Trong căn trọ ẩm thấp tại phường Tân Sơn Nhì, TP.HCM (quận Tân Phú cũ), người phụ nữ tóc bạc lặng lẽ thu mình giữa bốn bức tường cũ kỹ, sống lay lắt qua ngày bằng chén cháo trắng và những đồng lời ít ỏi từ nghề bán vé số.
Ở cái tuổi lẽ ra được con cháu phụng dưỡng, bà vẫn cô độc mưu sinh giữa phố thị, ngày ăn cháo trắng, đêm trở mình trên manh chiếu ẩm mốc, ôm lấy tuổi già như ôm một nỗi buồn không tên.
Nồi cháo trắng cầm cự qua ngày
4 giờ sáng, trong căn phòng trọ cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa hẻm nhỏ phường Tân Sơn Nhì, TP.HCM, bà Hường ngồi trước bàn thờ Phật, chắp tay thành kính cầu nguyện. Bóng đèn vàng nhạt hắt lên gương mặt đã in hằn dấu vết của thời gian.


Bà Hường ngồi trước bàn thờ Phật, chắp tay thành kính cầu nguyện mỗi sáng
ẢNH: HOÀI NHIÊN
Bên cạnh bà là nồi cháo trắng đặt trên bếp, mùi cháo quyện cùng hơi ẩm, bốc lên giữa căn phòng chưa đầy 6 mét vuông.
Rơm rớm nước mắt, bà Hường nhớ lại cuộc hôn nhân đầy bất hạnh của mình. Đó là những tháng ngày bà âm thầm cắn răng chịu đựng từng trận đòn roi cùng nỗi tủi hờn chất chứa từ người chồng. Không thể tiếp tục sống trong cảnh ngột ngạt ấy, bà lặng lẽ dẫn 4 người con rời Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) tìm đến tỉnh Khánh Hòa để bắt đầu một cuộc sống mới.
Những ngày đầu nơi đất khách, mẹ con bà Hường phải lang thang xin ăn, ngủ tạm trong các khu chợ. Để nuôi con, bà làm đủ nghề, từ phụ hồ, cắt lúa đến trồng mì... Từ năm 1990, bà chuyển sang bán vé số dạo mưu sinh. Đến năm 2012, khi các con đã lớn, bà một mình khăn gói vào TP.HCM tiếp tục mưu sinh với xấp vé số trên tay.
Chúng tôi được sự đồng ý của bà Hường trong việc sử dụng hình ảnh trong bài viết.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ bà Nguyễn Thị Hường qua số điện thoại 0349286346.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định.
Nội dung ghi: Giúp đỡ bà Nguyễn Thị Hường hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến bà Hường trong thời gian sớm nhất.

Ở tuổi 65, bà Hường sống lẻ loi trong căn trọ ẩm thấp, quanh quẩn một mình giữa bốn bức tường cũ
ẢNH: HOÀI NHIÊN
Mười mấy năm ở một mình tại TP.HCM, bà làm nghề bán vé số dạo để kiếm sống. Người phụ nữ đã 65 tuổi ngày ngày chỉ chợp mắt 2 tiếng. Cứ đều đặn 4 giờ sáng, bà lại lúi húi dậy bắt nồi cháo trắng để ăn với muối, nước tương cả ngày. Rồi lại ngồi trước một góc bàn nhỏ thờ Phật, cạnh bên chỗ ngủ để cầu nguyện.
Dù đôi chân đau nhức vì bị giãn tĩnh mạch nhưng bà vẫn cố gắng lê từng bước đến khắp các ngõ hẻm ở TP.HCM để bán vé số. Có những hôm, bà phải vịn tường mà đi. Đôi dép mòn gót như chẳng còn nâng nổi bước chân người đàn bà gầy guộc.
Những hôm trời nắng gắt, bà ngồi thở bên vệ đường, mắt nhắm nghiền để nghỉ ngơi. Những hôm tụt đường huyết, bà xỉu trên đường, may thay được người ta thương tình đỡ dậy, dìu vào vỉa hè.

Ngày nối ngày, bà sống nhờ vào chén cháo trắng cạn dần dưới đáy nồi
ẢNH: HOÀI NHIÊN
Đến chiều, lúc chập choạng tối, bà lại về căn trọ nhỏ để ăn miếng cháo, rồi lại vội vã đi tiếp đến tận 2 giờ sáng. Có những hôm đi bán khuya, bị giang hồ giật vé số giữa đường, bà chỉ biết ôm chặt cái túi vào ngực, lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong.
“Ngay cả tiền lấy vé số từ đại lý mỗi ngày, tôi cũng phải đi mượn. Bán xong mới có tiền mang trả người ta. Những hôm bị giật vé số, tôi không dám về. Ngồi thừ ra trên vỉa hè, không biết phải làm sao”, bà nghẹn ngào.
Ở quê, mẹ bà đã hơn 90 tuổi, ốm đau liên miên. Mỗi tháng, bà Hường nhín từng đồng lời ít ỏi gửi về quê 2 triệu để mẹ ăn uống, mua thuốc than.



Bà Hường đi bán vé số đến tận 2 giờ sáng, bóng dáng nhỏ bé khuất dần trong ánh đèn của phố khuya
ẢNH: HOÀI NHIÊN
Cảnh sống một thân, một mình khiến bà dần quen với cảm giác lủi thủi giữa bốn bức tường. Trong căn trọ chưa đầy 6 mét vuông, tài sản giá trị nhất của bà là vài tượng Phật đặt nơi góc bàn nhỏ, dưới gầm bếp chỉ còn vài lon gạo trắng để cầm cự qua ngày.
Mong ước quặn thắt nỗi lòng
Tháng 3.2024, mẹ bà Hường đột ngột qua đời vì tai biến. Thời điểm đó, bà cũng đang đau yếu triền miên vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm, viêm khớp gối, giãn tĩnh mạch, đi lại vô cùng khó khăn nên không thể tiếp tục bán vé số. Để có tiền về quê lo đám tang cho mẹ, bà phải vay mượn mấy chục triệu đồng của đại lý vé số.

Căn trọ nhỏ chưa đầy 6 mét vuông là chốn nương náu của bà suốt bao năm qua
ẢNH: HOÀI NHIÊN
“Nghĩa tử là nghĩa tận. Phận làm con, dù thế nào thì tôi vẫn muốn lo cho mẹ một đám tang đàng hoàng. Mẹ khổ cả đời rồi… Nếu lúc mẹ nằm xuống mà tôi không lo nổi, chắc tôi ân hận suốt đời”, bà rưng rưng.
Trở lại TP.HCM, bà gồng mình làm ngày làm đêm, bất kể nắng mưa hay ốm đau, chỉ mong có tiền trả nợ. Có lần bà bán được tờ vé số trúng giải nhất, người trúng thương tình cho lại 20 triệu đồng.
Số tiền đó giúp bà trả bớt một phần nợ. Còn lại, bà tiếp tục gom góp từng đồng lời ít ỏi từ xấp vé số để trả dần.
Căn bệnh giãn tĩnh mạch khiến đôi chân bà ngày càng đau nhức, nhiều lúc không thể bước nổi, phải nằm một chỗ suốt nhiều ngày. Nhiều hôm, dù đau đến kiệt sức, bà vẫn gắng nuốt vội viên thuốc giảm đau để ra đường, nhưng đôi chân đau cứng, chẳng thể nhấc nổi.


Giữa những đêm cô quạnh, bà bật khóc vì con cái chẳng một lời hỏi thăm
ẢNH: HOÀI NHIÊN
Không có tiền trả trọ, chi phí sinh hoạt, lại thêm lần nhập viện kéo dài, bà Hường rơi vào cảnh nợ nần thêm gần 20 triệu đồng.
Sáng sớm, bà phải mượn tiền ở phòng trọ kế bên để lấy vé số. Bán lời được đồng nào, bà lập tức trích 200.000 đồng trả nợ. Số còn lại bà dành dụm để lo cúng giỗ đầu cho người mẹ ở quê.
Những hôm trái gió trở trời, chân đau nhức buốt, bà vẫn lê bước dọc khắp các con đường. Có hôm mưa dầm, ướt hết quần áo, bà ngồi co ro dưới mái hiên trú tạm, trong túi chỉ còn vài tờ vé số và túi cháo trắng đã nguội ngắt.
Ở cái tuổi người ta được con cháu đưa rước, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, bà Hường lại lang thang giữa phố xá đông người, với xấp vé số trong tay và giấc ngủ chập chờn chưa đầy 2 tiếng mỗi ngày.
Tết năm nào, bà cũng lủi thủi một mình trong căn trọ cũ. Nhìn đâu cũng thấy không khí rộn ràng, bà chỉ biết khép cửa lại, ngồi lặng trong một góc phòng, ôm mặt òa khóc nức nở.
“Tôi không trách gì các con. Các con có gia đình riêng rồi, nhưng cũng nghèo khổ lắm”, bà nói, nước mắt lăn dài trên hốc má.
Giữa ánh đèn phố khuya leo lắt, bóng bà Hường lặng lẽ khuất dần sau con hẻm nhỏ, dáng người còng xuống ôm chặt túi vé số vào lòng.
Người phụ nữ ấy chẳng cần gì hơn, chỉ ước còn đủ sức khỏe để tiếp tục bán vé số mỗi ngày, dành dụm chút tiền trả nợ và về quê giỗ mẹ hằng năm.