Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake sẽ thăm Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak từ ngày 4- 6/5.

Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake. (Ảnh: Global Voices)
Việt Nam và Sri Lanka thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/7/1970. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.
Các đảng phái chính trị tại Sri Lanka có thiện cảm và coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu thành công trong phát triển kinh tế để Sri Lanka học tập. Sri Lanka công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 225,14 triệu USD. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 215,5 triệu USD.
Theo số liệu của Sri Lanka thì Việt Nam là đối tác đứng thứ 46 xuất khẩu (36,54 triệu USD) và là đối tác thứ 23 nhập khẩu (188,6 triệu USD). Sri Lanka đánh giá tuy số liệu xuất - nhập khẩu của hai nước giảm nhưng khá tích cực do bạn đang tiến hành cải tổ nền kinh tế.
Sri Lanka có 69,3% dân số theo Phật giáo. Quan hệ Phật giáo giữa hai nước đạt được một số kết quả nhất định thông qua hoạt động trao đổi đoàn; ủng hộ và tham dự các hội nghị, hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo do hai bên tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo hai nước tăng cường giao lưu, trao đổi Phật pháp; cử tăng ni sang Sri Lanka tu học. Năm 2025 đánh dấu 55 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra ngày 6-8/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, T.PHCM).
Chủ đề của đại lễ Vesak năm nay là đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững. Các chủ đề phụ gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo qua hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa bình toàn cầu.
Chương trình dự kiến đón 1.250 đại biểu từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 1.500 đại biểu trong nước đến tham dự, với 620 bài tham luận bằng tiếng Anh và 330 tham luận tiếng Việt.