Toàn bộ khoảnh khắc một người mẹ sụp đổ
"Tai của Chu Vi đã bị tôi đánh sưng rồi, sách Ngữ văn cũng xé luôn, sau này con bé không làm bài được nữa. Xin lỗi cô giáo".
Trong nhóm phụ huynh lớp 3 của một trường tiểu học ở Quảng Đông (Trung Quốc) mới đây, đoạn tin nhắn thoại của một người mẹ vang lên, xen lẫn tiếng khóc nức nở của đứa trẻ. Âm thanh ấy khiến nhiều bậc phụ huynh chết lặng.
Nguyên nhân sự việc bùng phát là vì cô con gái nhiều lần bị cô giáo giữ lại trường vì không làm xong bài tập. Nhưng phía sau đó là một chuỗi áp lực không tên: người mẹ phải cùng lúc đi làm, chăm sóc hai đứa con, mọi lịch trình đều được sắp xếp chặt chẽ đến từng phút. Chỉ cần một việc nhỏ lệch khỏi kế hoạch như không thể đón con đúng giờ cũng đủ khiến mọi thứ đổ vỡ: không kịp nấu cơm, phải ăn vội ngoài tiệm, bữa ăn chớp nhoáng kéo theo trễ giờ học thêm, chưa kể còn một đứa nhỏ đang chờ chăm sóc…
Từng mắt xích nhỏ, từng thay đổi tưởng chừng đơn giản, đều trở thành những giọt nước nhỏ dần vào chiếc ly đầy nước. Và rồi, sau lần con gái tiếp tục bị giữ lại trường, người mẹ ấy không còn giữ nổi bình tĩnh. Cơn giận dữ tích tụ bấy lâu bùng nổ thành trận đòn đau đớn dành cho con và cay đắng hơn, chị còn quay lại cảnh tượng ấy rồi gửi thẳng vào nhóm lớp.

Người mẹ đăng clip đánh con vào nhóm phụ huynh
Đó không chỉ là một cơn giận. Đó là tiếng kêu cứu nghẹn ngào của một người mẹ đang dần bị nhấn chìm trong guồng quay của trách nhiệm, kỳ vọng và sự kiệt quệ.
Người mẹ thậm chí còn công khai tuyên bố "bỏ cuộc" trong việc học của con gái: "Sau này đừng giao bài tập cho Chu Vi nữa, con bé không làm nổi đâu. Mỗi lần nó ngồi vào bàn làm bài là tôi như muốn chết".
Trước phản ứng đầy cảm xúc ấy, cô giáo cố gắng trấn an: "Thật ra cô bé cũng không đến mức không nghe lời, hôm nay còn không bị giữ lại lớp mà".
Nhưng ngay lập tức, người mẹ đáp trả gay gắt hơn: "Cô giáo ơi, ngày nào mà chẳng bị giữ lại? Ngày nào cũng ở lại đến 6 rưỡi, tôi không còn thời gian nấu cơm nữa. Mỗi ngày phải đưa đón hai đứa nhỏ, về đến nhà là không có nổi một bữa ăn đàng hoàng".
Trong những lời than đầy phẫn uất ấy, là tiếng nói bật lên từ tận cùng của sự tuyệt vọng: "Vốn đã áp lực đủ đường rồi, vậy mà còn bị điểm tên liên tục trong nhóm lớp. Tôi còn mặt mũi nào nữa? Muốn ép tôi đến chết hay sao?".
Những gì diễn ra không chỉ là sự giận dữ cá nhân, mà là hình ảnh thu nhỏ của một vòng luẩn quẩn ngày càng khốc liệt giữa nhà trường và gia đình: giáo viên vì trách nhiệm mà giữ học sinh lại học thêm, phụ huynh vì gánh nặng mưu sinh mà không còn sức để đồng hành cùng con. Và cuối cùng, chính những đứa trẻ lại trở thành người chịu trận trong cuộc giằng co vô hình ấy.
Ai đang ép buộc "thế hệ này"?
Sau sự việc, một cư dân mạng đã bình luận: "Cha mẹ thế hệ chúng tôi không hiểu sao, sống mãi, sống mãi rồi cuối cùng lại trở thành thế hệ khổ nhất".
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, không khó để nhận ra rằng người mẹ của Chu Vi thực chất đại diện cho một nhóm đông đảo những phụ huynh mà cộng đồng mạng Trung Quốc gọi là "phụ huynh kiểu trâu ngựa".
Họ phải thức dậy sớm chuẩn bị cho cả gia đình, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở công ty, mệt mỏi chờ đợi con trước cổng trường, rồi lại thức khuya để kèm cặp con làm bài. Tất cả tạo thành một vòng lặp mệt mỏi kéo dài ngày này qua ngày khác.
Và khi kết quả học tập của con không đạt kỳ vọng, sự mệt mỏi và cảm giác thất vọng cứ tích tụ dần, ai có thể đảm bảo rằng chúng sẽ không bùng nổ trong một khoảnh khắc nào đó? Chưa hết, sự phân hóa trong giáo dục còn làm gia tăng nỗi lo lắng cho những gia đình bình thường.
Các gia đình khá giả có thể dễ dàng thuê gia sư, cho con học tại các trường tư thục chất lượng, thậm chí một trong hai người phụ huynh có thể nghỉ việc để toàn tâm toàn ý chăm lo việc học cho con. Trong khi đó, các gia đình công chức, lao động bình thường lại chỉ có thể dựa vào quỹ thời gian và sức lực hạn chế của mình để kèm cặp con cái học hành.

Phụ huynh hiện tại phải đối diện với nhiều áp lực (Ảnh minh họa)
Như người mẹ trong câu chuyện đã đau đớn nói: "Tôi cũng có gia đình, có công việc, không thể nào ngày nào cũng đứng đợi ở cổng trường như vậy".
Điều khiến mọi thứ thêm ngột ngạt là giáo dục ngày nay đã xây dựng một hệ thống giám sát toàn diện. Những lời chỉ trích trong nhóm phụ huynh, yêu cầu điểm danh bài tập hàng ngày… liên tục đẩy trách nhiệm giáo dục lên vai gia đình.
Một người cha từng bật khóc trong cuộc họp phụ huynh: "Ngày nào tôi cũng phải làm thêm đến khuya, không thể lúc nào cũng theo dõi những thứ trong nhóm được".
Chính sự mờ nhạt trong ranh giới trách nhiệm giữa gia đình và nhà trường đã tạo ra cú va đập mạnh giữa áp lực công việc và việc nuôi dạy con cái, cuối cùng dẫn đến những cảm xúc vỡ òa như của người mẹ ở Quảng Đông (Trung Quốc) trên.
Hơn nữa, trong bối cảnh giá nhà cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và lạm phát leo thang, các gia đình có cả hai vợ chồng đi làm đã gặp vô vàn khó khăn để duy trì cuộc sống cơ bản, chứ chưa nói đến việc đầu tư cho con cái một nền giáo dục chất lượng.
Khi người mẹ của Chu Vi gào lên "Muốn ép tôi đến chết hay sao?", cô không chỉ đang phản ứng với vấn đề bài tập của con, mà còn là sự đấu tranh với sức ép khổng lồ từ vô vàn trách nghiệm đang đè nặng lên vai cô.
Làm thế nào để thoát khỏi bế tắc?
Trong sự việc này, không có ai là "kẻ xấu", nhưng sự lựa chọn của mỗi bên lại vô tình dẫn đến bi kịch.
Cô giáo giữ học sinh lại lớp vì muốn giúp đỡ học sinh, hy sinh thời gian nghỉ ngơi để hỗ trợ, nhưng lại bị phụ huynh hiểu lầm. Phụ huynh chỉ trích cô giáo, trong khi cô giáo cũng phải chịu sức ép từ nhiều phía.
Cô bé Chu Vi vô tội, chỉ vì học hành tạm thời chậm hơn một chút mà phải chịu đựng sự chỉ trích từ trường học, bạo lực gia đình và những lời trêu chọc từ bạn bè, khiến tâm lý cô bé gặp rủi ro lớn.
Cảm xúc của người mẹ bùng nổ, phản ánh áp lực mà nhiều bậc phụ huynh phải gánh vác: vừa chăm sóc cha mẹ già, vừa nuôi dạy con cái, đối mặt với áp lực công việc, và đôi khi còn phải tự mình chăm lo việc nuôi dạy con cái.
Yêu cầu giữ lại lớp của giáo viên và các chỉ trích trong nhóm phụ huynh đã là cú đòn cuối cùng khiến người mẹ không thể chịu đựng nổi.
Sự việc này nhắc nhở chúng ta rằng, giáo dục cần tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân, giảm bớt áp lực giữa gia đình và nhà trường, tránh để những vấn đề hệ thống gây tổn thương cho cả trẻ em và phụ huynh.

Trong sự việc này, không có ai là "kẻ xấu", nhưng sự lựa chọn của mỗi bên lại vô tình dẫn đến bi kịch.
Mặc dù lo lắng về giáo dục khó có thể tránh khỏi, nhưng phụ huynh và xã hội có thể cùng nhau nỗ lực giảm bớt căng thẳng này:
1. Điều chỉnh mục tiêu giáo dục
Mỗi trẻ có một nhịp độ học tập khác nhau, vì vậy phụ huynh nên đặt ra những mục tiêu giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ, tránh so sánh quá mức. Giáo dục không phải là để trẻ "thắng ngay từ vạch xuất phát", mà là giúp trẻ phát triển theo khả năng riêng của mình.
2. Rõ ràng về trách nhiệm
Phụ huynh và nhà trường cần xác định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên, tránh đẩy quá nhiều gánh nặng lên vai phụ huynh. Phụ huynh cần giao tiếp tốt với giáo viên để đảm bảo trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ được rõ ràng.
3. Điều chỉnh cảm xúc bản thân
Khi đối mặt với áp lực học tập của trẻ, phụ huynh cần học cách quản lý cảm xúc của mình. Những hoạt động như thể dục, đọc sách hay trò chuyện với bạn bè có thể giúp giải tỏa căng thẳng và giữ thái độ tích cực.
4. Tôn trọng sự tự lập của trẻ
Cho phép trẻ tham gia vào các quyết định trong gia đình và lựa chọn sở thích, từ đó giúp trẻ phát triển sự tự lập và cảm giác hạnh phúc. Cần tránh áp lực quá mức và tạo cho trẻ không gian phát triển tự do.
Giải pháp cho vấn đề giáo dục cần phải xuất phát từ ba yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình cần thay đổi cách nhìn nhận về giáo dục, nhà trường cần cải thiện phương pháp giảng dạy, và xã hội cần tạo ra một môi trường giáo dục công bằng và thoải mái hơn.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giảm bớt lo âu cho phụ huynh và giúp trẻ lớn lên trong một môi trường lành mạnh.