Chiều hôm đó, tôi vừa nấu cơm vừa nghe tiếng xì xào ngoài sân.
Mấy bà hàng xóm đang tụm lại, giọng nhỏ mà cũng chẳng đủ nhỏ để người khác không nghe thấy. Tôi chẳng định hóng chuyện, nhưng đến khi nghe loáng thoáng câu: "Con bé đó mới lớp 11 mà dính bầu rồi đấy. Thằng bạn trai thì chối bay, bảo chỉ ‘lỡ dại một lần...", tôi khựng lại.
Tôi ngẩng đầu, tim hơi thắt lại.
Là bé Như – con nhà sát vách. Tôi vẫn nhớ nó từng sang nhà xin mượn sách Văn của con gái tôi, nói chuyện lễ phép, học hành cũng không tệ. Nhỏ hơn con tôi đúng một tuổi. Giờ mới lớp 11.
Tôi rửa tay, lặng người mấy giây. Không phải vì sốc – mà vì thương. Thương một đứa con gái mới lớn, có thể chỉ vì vài lời ngon ngọt, vài phút mềm lòng... mà rơi vào một bước ngoặt quá lớn của cuộc đời.
Tối hôm đó, tôi mất ngủ, cứ nghĩ mông lung. Thế rồi, tôi lại nghĩ đến bộ phim Sex Education mà mình đã xem năm ngoái, với những tình huống giáo dục giới tính chân thật đến giật mình. Có một câu của nhân vật Jean Milburn răn dạy những đứa trẻ mới lớn mà tôi nhớ mãi:
"No matter how persistent a sexual partner is about not using contraception, remember it is always your right to say no. Always". (Dù bạn tình có nài nỉ đến mấy để không dùng biện pháp tránh thai, hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền nói "không". Luôn luôn như vậy.)
Lúc đó, tôi đã lấy giấy note, ghi lại câu ấy, dán lên mép tủ làm việc của mình và tự nhủ: "Phải dạy cho các con – cả con trai lẫn con gái".

Jean Milburn
Tôi lớn lên trong một gia đình không ai dạy tôi về tình dục
Mọi chuyện đều úp mở, nói tránh. Mang thai, bao cao su, đồng thuận – đều là những cụm từ không xuất hiện trong bữa cơm.
Và tôi biết, nhiều gia đình bây giờ vẫn thế. Họ chờ con lớn lên tự biết. Họ nghĩ con ngoan thì sẽ không "làm chuyện đó". Họ tin chỉ con gái mới cần được cảnh báo.
Nhưng con gái tôi, con trai người khác – hay ngược lại – đều có thể là người bước ra khỏi ranh giới ấy. Không phải vì hư, mà vì tò mò. Vì chưa đủ kỹ năng từ chối. Vì không được ai dạy rằng "em không sẵn sàng" là một câu nói bình thường. Rằng "phải dùng bao cao su" không phải là ích kỷ, mà là trách nhiệm với bản thân và với người kia.
Tôi nghĩ đến cậu con trai 13 tuổi của mình.
Nó vẫn còn hay nhờ mẹ gãi lưng, vẫn còn nhăn mặt khi ăn rau muống. Nhưng rồi vài năm nữa, nó sẽ lớn, sẽ yêu, sẽ tò mò. Và tôi sẽ không dạy nó rằng "con trai phải kiềm chế", hay "con không được dụ dỗ con gái nhà người ta". Tôi sẽ dạy nó một điều khác:
"Tình yêu không phải là chuyện ai 'cho' ai 'lấy'. Tình yêu là chuyện hai người biết tôn trọng nhau – trong cảm xúc, trong lựa chọn, và trong giới hạn".
Và tôi sẽ nói với con gái tôi rằng:
"Không có ai yêu con mà ép con làm điều con chưa sẵn sàng. Càng không có chuyện vì sợ mất người ta mà con phải đánh đổi sự an toàn của mình".
Bài học lớn nhất mà tôi rút ra sau hôm đó, không phải là "phải trông con kỹ hơn" hay "không cho yêu sớm". Mà là phải chuẩn bị cho con một cái đầu tỉnh táo và một trái tim biết tự thương mình.
Tôi không thể đi theo con cả đời. Nhưng nếu tôi dạy con biết cách nói "không", dạy con biết rằng an toàn của bản thân là quan trọng nhất – thì dù có yêu ai, sống ở đâu, ở độ tuổi nào, con cũng sẽ không đánh rơi chính mình trong tình yêu đó.