Sức khỏe - Đời sống

Từ 2 bàn tay trắng năm 2016, gia cảnh khó khăn, giờ cặp vợ chồng có nhà: Tất cả nhờ vào 1 quyết định "liều lĩnh"

Tóm tắt:
  • Cặp vợ chồng 9x bắt đầu với hai bàn tay trắng, thu nhập tổng 11-12 triệu/tháng sau cưới năm 2016.
  • Năm 2018 sinh con đầu lòng, chuyển sang kinh doanh online với vốn 77 triệu, tích góp mua nhà sau 2 năm.
  • Họ vay 70% tiền nhà, trả nợ dần và đến đầu năm ngoái đã trả hết sạch, không nhận trợ giúp tài chính gia đình.
  • Chi tiêu gia đình tiết kiệm, khoảng 25 triệu/tháng, với kế hoạch chi tiêu chặt chẽ và hạn chế ăn ngoài.
  • Mẹo tiết kiệm cho vợ chồng văn phòng gồm: nấu cơm trưa, tận dụng phúc lợi công ty, tự động tiết kiệm, giảm chi tiêu giải trí.
  • --

Hành trình từ 2 bàn tay trắng đến khi mua được nhà

Nhiều người đã đổi đời theo công thức chung: Tiết kiệm và kinh doanh. Câu chuyện của cặp vợ chồng dưới đây cũng là ví dụ.

Mới đây, một người vợ đã chia sẻ hành trình đi từ 2 bàn tay trắng đến khi mua nhà của gia đình mình. Cặp vợ chồng thuộc 9x đời đầu, 2 bên gia đình thuần nông nên cũng không hỗ trợ được tài chính nhiều.

Năm 2016, 2 vợ chồng cưới xong đúng nghĩa "2 trái tim vàng với 4 bàn tay trắng". Bởi sau cưới, vàng bạc và tiền nong thì đem đi trả nợ, còn vỏn vẹn 20 triệu mua sắm đồ đạc, rồi thuê căn nhà gác xép với giá 1,7 triệu. Khi đó, cả hai đều làm nhân viên văn phòng với tổng thu nhập chỉ 11-12 triệu/tháng.

Người vợ tâm sự: "Cuộc sống cứ túc tắc sáng đi làm chiều về. 2 vợ chồng cùng nhau làm mọi thứ, dù nghèo nhưng cuộc sống hôn nhân màu hồng lắm... Tối nào cũng lượn dạo khu Mỹ Đình, đi qua khu chung cư nào cũng ngước lên ngắm và bảo nhau rằng: Ước gì mình có căn nhà nhỏ cũng được, sập xệ cũng được nhưng là của mình. Lúc đó ước mơ về ngôi nhà thật xa vời mọi người ạ".

Từ 2 bàn tay trắng năm 2016, gia cảnh khó khăn, giờ cặp vợ chồng có nhà: Tất cả nhờ vào 1 quyết định "liều lĩnh"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Bước ngoặt đến vào năm 2018, khi người vợ sinh con đầu lòng - cũng là quãng thời gian chênh vênh nhất của gia đình. Sau đó, người vợ đã xin nghỉ việc vì khi đi làm, nhớ con không chịu được.

Nhờ có chồng là dân trong ngành Marketing, nên 2 vợ chồng cũng bắt đầu nhạy với công việc bán hàng online. Cặp đôi khởi nghiệp bán hàng với số vốn 77 triệu (trong đó 27 triệu tiền thai sản và 50 triệu vốn ban đầu của chồng).

Sau 2 năm kinh doanh tự do, cặp đôi cũng gom góp được vài trăm triệu và nghĩ đến việc mua nhà.

Người vợ kể về hành trình trả nợ mua nhà: " Mình tìm hiểu về 1 dự án nhà thấy rất ổn, vì chính sách vay mua nhà hợp lý so với tài chính của gia đình. Mình bảo chồng qua thăm dự án rồi ký hợp đồng luôn. Vay 70% được ân lãi đến khi nhận nhà: Quá là tuyệt vời luôn.

18 tháng sau khi kí hợp đồng là được nhận nhà thì mình cắt nợ 1 tỷ. Rồi cứ mỗi năm cắt nợ 200-300 triệu, đến đầu năm ngoái là trả hết sạch. Hai bên gia đình không có điều kiện nên không giúp vợ chồng mình đồng nào cả. Mình chỉ vay chị gái 100 triệu lấy tiền làm ăn thì cũng trả lâu rồi.

Nhiều lúc nghĩ sinh ra trong gia đình nghèo thật sự thiệt thòi vô cùng, làm gì cũng tự gồng gánh, không nhờ vả được ai. Nhưng không ai có thể lựa chọn gia đình sinh ra, bố mẹ cũng đã rất vất vả để nuôi dạy mình rồi. Còn mình phải biết lựa chọn sống như thế nào để cố gắng mọi người ạ" .

Từ 2 bàn tay trắng năm 2016, gia cảnh khó khăn, giờ cặp vợ chồng có nhà: Tất cả nhờ vào 1 quyết định "liều lĩnh"- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Người vợ cho biết tiền mua nhà đều đến từ công việc bán hàng. Các khoản chi tiêu trong gia đình đều được ghi lại để xem 1 tháng thu và chi tiêu bao nhiêu. Cặp đôi cũng rất ít khi ăn ngoài, nên chi tiêu trong gia đình vỏn vẹn 25 triệu - mức sống cơ bản.

Cụ thể, bảng chi tiêu như sau: Tiền ăn (10 triệu), tiền học bé lớn (2,2 triệu), tiền học bé nhỏ (5,5 triệu), tiền xăng (300k), tiền điện thoại (600k), tiền điện + nước + phí dịch vụ (1,5 triệu), tiền mua sắm vặt (2 triệu), tiền bảo hiểm (3 triệu).

Người vợ rút ra sau hành trình từ "bàn tay trắng" của gia đình mình: "Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn. Tiền kiếm ra được thì 2 vợ chồng cùng san sẻ và tính toán chi tiêu tiết kiệm với nhau, thì mục tiêu nào cũng sẽ hoàn thành thôi ạ".

Bên dưới bài đăng, nhiều người chia sẻ đã được truyền cảm hứng bởi câu chuyện của người vợ này:

- "Đọc bài của bạn thấy mình trong đó quá. Cũng 9x đời đầu, cũng cưới năm 2016, 2 bên gia đình cũng thuần nông. Khi cưới lương 2 vợ chồng cũng chỉ 12 triệu và cũng đã 2 đứa. Nhưng sao bạn vén giỏi vậy, chứ nhà mình tháng nào cũng 40 triệu".

- "Hai vợ chồng bác cùng kinh doanh với nhau luôn ạ? Đồng vợ đồng chồng thích quá."

- "Đoc bài của chị xong thấy có động lực lên hẳn ạ, em cảm ơn chị nhé".

- "Đọc để lấy động lực ạ. Cưới 3 năm bán hàng online thua lỗ nên lại thôi, năm nay cưới năm thứ 4 mới có tiền tiết kiệm. Nhiều lúc cũng nghĩ mình đã cố gắng hết sức rồi, đến đâu thì đến vậy".

Từ 2 bàn tay trắng năm 2016, gia cảnh khó khăn, giờ cặp vợ chồng có nhà: Tất cả nhờ vào 1 quyết định "liều lĩnh"- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Những cách tiết kiệm cho cặp vợ chồng là dân văn phòng

Với các cặp vợ chồng làm văn phòng, thường có thu nhập ổn định nhưng chi phí sinh hoạt ở thành phố dễ "ngốn" phần lớn lương tháng. Từ tiền thuê nhà, ăn uống, đến các khoản giải trí, áp lực tài chính có thể khiến việc tiết kiệm cho mục tiêu lớn như mua nhà hay nuôi con trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với những mẹo tiết kiệm thông minh, vợ chồng văn phòng có thể tối ưu hóa chi tiêu mà vẫn duy trì chất lượng cuộc sống.

1. Lên kế hoạch cơm trưa tự nấu để giảm chi phí ăn uống

Ăn trưa ngoài hàng là khoản chi lớn với dân văn phòng, thường tốn 50k-100k/bữa/người. Với cặp vợ chồng, chi phí này có thể lên đến 3-4 triệu đồng/tháng (20 ngày làm việc). Thay vào đó, hãy nấu cơm trưa tại nhà và mang đi làm, chỉ tốn 20k-30k/bữa, tiết kiệm được 2-2,5 triệu đồng/tháng.

Mẹo thực tế: Lên thực đơn hàng tuần, mua nguyên liệu số lượng lớn ở chợ vào cuối tuần (rau củ, thịt) để giảm 20% chi phí, và chuẩn bị món đơn giản như cơm chiên, thịt kho, hoặc salad... Dành 1-2 buổi tối/tuần nấu cùng nhau không chỉ tiết kiệm mà còn tăng sự gắn kết trong gia đình.

2. Tận dụng ưu đãi công sở và giảm mua sắm bốc đồng

Nhiều công ty văn phòng cung cấp các phúc lợi như trà, cà phê miễn phí, máy lọc nước, hoặc trợ cấp ăn trưa (200.000-500.000 đồng/tháng). Vợ chồng nên tận dụng tối đa để giảm chi tiêu cá nhân, như mang bình nước từ nhà thay vì mua trà sữa (50.000 đồng/lần). Ngoài ra, dân văn phòng dễ bị cám dỗ bởi các đợt sale online, dẫn đến mua sắm bốc đồng (quần áo, đồ công nghệ).

Mẹo thực tế: Đặt giới hạn chi tiêu cho mua sắm (1 triệu đồng/tháng cho cả hai), chỉ mua khi cần, và đợi các dịp giảm giá lớn (Black Friday, Tết) để tiết kiệm 30-50%. Cắt giảm 1-1,5 triệu đồng/tháng từ trà sữa và mua sắm giúp tích lũy 12-18 triệu đồng/năm, đủ để xây quỹ dự phòng nhỏ.

Từ 2 bàn tay trắng năm 2016, gia cảnh khó khăn, giờ cặp vợ chồng có nhà: Tất cả nhờ vào 1 quyết định "liều lĩnh"- Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ.

3. Tự động hóa tiết kiệm với tài khoản riêng

Với thu nhập văn phòng thường cố định (20-50 triệu đồng/tháng cho cả hai), vợ chồng nên tự động hóa tiết kiệm để tránh tiêu hết trước khi để dành. Hãy thiết lập chuyển khoản tự động 20-30% thu nhập (4-10 triệu đồng/tháng) vào tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận lương, chọn kỳ hạn và lãi suất phù hợp với tài chính gia đình.

Mẹo thực tế: Chia nhỏ mục tiêu tiết kiệm, như 100 triệu đồng trong 2 năm để đặt cọc nhà, và theo dõi tiến độ bằng bảng tính đơn giản trên điện thoại. Nếu nhận thưởng Tết (20-50 triệu đồng), dành 70% cho tiết kiệm thay vì chi tiêu hết. Cách này giúp vợ chồng văn phòng tiết kiệm đều đặn 48-120 triệu đồng/năm mà không cảm thấy "thiếu thốn", đồng thời xây dựng thói quen tài chính kỷ luật.

4. Hạn chế các khoản giải trí đắt đỏ, ưu tiên hoạt động tại nhà

Giải trí là nhu cầu lớn của dân văn phòng để giảm căng thẳng, nhưng các khoản như đi rạp, ăn nhà hàng, hoặc bar có thể tốn 2-3 triệu đồng/tháng. Thay vì ra ngoài hàng tuần, vợ chồng có thể tổ chức các buổi tối tại nhà như xem phim qua nền tảng online (100k-200k/tháng), nấu ăn cùng nhau...

Mẹo thực tế: Giảm từ 8 buổi ra ngoài/tháng (2 triệu đồng) xuống 2-3 buổi (500k-750k), tiết kiệm 1,25-1,5 triệu đồng/tháng. Tham gia các sự kiện miễn phí (triển lãm, hội chợ) ở thành phố cũng là cách giải trí tiết kiệm. Số tiền này, tích lũy 15-18 triệu đồng/năm, có thể dùng để đầu tư học kỹ năng mới hoặc tăng quỹ tiết kiệm dài hạn.

Các tin khác

Tại sao Đức Phật đi khất thực?

Sau khi thành đạo, vì sao Đức Phật không sống như một bậc giáo chủ mà hằng ngày vẫn ra đường khất thực, hành động này có ý nghĩa gì?