Chiều 3/4, chia sẻ với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, năm nay quy chế tuyển sinh đại học có 2 điểm mới nổi bật là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi điểm các phương thức xét tuyển.
Theo ông Sơn, Bộ chỉ yêu cầu quy đổi tương đương với điểm trúng tuyển cuối cùng, thay vì cả thang điểm.
"Chúng ta cần xác định, với một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, các điểm chuẩn trúng tuyển của các phương thức phải bảo đảm mức độ tương đương về đánh giá năng lực của thí sinh cũng như ngành học. Yêu cầu này xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu. Thật sự phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như rất khó có căn cứ nhưng các năm trước điểm chuẩn đã được quyết định bởi chỉ tiêu. Việc đưa ra điểm chuẩn dựa trên phân tích và quy đổi tương đương khoa học và bảo đảm tính công bằng hơn rất nhiều so với việc quyết định điểm chuẩn qua phân chia chỉ tiêu", ông Sơn lý giải việc Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu này.
Ông Sơn khẳng định quy chế của Bộ không phải bắt buộc quy đổi tương đương các phương thức xét tuyển, mà chỉ quy đổi điểm trúng tuyển trong phạm vi nào đó đối với các ngành, chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển.
“Cũng có một số ý kiến cho rằng không thể quy đổi các kết quả đánh giá của các kỳ thi khác nhau. Ví dụ kỳ thi Đánh giá năng lực, kỳ thi SAT khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi năng khiếu nào đó, thì làm sao quy đổi chính xác được? Chúng tôi đồng ý với ý kiến đó. Nếu như các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh thì rõ ràng chúng ta không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực của thí sinh khi vào một ngành. Có thể dùng cho nhiều ngành khác nhau thì được".
Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu đã là các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào một ngành thì phải đặt ra yêu cầu giống nhau hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ nhưng vẫn đảm bảo cơ bản năng lực cốt lõi của thí sinh vào cùng một ngành. Điều này đã được ghi rõ trong quy chế và cũng là nguyên tắc cao nhất trong tuyển sinh là độ tin cậy và công bằng.
"Nếu kết quả thi không đánh giá được đúng năng lực cốt lõi, yêu cầu của thí sinh để học một chương trình đào tạo thì việc dùng phương thức đó là không có căn cứ. Còn nếu đã dùng một phương thức nào thì phải đánh giá cùng những năng lực cốt lõi của thí sinh. Như vậy, các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào một ngành dù có khác nhau về cách đánh giá nhưng phải đánh giá được cùng một năng lực cốt lõi của thí sinh. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được”, ông Sơn nói.

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nói về công thức quy đổi điểm tương đương

Bộ GD-ĐT dự kiến công thức quy đổi điểm xét tuyển đại học ra sao?
