
"Tôi muốn chết quá. Tôi cảm giác mình bị mắng mỗi ngày. Tôi không muốn sống nữa" - Đây là những câu mở đầu của một bức tâm thư từ bé gái 8 tuổi, được bà mẹ đăng tải trong một nhóm dành cho phụ huynh thu hút sự chú ý. Những câu tiếp theo cũng đầy uất ức đè nén, tiêu cực đến nỗi không ai nghĩ đây là suy nghĩ của một đứa trẻ:
"Xem khi tôi chết có ai an ủi tôi không? Tôi ước gì làm trẻ con 3, 4, 5 tuổi. Hồi đó tôi được bố mẹ yêu quý. Vì một lời nói của anh mà đã khiến tôi mất tất cả ước mơ làm họa sĩ rồi, khiến tôi buồn rất nhiều.
Nếu tôi bị trầm cảm thì tốt biết mấy. Nếu tôi bị ung thư thì tốt biết mấy. Tôi muốn trở lại Tết năm xưa 2024, lúc đó tôi rất vui. Tôi muốn trở lại sinh nhật tôi năm xưa, 2024, lúc đó tôi rất vui. Nếu mà mẹ tôi đẻ thêm bé trai nữa thì tôi ra rìa chắc. Tôi chỉ muốn mơ thôi vì khi mơ tôi gặp gia đình khác tốt hơn".
Kết thúc tâm thư, bé gái viết in hoa 7 chữ: HAY BỐ MẸ KHÔNG CẦN TÔI NỮA.
Đứa trẻ ấy không dám hỏi thẳng, không dám khóc to, mà chỉ biết gửi gắm nỗi lòng vào những dòng chữ run rẩy. Con sợ hãi khi nghĩ đến việc bố mẹ sinh thêm em bé, vì con tin rằng mình sẽ bị "ra rìa". Con mơ về một gia đình khác, nơi con được yêu thương vô điều kiện. Nhưng con không biết làm sao để nói ra, không biết làm sao để thổ lộ nỗi lòng mình.

Vẫn còn kịp để bố mẹ thay đổi
Ở tuổi 8, trẻ đã bắt đầu có ý thức về giá trị bản thân, về mối quan hệ với cha mẹ. Có nhu cầu rất lớn về việc được công nhận, được yêu thương vô điều kiện, được chấp nhận ngay cả khi mình không hoàn hảo. Nhưng trẻ vẫn còn rất hạn chế trong việc diễn đạt cảm xúc, phân tích nguyên nhân, hay tìm kiếm hỗ trợ đúng cách.
Vì vậy, khi bị mắng thường xuyên, hoặc cảm thấy bị từ chối, bị thiên vị, không được chấp nhận, trẻ dễ quy kết lỗi về bản thân, và sinh ra suy nghĩ kiểu như: "Mình là đứa trẻ không ai yêu"; "Mình làm gì cũng sai, có lẽ biến mất thì mọi người sẽ đỡ khổ hơn".
Đặc biệt, não bộ trẻ ở giai đoạn này phát triển mạnh về trí tưởng tượng và sự nhạy cảm cảm xúc – vì vậy những suy nghĩ bi quan có thể được ‘phóng đại’ và thể hiện mạnh mẽ khi không có chỗ an toàn để trút ra".
Nhiều phụ huynh cho rằng, người mẹ này vẫn còn may mắn khi biết được những điều con viết ra để kịp thời điều chỉnh. Bé gái 8 tuổi viết bức tâm thư đầy nước mắt kia không phải vì con "yếu đuối", mà vì con có trái tim quá tinh tế – một điều đáng trân quý, nếu bố mẹ biết cách đồng hành cùng con.
Điều đầu tiên ba mẹ cần làm lúc này... là hãy hít thở thật sâu. Hãy dành một khoảng lặng để nhìn lại hành trình làm cha mẹ của mình với đôi mắt yêu thương và trái tim rộng mở.
Hãy tự hỏi: Gần đây, mình thường hay trách mắng con nhất về điều gì? Mỗi khi con không làm được việc gì đó, thay vì dang tay đỡ con dậy, mình đã vô tình nói gì, làm gì? Phải chăng đôi lúc, mình đã dùng những lời so sánh con với anh trai, dọa cho con ra rìa... như một cách "mong con tốt hơn"? Khi con khóc, bạn có vội sửa cái sai mà quên lắng nghe nỗi buồn đằng sau đó?
Nhiều câu chuyện đau lòng từ việc ghen tỵ, tỵ nạnh với anh chị em ruột cũng chính từ cách cư xử thiếu tế nhị của các bậc phụ huynh. Có bé không phản kháng, không nói ra nhưng điều đó có thể để lại những vết thương khó hàn gắn trong tâm hồn non nớt của chúng.
Hãy xây lại cây cầu cảm xúc cho con bằng cách: Mỗi tối trước khi ngủ, hãy thì thầm với con: "Dù ngày hôm nay thế nào, ba mẹ vẫn yêu con". Khi con sai, thay vì nói "Con hư quá!", hãy hỏi: "Con muốn ba mẹ giúp gì không?".
Trao cho con không gian an toàn, cùng con tạo "góc bình yên" - nơi con có thể khóc, có thể giận mà không sợ bị trách mắng. Dạy con gọi tên cảm xúc: "Hôm nay con thấy buồn ư? Hay là con đang sợ điều gì?". Viết cho con bức thư nhỏ: "Ba mẹ xin lỗi vì đã làm con tổn thương. Cảm ơn con vì đã dũng cảm nói ra...". Tinh tế dành riêng thời gian cho từng đứa cũng là cách cha mẹ làm cho con trẻ thấy mình quan trọng và luôn được cha mẹ yêu thương.
Chúng ta không cần phải hoàn hảo, chỉ cần đủ can đảm để thừa nhận khi mình sai, đủ mềm mại để thay đổi. Và quan trọng nhất - đủ yêu thương để con biết rằng: Dù cả thế giới có quay lưng, ba mẹ vẫn luôn là bến bờ con có thể trở về.
Bức tâm thư này không chỉ là câu chuyện của một bé gái 8 tuổi, mà là lời cảnh báo cho hàng ngàn gia đình đang vô tình tạo ra những vết thương lòng trong chính đứa con của mình. Trẻ con không cần những món quà đắt tiền, không cần một lịch học dày đặc để trở thành "con nhà người ta". Chúng chỉ cần được lắng nghe, được thấu hiểu, và quan trọng nhất – được cảm thấy mình có giá trị trong mắt bố mẹ.
Đừng đợi đến khi con viết những dòng tuyệt vọng như thế này mới giật mình nhận ra. Hãy ôm con nhiều hơn, lắng nghe con nhiều hơn, và đừng bao giờ để con cảm thấy… mình là gánh nặng. Bởi vì, với một đứa trẻ, tình yêu thương của bố mẹ chính là chiếc phao cứu sinh duy nhất giữa biển đời đầy sóng gió.
"Con à, dù thế giới ngoài kia có thế nào đi nữa, bố mẹ vẫn luôn cần con. Không phải vì con ngoan, con giỏi, mà đơn giản chỉ vì… con là con của bố mẹ".