Thảo luận dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ băn khoăn về việc liệu có nên dành chỉ tiêu biên chế cho đối tượng tài năng hay không.
Ông nêu thực tế ở Đà Nẵng, đã có những người trẻ được đánh giá là có năng lực, được tuyển chọn gắt gao và đào tạo kỹ lưỡng, thậm chí có người học tiến sĩ, đi du học về làm việc cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vì không có biên chế nên họ phải ký hợp đồng lao động hoặc làm việc không chuyên trách. Chính vì vậy, khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, những cán bộ này đều thuộc diện phải loại khỏi hệ thống.
“Với tình hình như hiện nay, nếu không có quy định mở cho việc tiếp nhận bao nhiêu phần trăm người tài năng trong số lượng biên chế được giao thì chúng ta cũng không làm được”, ông Quảng đặt vấn đề.
Bằng cấp cao là tiềm năng, không phải tài năng
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết sau khi dự thảo luật được thông qua, người có tài năng từ khu vực ngoài công lập sẽ được tuyển dụng theo vị trí việc làm.
Người có tài năng là những người có năng lực nổi trội, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ và có tư duy đổi mới sáng tạo hơn người khác. "Họ sẽ được tiếp nhận vào vị trí việc làm tương ứng và làm việc luôn, chứ không phải để dành chỉ tiêu biên chế” - ông Dũng nói.

Giải thích thắc mắc “biên chế ở đâu để tuyển người tài năng?”, ông Dũng phân tích, nếu cơ quan có 100 biên chế thì người đứng đầu xác định ai đáp ứng được yêu cầu công việc thì giữ, ai không đáp ứng được thì loại ra để tuyển người có tài năng vào thế chỗ, chứ không phải giữ đội ngũ cũ rồi tuyển thêm người mới và lại xin tăng thêm viên chế.
"Quỹ tiền lương nhà nước chỉ có thế mà vẫn muốn giữ người cũ rồi lại tuyển người mới thì sẽ phát sinh biên chế, không đúng định hướng tinh giản biên chế hiện nay”, Vụ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, nhiều người cũng đang hiểu việc tuyển dụng người tài năng là chọn các ứng viên là sinh viên giỏi, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là không đúng. Đây là tư duy cũ. Người có bằng cấp cao chỉ là "người có tiềm năng" chứ không phải người có tài năng. "Tài năng là phải đánh giá bằng kết quả giải quyết công việc” - ông nhấn mạnh.
Người tài năng có thể được thăng chức ngay
Về việc nhiều đại biểu cho rằng phải định nghĩa rõ khái niệm “tài năng”, nêu tiêu chí rõ ràng để làm cơ sở tuyển dụng, ông Dũng chia sẻ năm 2019, khi sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, vấn đề “thế nào là người tài năng” từng được đưa ra hội trường Quốc hội để tranh luận. Đã có rất nhiều ý kiến nhưng cuối cùng cũng không thống nhất được, và sau đó chỉ nói là sẽ giao cho Chính phủ quy định cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo ông Dũng, mỗi lĩnh vực có một tiêu chí tài năng khác nhau. Nếu luật đưa ra một khái niệm thì cũng chỉ nên là một khái niệm khái quát, rồi từng ngành lại phải định nghĩa cụ thể.
"Bộ trưởng Nội vụ cũng đã đưa ra khái niệm người tài năng trong hoạt động công vụ là người có năng lực xử lý công việc nổi trội thông qua sản phẩm. Đó là khái niệm chung, sau đó, về từng ngành phải xác định cụ thể chứ không thể nào có một khái niệm chung áp dụng cho tất cả” - ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết ở dự thảo luật lần này có đưa ra một quan điểm mạnh mẽ hơn, đó là ngoài việc nâng lương, khen thưởng thì người tài năng có thể được bố trí vào chức vụ lãnh đạo, thậm chí vượt cấp.
“Hiện nay, theo Quy định 80/2022, cán bộ muốn thăng chức phải đảm nhiệm chức vụ ít nhất 2 năm để tránh tình trạng thăng chức 'thần tốc'. Còn sau khi dự thảo luật được thông qua, người tài năng có thể được thăng chức không theo giới hạn này” - ông nói.
Về cơ chế ký hợp đồng có thời hạn với các chuyên gia, nhà khoa học nhằm giải quyết những công việc cấp bách, khó khăn mà đội ngũ bên trong hệ thống chưa đáp ứng ngay được, ông Dũng cho biết, cơ chế này không phải tuyển các chuyên gia, nhà khoa học vào biên chế và trở thành công chức.
Nói về việc có nên áp dụng hình thức "công chức hợp đồng", Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho rằng nếu thực hiện việc này phải có chỉ tiêu biên chế theo công chức hợp đồng. Khi đó, việc quản lý sẽ rất phức tạp, và không cẩn thận sẽ dẫn đến "phong trào" cho người thân quen ký hợp đồng, chờ thi tuyển.
Cho nên dự luật lần này đưa ra cơ chế ký hợp đồng có thời hạn với các chuyên gia, nhà khoa học, phù hợp với Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.