Sức khỏe - Đời sống

Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền mặt, hiện vật với gia đình sinh hai con gái

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới và công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2025 do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 11/7.

Trước thực trạng mức sinh liên tục sụt giảm, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.

Dự thảo đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân như hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh con, đặc biệt khi thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các gia đình sinh con một bề là gái hoặc có hai con gái cũng được đề xuất nhận ưu đãi về mặt tài chính.

Chính sách mới hướng tới mở rộng quyền lợi cho phụ nữ mang thai như tăng thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ tiếp cận nhà ở xã hội. Song song, Bộ Y tế đề xuất xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi, từ hạ tầng cơ sở đến đào tạo nhân lực chuyên ngành lão khoa bằng học bổng và miễn học phí.

 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Dự thảo Luật cũng quy định bắt buộc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với cả nam và nữ, nhằm phát hiện và ngăn ngừa sớm các bệnh lý di truyền. Việc sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh, sơ sinh sẽ được đẩy mạnh cả về phạm vi và chất lượng dịch vụ.

Tinh thần của các chính sách trên là tôn trọng quyền quyết định sinh con của mỗi cá nhân và cặp vợ chồng, phù hợp với sức khỏe và điều kiện kinh tế, hoàn toàn tự nguyện - đúng với thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”.

Trước đó, ngày 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, tạo nền tảng pháp lý cho việc điều chỉnh chính sách dân số theo hướng toàn diện và bền vững.

Việc sửa luật diễn ra trong bối cảnh đáng lo ngại. Theo kết quả điều tra dân số tháng 4/2024, tỷ suất sinh của Việt Nam giảm xuống còn 1,91 con mỗi phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học. Dự báo con số này sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, kéo theo hệ lụy già hóa dân số diễn ra nhanh hơn dự kiến.

Mặc dù tuổi thọ trung bình tăng lên 74,7 tuổi, nhưng người Việt chỉ sống khỏe mạnh trung bình 65 năm. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được kiểm soát ổn định, hiện ở mức 111,4 bé trai trên 100 bé gái - cao hơn mức cân bằng tự nhiên. Cùng với đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc vẫn phổ biến, chiếm tới 21,9%.

Chất lượng sống giữa thành thị và nông thôn còn nhiều cách biệt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế xây dựng Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026–2035, lấy con người làm trung tâm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Các tin khác

Không quân Hải quân sẽ tham gia diễu binh trên biển

Tư lệnh Hải quân Trần Thanh Nghiêm yêu cầu Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ diễu binh trên biển, trong dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ám ảnh xác heo chết vứt đầy kênh mương ở Gia Lai

Gần đây, hệ thống kênh tưới Văn Phong chảy các xã Bình An, Bình Hiệp, Hòa Hội… (tỉnh Gia Lai) đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm do xác heo chết được vứt xuống lòng kênh bừa bãi. Những xác heo chết nổi lềnh bềnh, đặc biệt là tại các đoạn lưới chắn rác, cửa xả bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Từ nay trở đi, công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập nhất định phải nắm vững những ĐIỀU này để tránh rắc rối!

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Kiểm toán nhà nước chuyển 3 vụ việc sang cơ quan điều tra

Kiểm toán nhà nước đã chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; đồng thời, đang làm các thủ tục để chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra.