Năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi đã tạm biệt Tổ quốc thân yêu, ra đi tìm đường cứu nước. Con đường Bác đi đã để lại những bài học sâu sắc về công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Bài học thành công đầu tiên ngày hôm nay chúng ta rút ra được và đóng vai trò quyết định là sự thay đổi về tư duy và nhận thức. Con đường cứu nước của Bác Hồ chính là con đường của sự thay đổi đó.
Trong hoàn cảnh rất nhiều phong trào yêu nước như Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, khởi nghĩa Yên Thế, Ba Đình đều thất bại và nhiều phong trào bị dìm trong biển máu, sự thay đổi tư duy và nhận thức của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là một sự thay đổi tư duy chiến lược.

Con đường từ bến cảng Nhà Rồng tới quảng trường Ba Đình ngày nay chỉ mất 2 giờ bay, còn Bác phải đi mất hơn 3 thập kỷ (từ 1911 tới 1945), nhưng đó là con đường mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Bác đã lựa chọn con đường khác hẳn so với các nhà yêu nước, nhà cách mạng tiền bối. Bác đã lựa chọn con đường ấy khi còn rất trẻ, ở tuổi 21.
Trên con đường đi tìm đường cứu nước, Bác đã đi khắp năm châu, bốn biển, tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa, nhiều con người “đủ màu da, sắc tộc” thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, từ những người lao động nghèo khổ nhất tới các chính khách cao nhất.
Với trí tuệ sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, Người đã chắt lọc, tổng hợp các giá trị tinh hoa của các quốc gia, dân tộc để áp dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam mà một trong các điểm nhấn với nhiều sáng tạo đặc biệt phù hợp với thực tiễn Cách mạng Việt Nam là trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng 8 khi Người mới trở về nước, sống và hoạt động cùng đồng bào các dân tộc.
“Việt Nam độc lập thổi kèn loa”
Hai chữ “Việt Minh” tới ngày nay vẫn vô cùng thân quen với người dân Việt Nam. Tên Việt Minh là một sáng tạo độc đáo của Bác phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là với đồng bào dân tộc.

Sau khi trở về nước, tại cột mốc 108 ở Cao Bằng vào năm 1941, Bác đã triệu tập và chủ trì hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày 10-19/5/1941 trong rừng Khuổi Nậm, thuộc Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Hội nghị xác định cuộc cách mạng của các dân tộc ở Đông Dương là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất riêng cho từng nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo đề nghị của Bác, ngày 19/5/1941, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội.
Để đồng bào dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đọc, dễ phổ biến và tuyên truyền, Bác đề nghị gọi tắt Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội là Việt Minh. Bác tự viết một bài thơ tuyên truyền có hình ảnh minh họa và viết chữ rất to để đăng trên báo Việt Nam độc lập (Bác đề nghị gọi tắt là Việt Lập cho dễ nhớ, dễ thuộc) số 103 ngày 21/8/1941:
Việt Nam độc lập thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta
Một lần, trong một lớp học do Việt Minh tổ chức cho đồng bào dân tộc, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giảng về tình hình thế giới và tiếp tục phát triển, mở rộng vấn đề. Dù đã trình bày rất đơn giản, ngắn gọn, nhưng khi nói xong có một hội viên đã đứng lên xin với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Vào hội thì làm việc gì khó khăn, nguy hiểm đến đâu em cũng làm được, chỉ có mỗi cái học như thế này khó quá, không nhớ được, sợ không làm tròn nghĩa vụ của người hội viên”. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nhớ tới lời căn dặn của Bác về tờ báo cách mạng Việt Lập do chúng ta phát hành ở Tĩnh Tây.
Vì khuôn khổ tờ báo nhỏ, theo chỉ thị của Bác, lại phải viết chữ to để đồng bào đọc dễ dàng và nên viết các bài rất ngắn. Thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi viết rất khó khăn, Bác cười rồi bảo: "Báo của các chú gửi về nhưng mình không xem hết, mà ở đây cũng không mấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc, và có đọc cũng không mấy ai hiểu. Báo Việt Lập tuy đơn giản, nhưng dễ đọc, dễ hiểu”.
Ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của chúng ta vào thời điểm ấy. Bài thơ Việt Nam độc lập thổi kèn loa Bác viết chữ rất to là vì thế. Để kêu gọi đồng bào đoàn kết, Bác đã so sánh đoàn kết với “khối sắt”. Giản dị, độc đáo nhưng hết sức sâu sắc. Việc giúp đồng bào thấm nhuần và đi theo cách mạng chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu chúng ta dịch nguyên tác các tài liệu của nước ngoài để giảng dạy trong các lớp học của Việt Minh.
Kể từ thời điểm đó, Việt Minh phát triển rất mạnh, đặc biệt là trong đồng bào các dân tộc miền núi. Hai chữ Việt Minh là nỗi khiếp sợ của thực dân Pháp, phát xít Nhật và là biểu tượng, là niềm tin của đồng bào về một tương lai tương sáng - độc lập, tự do và hạnh phúc sau hàng trăm năm sống dưới gông cùm của chủ nghĩa thực dân.
“Phá kho thóc”
Tới bây giờ nhìn lại, rõ ràng là những bài học cách mạng không thể rập khuôn từ nước Nga Xô Viết và các quốc gia khác mà phải áp dụng phù hợp trong hoàn cảnh Việt Nam. Khi ấy, hoàn cảnh đất nước ta có thể nói là “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nhiều đồng bào kể cả dân tộc miền núi và ngay cả ở Hà Nội còn chưa biết chữ.

Khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” của Việt Minh cũng chính là một khẩu hiệu độc đáo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đồng bào lúc bấy giờ. Mọi khẩu hiệu về đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc thời điểm ấy đều không phù hợp và thiết thực với đồng bào ta như khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” của Việt Minh.
“Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” đã tạo nên một làn sóng cách mạng quần chúng vô cùng mạnh mẽ khiến phát xít Nhật khiếp sợ, góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945.
“Bình dân học vụ”
Ngay sau Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Trung ương và Hồ Chủ tịch đã nhận ra ba kẻ thù mà Đảng và dân tộc ta phải đối mặt. Đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lê nin từng nói “Người mù chữ đứng ngoài chính trị, và cũng không thể công nghiệp hoá với những người dân mù chữ”.
Bác đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ, diệt giặc dốt. Người đã nhìn thấy rõ, một dân tộc muốn thực sự độc lập, tự do, hạnh phúc thì không thể là một dân tộc dốt, một dân tộc mù chữ. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào Bình dân học vụ đã giúp xóa mù chữ cho hàng triệu người dân Việt Nam, nâng cao dân trí, củng cố lòng dân, niềm tin vào chính quyền Cách mạng, góp phần quan trọng cho các thắng lợi tiếp theo của Cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ kế thừa di sản lịch sử quý báu mà còn phải vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Trang bị tri thức số giúp người dân tự tin trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển công nghệ.”
Vận dụng kinh nghiệm từ phong trào Bình dân học vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng xác định phổ cập kỹ năng số là nhiệm vụ trọng tâm, giúp mọi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc và vùng khó khăn, tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ, từ đó thoát nghèo, đổi đời.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động nhằm khơi dậy sức mạnh toàn dân, đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số thế kỷ 21.
Tại Quảng Ninh, mô hình thôn, xã thông minh được triển khai hiệu quả, thu hẹp khoảng cách giữa vùng cao, miền núi và miền xuôi. Các tổ trưởng, trưởng thôn sử dụng nền tảng số như nhóm Zalo, Facebook để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời quản lý công việc thôn, xóm.
Đồng bào được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, làm chủ các nền tảng giao dịch điện tử để thực hiện thủ tục hành chính và mua bán sản phẩm do chính mình tạo ra. Những đổi thay này không chỉ cải thiện đời sống mà còn củng cố niềm tin của đồng bào vào con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Nhìn lại con đường cứu nước của Bác, đặc biệt trong những giai đoạn vô cùng khó khăn của Cách mạng, chúng ta càng thêm tự hào, khâm phục và tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo những bài học của Người, một nhà cách mạng vĩ đại đã đưa những giá trị tinh hoa của nhân loại tới những bản làng xa xôi để giải phóng đồng bào, giải phóng cho từng thân phận nhỏ bé và khổ đau nhất.
Xin lấy lời của chiến sỹ Quốc tế Cộng sản, một nhà báo Liên Xô, Osip Mandelstam kể về ấn tượng khi lần đầu tiên gặp Bác năm 1923 để làm lời kết cho bài viết này: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”.