Người có EQ cao không phải là người giỏi che giấu cảm xúc, mà là người biết cách diễn đạt cảm xúc một cách đúng đắn, khéo léo và đúng lúc. Trong khi đó, người EQ thấp thường khiến người khác cảm thấy không thoải mái chỉ bằng một vài câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt. Điều nguy hiểm là, nhiều người trong số họ không hề nhận ra mình đang “mất điểm” nghiêm trọng trong mắt người khác – đồng nghiệp, bạn bè, hay thậm chí là người thân.
Nếu bạn từng thốt ra 1 trong 5 câu sau ở nơi công cộng, có thể bạn không thiếu tài năng, nhưng bạn đang đánh mất sự tôn trọng – thứ vốn dĩ khó lấy lại nhất trong các mối quan hệ xã hội.
1. "Tôi nói thật nhé, nhưng đừng giận"
Nghe như một câu mở đầu nhẹ nhàng, nhưng thực chất là lời cảnh báo: "Tôi sắp nói điều khiến bạn tổn thương".
Câu này thường được dùng như một cái khiên, giúp người nói "tránh bị trách" nếu lời họ sắp nói gây khó chịu. Nhưng bạn thử nghĩ mà xem, nếu nội dung sau đó thực sự tế nhị, lịch sự, thì cần gì phải cảnh báo? Và nếu lời nói sắp tới là lời gây tổn thương, thì một câu "tôi nói thật nhé" có giúp nó dễ nghe hơn không?
Đây là biểu hiện rõ của một người thiếu sự tinh tế trong giao tiếp. Người có EQ cao sẽ không "tiền trảm hậu tấu" kiểu này. Họ biết cách góp ý một cách riêng tư, có chọn lọc từ ngữ, và luôn đặt cảm xúc của người đối diện lên hàng đầu.
Cách thay thế: "Nếu bạn cho phép, mình có một góp ý nhỏ, nhưng chỉ khi bạn sẵn sàng lắng nghe" hoặc "Mình muốn chia sẻ điều này vì thật sự quan tâm đến bạn".

Người EQ cao biết cách góp ý một cách riêng tư, có chọn lọc từ ngữ, và luôn đặt cảm xúc của người đối diện lên hàng đầu (Ảnh minh hoạ).
2. "Tôi là người thẳng tính, nghĩ gì nói nấy"
Một trong những câu nói tự tin nhất… nhưng cũng dễ gây tổn thương nhất.
Nói thẳng là điều tốt, nhưng thẳng mà thiếu tế nhị, thiếu suy nghĩ thì khác gì vô duyên? Câu nói này thường được dùng như một cách để người ta biện hộ cho sự thiếu kiểm soát cảm xúc, sự nóng nảy hoặc thô lỗ của mình. Người EQ thấp thường xem lời nói "thẳng" như một dạng "thành thật", trong khi sự thật là họ đang trút cảm xúc cá nhân lên người khác.
Trong môi trường công sở hay các mối quan hệ xã hội, người thẳng thắn một cách khôn ngoan là người biết nói điều đúng, vào lúc đúng, với cách thể hiện phù hợp nhất. Còn nếu bạn thích "nghĩ gì nói nấy", thì đừng mong ai cũng muốn tiếp chuyện với bạn lâu dài.
Cách thay thế: "Tôi xin phép chia sẻ suy nghĩ cá nhân, và mong bạn góp ý nếu có điều chưa đúng" hoặc "Tôi muốn trao đổi một cách xây dựng về điều này".
3. "Ai cũng nói thế mà, đâu phải mình tôi nghĩ vậy"
Câu nói nguy hiểm của những người thiếu lập trường và hay lấy đám đông làm cái cớ.
Khi bị phản biện, người EQ thấp thường né tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho tập thể. Họ dùng cụm từ "ai cũng nói", "mọi người đều bảo" để hợp thức hoá quan điểm cá nhân và giảm sức nặng của phản hồi. Tuy nhiên, người đối diện không ngu – họ thừa biết bạn chỉ đang đẩy trách nhiệm sang người khác, không dám đứng ra bảo vệ chính kiến của mình.
Và điều tệ nhất? Câu nói này khiến bạn bị nhìn nhận như một người thiếu chính kiến, thiếu bản lĩnh và không đáng tin. Người có EQ cao không cần dựa vào "số đông" để bảo vệ quan điểm. Họ dùng lý lẽ, dữ kiện và cách trình bày thuyết phục để giao tiếp hiệu quả.
Cách thay thế: "Cá nhân tôi có cảm nhận như vậy, và tôi sẵn sàng lắng nghe thêm ý kiến từ bạn" hoặc "Mình từng nghe vài người có chung quan điểm, nhưng cũng muốn biết góc nhìn của bạn".
4. "Tôi mà là bạn thì tôi đã…"
Một trong những câu nói thể hiện rõ nhất sự thiếu đồng cảm.
Bạn không phải là họ. Bạn không có quá khứ, cảm xúc, hoàn cảnh, giới hạn như họ. Vậy mà bạn lại dùng cái khung suy nghĩ của chính mình để phán xét quyết định của người khác? Đó là hành vi rất thiếu tinh tế – dù cho bạn có ý tốt đến đâu.
Người EQ thấp hay dùng câu này để thể hiện kinh nghiệm, sự "già đời" hoặc đưa ra lời khuyên. Nhưng thay vì được tiếp nhận, câu nói đó dễ khiến người đối diện cảm thấy bị dạy đời, bị xem thường hoặc bị đánh giá.
Cách thay thế: "Nếu là mình, có thể mình sẽ chọn hướng khác. Nhưng mình hiểu bạn có lý do riêng" hoặc "Bạn có muốn nghe thử một góc nhìn khác không? Có thể không đúng, nhưng biết đâu hữu ích".

Câu nói của người EQ thấp dễ khiến người đối diện cảm thấy bị dạy đời, bị xem thường hoặc bị đánh giá (Ảnh minh hoạ).
5. "Biết thế thì tôi đã…"
Nghe có vẻ như đang tự trách, nhưng thật ra là đang đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Người EQ thấp thường tiếc nuối theo kiểu "giá mà…", "biết trước…", "lúc ấy mà tôi…". Họ dùng những câu này như một cách để bào chữa cho quyết định sai hoặc thất bại. Nhưng điều họ không nhận ra là: những lời than trách ấy không giúp ích gì, mà chỉ khiến không khí trở nên nặng nề, tiêu cực, và thiếu năng lượng.
Người EQ cao sẽ học cách nhìn về tương lai, rút ra bài học từ sai lầm, và không để quá khứ kiểm soát hiện tại.
Cách thay thế: "Dù kết quả chưa tốt, mình vẫn học được nhiều điều. Lần sau mình sẽ làm khác" hoặc "Bây giờ mình chỉ muốn tập trung vào giải pháp".
Sau tất cả, EQ không phải là thứ bạn "sinh ra đã có" – mà là kỹ năng có thể luyện tập mỗi ngày
Giao tiếp là chiếc gương phản chiếu trí tuệ cảm xúc. Và đôi khi, chỉ cần vài câu nói vô tình cũng đủ khiến người khác đánh giá cả nhân cách của bạn. Thay vì viện cớ "tính tôi vậy rồi", hãy thử học cách điều chỉnh lời nói, kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ kỹ trước khi nói – nhất là ở nơi công cộng.
Người có EQ cao không phải là người "im lặng cho an toàn", mà là người biết nói sao cho đúng, nói sao cho người khác muốn nghe tiếp, và vẫn giữ được chính mình trong mọi cuộc trò chuyện.
Theo Sohu