với ngành hàng điện tử, bao gồm điện thoại và linh kiện, cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt các cơ hội do các Hiệp định Tự do thương mại mang lại; thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.