Thế giới

Vai trò ít biết của Nga trong hạ nhiệt căng thẳng Iran - Israel

Trong bài phân tích trên RT , chuyên gia Farhad Ibragimov – giảng viên Kinh tế tại Đại học RUDN, giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Học viện Kinh tế Quốc dân và Hành chính công Tổng thống Nga, cho rằng nước này dù không có các động thái mạnh mẽ nhưng vẫn là một tác nhân có ảnh hưởng tại Trung Đông.

Ông cho rằng trong cuộc xung đột giữa Israel và Iran, Nga thể hiện vai trò bất ngờ nhưng quan trọng, mang tính ngoại giao tinh tế.

Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Iran Araghchi.

Bối cảnh Trung Á và sự cảnh giác của Moskva

Trong chuyến thăm Turkmenistan gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp gỡ các đối tác và phát biểu tại Học viện Quan hệ Quốc tế ở Ashgabat. Một trong những chủ đề chính ông đề cập là cuộc đối đầu giữa Iran và Israel – không chỉ ảnh hưởng đến địa chính trị toàn cầu mà còn trực tiếp đe dọa an ninh khu vực Trung Á.

Với Turkmenistan – quốc gia có đường biên giới hơn 1.100km với Iran và có thủ đô nằm gần sát ranh giới này – nguy cơ chiến tranh lan rộng không chỉ là mối lo nhân đạo mà còn có thể kích hoạt các mạng lưới cực đoan tiềm ẩn và làm mất cân bằng xã hội nội bộ. Những rủi ro tương tự cũng đe dọa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô ở phía nam – những quốc gia vẫn duy trì quan hệ chính trị và quân sự mật thiết với Nga.

Chính vì thế, lời kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng và duy trì ổn định khu vực của ông Lavrov có sức nặng đặc biệt. Với Moskva, Iran không chỉ là đối tác, mà còn là một mắt xích trong vùng đệm bảo vệ sườn nam của Nga. Bất ổn ở Tehran có thể gây ra hiệu ứng domino ảnh hưởng nghiêm trọng tới Trung Á và "vùng gần" của Nga.

Ngoại giao khéo léo và chiến lược cân bằng

Vào tháng 1 năm nay, Nga và Iran ký một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện, chính thức hóa mối quan hệ song phương và mở đường cho khả năng hình thành một liên minh chính thức trong tương lai. Chỉ vài ngày sau các cuộc không kích của Israel nhằm vào Tehran, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã bay sang Moskva, gặp Tổng thống Putin và hội đàm với ông Lavrov. Sau đó, ông mô tả chuyến đi là mang tính “hiểu biết lẫn nhau hoàn toàn” và khẳng định sự ủng hộ của Nga trong một cuộc phỏng vấn với Al-Araby Al-Jadeed.

Sau sự kiện đó, Nga – cùng với Trung Quốc và Pakistan – đã đề xuất một nghị quyết mới tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và mở đường cho giải pháp chính trị. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho biết, mục tiêu là ngăn chặn leo thang xung đột.

Tuy nhiên, Moskva vẫn giữ thái độ cẩn trọng trong phát ngôn công khai. Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Putin nhấn mạnh nhu cầu tìm kiếm một giải pháp ngoại giao được tất cả các bên chấp nhận.

Theo chuyên gia, đây là một biểu hiện rõ ràng cho chiến lược “đi dây” của Nga: củng cố quan hệ với Tehran nhưng vẫn duy trì quan hệ làm việc – thậm chí thân thiện – với Israel, bao gồm các kênh hợp tác quân sự và nhân đạo. Chính sự cân bằng này giúp Nga có vị thế tiềm năng như một nhà trung gian hòa giải, nếu các bên quyết định đàm phán.

Ràng buộc hậu trường

Ngày 13/6, khi các cuộc không kích của Israel gia tăng, Nga lên án hành động này và bày tỏ lo ngại sâu sắc. Thông điệp từ Moskva là phản đối can thiệp quân sự từ bên ngoài, không có ngoại lệ.

Trước chuyến đi của ông Araghchi, ông Putin cũng công khai tiết lộ rằng Nga đã đề nghị mở rộng hợp tác phòng không với Iran – nhưng Tehran chưa tiếp nhận.

Moskva vẫn sẵn sàng thúc đẩy hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn, bao gồm khả năng tích hợp hệ thống phòng không của Iran vào một mạng lưới an ninh khu vực rộng lớn hơn. Chuyên gia cho rằng nếu Iran chấp nhận lời đề nghị sớm hơn, họ có thể đã được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các cuộc tấn công.

Điểm mấu chốt là thỏa thuận chiến lược Nga-Iran năm 2025 không bao gồm điều khoản bảo vệ lẫn nhau.

Ông Putin đã khẳng định văn kiện này thể hiện sự tin tưởng và phối hợp chính trị, chứ không phải cam kết về một cuộc chiến chung. Thỏa thuận còn quy định không bên nào được ủng hộ một bên thứ ba có hành động gây hấn với bên còn lại. Nga được cho là đã tuân thủ nguyên tắc đó – không can dự vào các hành động gây hấn, đồng thời thể hiện sự đoàn kết ngoại giao với Iran và lên án các hành động gây bất ổn.

Như vậy, theo chuyên gia, cấu trúc của quan hệ đối tác này được xây dựng dựa trên tôn trọng chủ quyền và cân bằng chiến lược, chứ không phải liên minh quân sự ràng buộc. Trọng tâm là hợp tác kỹ thuật quân sự, phối hợp ngoại giao trong các khuôn khổ như BRICS và SCO, và mục tiêu chung là giữ vững ổn định khu vực – nhưng dừng lại ở đó.

Vai trò trung gian thầm lặng?

Một diễn biến đáng chú ý là ngay sau chuyến thăm Điện Kremlin của Araghchi, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi ngừng bắn và có giọng điệu mềm mỏng hơn với Iran.

Trước khi sang Moskva, ông Araghchi đã nhấn mạnh tại Istanbul rằng các cuộc tham vấn với Nga là “mang tính chiến lược, không phải hình thức”. Ông khẳng định Iran xem quan hệ với Nga là nền tảng để phối hợp an ninh nhạy cảm, chứ không chỉ là nghi thức ngoại giao.

Chuyên gia cho rằng, dù trùng hợp hay không, sự thay đổi trong lập trường của Mỹ cho thấy ảnh hưởng thầm lặng của Moskva có thể đã góp phần định hình cục diện. Nga hiện là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì kênh liên lạc mở với cả Tehran và Tel Aviv. Không loại trừ khả năng Điện Kremlin đã đóng vai trò trung gian hòa giải ngầm, giúp đạt được một giai đoạn tạm dừng giao tranh.

Các tin khác