Xã Hội

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Tóm tắt:
  • Cây thị cổ ở xã Quang Húc, Phú Thọ, có tuổi đời hơn 1.100 năm, được công nhận là cây di sản Việt Nam.
  • Cây thị không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là linh hồn của người dân địa phương, gắn bó với nhiều truyền thuyết.
  • Người dân thường tổ chức lễ hội dâng hương tại gốc cây, cầu mong mùa màng bội thu và cuộc sống bình yên.
  • Cây thị đã vượt qua nhiều biến cố, trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất Quang Húc.
  • Chính quyền và người dân cam kết bảo tồn cây thị, coi đây là báu vật và điểm đến du lịch trong tương lai.
Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa  ảnh 1
Cây thị hơn 1.100 năm tuổi

Cây lớn, che mát cả đoạn đường làng

Từ trung tâm của huyện Tam Nông, tôi men theo đê hữu của dòng sông Bứa hiền hòa 17 km đến xã Quang Húc. Phong cảnh yên bình của vùng đất Việt cổ, được tưới tắm bởi dòng sông Bứa hiện ra trước mắt. Dừng xe trước UBND xã Quang Húc hỏi thăm cây thị cổ, tôi may mắn gặp ông Phạm Văn Lợi (94 tuổi), một cao niên của xã. Khi tôi ngỏ ý tìm hiểu về cây thị cổ, ông hào hứng dẫn tôi đi thăm, giới thiệu cặn kẽ.

Dưới gốc cây thị xù xì, rêu phong, ông Lợi chia sẻ, người làng cũng không biết cây thị tồn tại từ bao giờ. “Khi tôi còn nhỏ, ông nội, cụ nội của tôi đã kể về sự tồn tại và những câu chuyện gắn liền với cây thị. Theo thời gian, cây thị đã bám sâu vào tâm thức, trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây. Cây thị cổ đã vượt qua nhiều biến cố của tự nhiên, bom đạn của chiến tranh. Có những trận bão lịch sử, một số cành cây gãy đổ nhưng sau một thời gian người dân thay nhau chăm sóc cây lại bình phục trở lại. Qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng “cụ” vẫn hiên ngang đứng vững, chở che cho người dân, đem lại cuộc sống yên bình cho dân làng”, ông Lợi nói.

Quang Húc được xem là vùng đất Việt cổ, có bề dày văn hóa từ thời vua Hùng, nơi còn nhiều trầm tích, di chỉ tồn tại mấy nghìn năm. Ông Mai Văn Bảng (90 tuổi, thành viên Ban Quản lý di tích xã Quang Húc) cho biết, người dân ở đây tự hào với di chỉ khảo cổ Đồng Ba Trăm thuộc thời hậu đồ đá mới; di tích đình Quang Húc, chùa Khánh Linh, đền Thượng Sơn, miếu thờ nữ tướng thời Hai Bà Trưng... Vùng đất này còn sở hữu hệ thống cây di sản đồ sộ, như chứng nhân cho bề dày lịch sử, văn hóa của Quang Húc.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa  ảnh 2
Vỏ cây thị xù xì, hốc cây 1 người có thể ngồi gọn trong đó

Trong đó, “cụ” thị nghìn năm tuổi sừng sững cạnh đình Hạ, nơi thờ danh tướng Trung Sơn Đại Vương thời Hùng Vương. Khi đình Hạ bị hư hỏng, Ủy ban kháng chiến xã Quang Húc lấy đây làm trụ sở hoạt động, nay là trụ sở UBND xã Quang Húc.

Ông Nguyễn Hồng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Húc nói: “Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã có ghi, trong kháng chiến, bộ đội hành quân ngược dòng sông Bứa, đến bến Bứa thuộc làng Quang Húc đều dừng chân dưới gốc cây thị, tựa lưng nghỉ ngơi trước khi tiếp tục lên đường đến các chiến khu Vạn Thắng (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), chiến khu Vần - Hiền Lương (thuộc huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) hay chiến khu Phục Cổ (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Dưới tán cây, những cuộc họp bí mật diễn ra, những kế hoạch tác chiến được bàn bạc, rồi từ đây, bao người lính trẻ lên đường ra trận đánh tan giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc”.

Nằm nghiêng mình bên sông Bứa, cây thị cao 30m, chu vi thân tới 9,5m, rễ cây xù xì cắm sâu vào lòng. Tán lá của cây xanh tươi tỏa bóng mát rợp cả đoạn đường làng, thân cây vạm vỡ trường tồn cùng thời gian... Ông Mai Văn Bảng cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá và xác định cây thị có tuổi đời trên 1.100 năm. Ông bộc bạch, những trưa hè oi bức, người dân lại tập trung ngồi dưới gốc thị hưởng thụ bầu không khí thoáng mát, xoa dịu đi cái nhọc nhằn thường trực của cuộc sống và mong sự che chở của vị thần thiên nhiên nghìn năm tuổi.

“Người dân Quang Húc rất tự hào về quê hương mình. Cùng với “cụ” thị nghìn năm tuổi, chúng tôi còn sở hữu 4 cây được công nhận cây Di sản Việt Nam, đều có tuổi từ 100 đến 300. Cây sanh tại miếu Nhà Bà (miếu Quế Hoa, nằm bên sông Bứa) 100 tuổi và 4 cây đa 300 tuổi tại chùa Khánh Linh, đền Thượng Sơn và miếu thờ nữ tướng thời Hai Bà Trưng”.

Ông Nguyễn Hồng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Húc

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa  ảnh 3
Dù đã 1.100 năm tuổi, nhưng cành lá của cây thị vẫn xanh tươi

Hồn cốt của dân làng

Mỗi độ thu về, những chùm hoa thị lại nở trắng tinh khôi, rồi cho ra những quả vàng óng, tỏa hương thơm ngào ngạt, giúp mọi người trấn tĩnh, thư giãn, giảm căng thẳng, nhọc nhằn trong lao động. Mọi người trong làng háo hức nhặt từng quả, nâng niu, dâng lên bàn thờ tổ tiên như để báo hiếu, nhớ về quá khứ với bao vất vả, gian lao.

Người dân xã Quang Húc kể rằng, trải bao biến thiên, từng có lúc thân cây, cành lá gãy nát, tưởng như khó hồi sinh, nhưng bằng sự chăm sóc tận tình của chính quyền địa phương, người dân trong xã, “cụ” thị lại vươn mình trỗi dậy, như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của đất và người nơi đây.

“Từ bao đời, cây thị vẫn đứng đây, vững chãi qua bao mùa mưa nắng, như vị thần xanh của làng quê, vững chãi giữa đất trời. “Cụ” không chỉ là vật chứng lịch sử mà còn là linh hồn của làng, là sợi dây vô hình nối liền quá khứ với hiện tại, gợi nhắc hậu thế về cội nguồn thiêng liêng của vùng đất Tổ”, ông Mai Văn Bảng bộc bạch.

Năm 2024, chính quyền, nhân dân xã Quang Húc vinh dự đón nhận quyết định, bằng công nhận cây thị là Cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về trách nhiệm bảo vệ những di sản xanh mà cha ông để lại. “Việc công nhận cây di sản Việt Nam không chỉ mang giá trị bảo tồn mà còn là sự tôn vinh những di sản sống của quê hương. Đây là báu vật mà các bậc tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Xã Quang Húc cùng cộng đồng người dân sẽ gìn giữ. Hàng năm, chúng tôi đều mời nhà khoa học về khảo sát, tư vấn về cách chăm sóc, chữa trị các loại bệnh, giúp “cụ” trường tồn với thời gian, trở thành điểm đến du lịch thu hút sự quan tâm của du khách trong tương lai”, ông Nghiệp cho hay.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa  ảnh 4
Ông Phạm Văn Lợi (94 tuổi) bên cây thị cổ thụ

Trong tâm khảm mỗi người con Quang Húc thầm nhủ phải trân quý, bảo vệ, giữ gìn thật tốt báu vật xanh này, không chỉ là tài sản vô giá, mà còn là linh hồn của làng quê, là niềm tự hào của người dân Quang Húc. “Cây thị cổ mang giá trị tinh thần quan trọng. Hằng năm, vào những dịp lễ hội của địa phương, người dân thường tổ chức nghi lễ dâng hương tại gốc cây để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong mùa màng bội thu và cuộc sống bình yên. Hễ gia đình nào có việc đại sự hoặc mong muốn mọi việc tốt đẹp thì đều đến gốc cây cầu khấn. Những người dân nơi đây khi đứng trước gốc cây đều cầu mong bình an, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường nhật” ông Mai Văn Bảng nói.

(Còn nữa)

Viết Hà

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4. Từ 12/4, miền Bắc có thể đón không khí lạnh. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay ít mưa, ngày nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Người trẻ nghiện mạng xã hội

Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” (Digital life among Vietnamese) vừa được Q&Me phát hành, bạn trẻ trong nhóm tuổi từ 18-29 tuổi, đa phần (31%) dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3-4 giờ mỗi ngày, 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 tiếng mỗi ngày. Đáng chú ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.

4 ngôi sao bị ghét nhất

Dù là ngôi sao hạng A nhưng Dương Dương, Triệu Lộ Tư, Ngu Thư Hân, Thành Nghị đều vướng bê bối, nhiều yêu sách trong quá trình hợp tác bị người hâm mộ tẩy chay.

Doanh nghiệp đào vàng lớn nhất Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh mới, doanh nghiệp đào vàng lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu lớn từ hoạt động khai thác. Tuy nhiên, có doanh nghiệp lại ghi nhận doanh thu bằng 0 vì giấy phép khai thác vàng hết hạn.

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Đòn chí mạng vào Kim Soo Hyun

Kim Soo Hyun tổ chức buổi họp báo kéo dài 30 phút phủ nhận việc quen Kim Sae Ron ở độ tuổi vị thành niên. Nhưng sau đó, phía nam diễn viên bất ngờ lại thừa nhận việc này.

Ca khúc châm biếm môi trường mạng hiện nay

Nhạc Việt sôi động hơn bao giờ hết với những ca khúc màu sắc riêng, từ việc tận dụng drama, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến tạo cú hích nhờ hướng đi khác biệt hoàn toàn của Hieuthuhai.