Kinh tế

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá- Ảnh 1.

Không theo đuổi chiến lược quốc tế hóa rầm rộ, không đặt mục tiêu thu phí người dùng ngay từ đầu, AI Hay – một nền tảng trí tuệ nhân tạo thuần Việt – lại chọn lối đi ngược: tập trung phục vụ chính người Việt bằng một công cụ AI miễn phí, gần gũi và mang đậm bản sắc ngôn ngữ, văn hóa trong nước. Hành trình ấy khởi đầu bằng niềm tin rằng công nghệ không chỉ dành cho tập đoàn lớn hay thị trường giàu tài nguyên, mà cần chạm tới từng người dân – từ sinh viên, giáo viên, đến các cô chú hưu trí.

Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, AI Hay đã ghi nhận hơn 100 triệu câu hỏi được xử lý mỗi tháng. Cùng với việc hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 10 triệu USD và chính thức gia nhập cộng đồng AI của Liên minh Âu Lạc, nền tảng này đang chứng minh sức mạnh của một chiến lược bền bỉ, xuất phát từ nhu cầu thật và phục vụ cộng đồng thật.

Trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Giám đốc vận hành AI Hay, chúng tôi đã lắng nghe những chia sẻ sâu sắc về triết lý phát triển, tầm nhìn dài hạn, và thách thức trong việc xây dựng một nền tảng AI miễn phí, chính xác, và thuần Việt cho hơn 100 triệu người dân Việt Nam.

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá- Ảnh 2.

Ngay từ đầu, điều gì đã thôi thúc anh lựa chọn xây dựng một nền tảng AI thuần Việt, miễn phí cho người Việt, thay vì theo đuổi mô hình kinh doanh quốc tế như nhiều startup khác?

Ngay từ đầu, đội ngũ AI Hay được thôi thúc bởi niềm tin rằng AI không chỉ dành cho các tập đoàn lớn hay những thị trường ngôn ngữ giàu tài nguyên, mà cần trở thành công cụ gần gũi, thiết thực cho mọi người Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng một nền tảng AI thuần Việt, miễn phí, để hỗ trợ từ những nhu cầu giản đơn nhất – như giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn, giảng viên giảng dạy tốt hơn, hay người dùng phổ thông giải quyết các vấn đề hàng ngày.

Trong khi nhiều startup hướng đến các mô hình kinh doanh quốc tế hoặc phục vụ doanh nghiệp lớn, chúng tôi nhận thấy mảng giải pháp AI cho người dùng cuối (B2C) tại Việt Nam đang bị bỏ ngỏ, dù đây là một con đường đầy thách thức. Chúng tôi kiên định chọn hướng đi này vì tin rằng việc bình dân hóa AI cho 100 triệu người Việt là một sứ mệnh ý nghĩa và có tiềm năng lớn. Về lâu dài, chúng tôi tin rằng sẽ tìm ra những mô hình kinh doanh bền vững, nhưng trước hết, ưu tiên của AI Hay là tạo ra giá trị thực sự cho cộng đồng Việt Nam thông qua một nền tảng tri thức chính xác, thân thiện và mang đậm bản sắc Việt.

Yếu tố nào đóng vai trò quyết định trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh của AI Hay?

Tôi nghĩ yếu tố sống còn là phải làm chủ được công nghệ, đặc biệt là năng lực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Chính điều đó đã giúp AI Hay được AWS chọn tài trợ, bởi họ đánh giá cao các startup có tầm nhìn xa và khả năng phục vụ thị trường lớn.

Sau khi làm việc với AWS, chúng tôi nhận ra rằng thứ mà AI Hay đang phát triển không chỉ có giá trị ở Việt Nam, mà còn có thể mở rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều ngôn ngữ thuộc nhóm "low-resource language", tức là những ngôn ngữ ít dữ liệu số hóa trên Internet.

Chẳng hạn, mô hình lớn như của Meta thường được huấn luyện chủ yếu trên tiếng Anh, rồi đến các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Đức, tiếng Pháp. Trong khi đó, tiếng Việt, tiếng Thái, Bahasa hay Tagalog lại rất ít dữ liệu. Bản LLaMA 3.1 gần đây chỉ có khoảng 0,8% dữ liệu là tiếng Việt, dù Việt Nam là một trong những nước có lượng người dùng Internet cao.

AI Hay đã xây dựng được một tầng xử lý ngôn ngữ riêng để "hiểu" được tiếng Việt một cách sâu sát. Và chúng tôi tin rằng chính nền tảng này có thể mở rộng ra các ngôn ngữ ít tài nguyên khác, giúp giải quyết bài toán tìm kiếm và hỏi đáp bằng AI cho hàng trăm triệu người trong khu vực, những người hiện chưa được phục vụ tốt bởi các mô hình toàn cầu.

AI Hay hướng tới phổ cập AI đến hơn 100 triệu người dân Việt Nam. Vậy các anh hình dung như thế nào về “một xã hội có AI phổ thông” trong 5 năm tới?

Tại AI Hay, chúng tôi hướng tới việc phổ cập AI cho hơn 100 triệu người dân Việt Nam, đồng hành với tầm nhìn được đề ra trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, trong đó đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo được xác định là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong 5 năm tới, chúng tôi hình dung một xã hội Việt Nam nơi AI trở thành công cụ quen thuộc, dễ tiếp cận với mọi tầng lớp – từ sinh viên, nhân viên văn phòng đến các cô bác hưu trí. AI không chỉ hỗ trợ học tập, nghiên cứu hay tra cứu thông tin mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn về các chính sách và định hướng đổi mới của đất nước.

Một xã hội có AI phổ thông, theo chúng tôi, là nơi các giải pháp AI được tích hợp rộng rãi, biến những trải nghiệm số thông thường thành những trải nghiệm thông minh, cá nhân hóa. Chúng tôi kỳ vọng AI sẽ hiện diện trong ít nhất 50% các lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, tài chính cá nhân, y tế và giáo dục, mang lại giá trị thiết thực không chỉ cho người dùng cuối mà còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này sẽ thúc đẩy hiệu quả công việc, gia tăng giá trị thương mại và góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu lọt top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh số, dẫn đầu Đông Nam Á về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Với tinh thần khiêm tốn, AI Hay cam kết nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa tầm nhìn này, mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng và đất nước.

AI Hay đã xử lý hơn 100 triệu câu hỏi mỗi tháng, con số rất ấn tượng. Làm sao đội ngũ có thể đảm bảo độ chính xác và “thuần Việt” cho các câu trả lời ở quy mô lớn như vậy?

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá- Ảnh 3.

Tại AI Hay, việc xử lý hơn 100 triệu câu hỏi mỗi tháng là một thành tích đáng tự hào, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo độ chính xác và tính “thuần Việt” của các câu trả lời. Để đạt được điều này, chúng tôi không chỉ dựa vào khả năng tạo sinh của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs - Large Language Models) mà còn xây dựng một hệ thống gồm nhiều tầng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích ngữ cảnh và các cơ chế bảo vệ chặt chẽ.

Mỗi câu hỏi đều được xử lý qua các tầng này trước khi đến với LLM, sau đó tiếp tục qua các bước tinh chỉnh để đảm bảo câu trả lời không chỉ chính xác mà còn phù hợp với văn hóa và ngữ cảnh Việt Nam. Một trong những thách thức lớn nhất là cân bằng giữa tốc độ phản hồi và độ an toàn, chính xác của sản phẩm. Chúng tôi luôn nỗ lực cải tiến từng ngày, với mục tiêu kiên định là xây dựng AI Hay thành nền tảng tri thức đáng tin cậy và thuần Việt nhất, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dùng Việt Nam.

Việc hợp tác với các trường đại học như FPT và Tôn Đức Thắng giúp gì cho AI Hay trong hành trình phổ cập AI? Các anh/chị có dự kiến mở rộng mô hình này ra các cấp học khác không?

Hợp tác với các trường đại học như FPT và Tôn Đức Thắng là một phần quan trọng trong hành trình phổ cập AI của AI Hay. Sinh viên, với vai trò là thế hệ tiên phong định hình tương lai đất nước, là đối tượng ưu tiên của chúng tôi. Những quan hệ đối tác này không chỉ giúp AI Hay cùng Ban Giám Hiệu trường mang các giải pháp AI đến gần hơn với giới trẻ mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đồng hành với lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực số cho toàn dân.

Nhìn xa hơn, chúng tôi tin rằng để xây dựng một xã hội Việt Nam sử dụng AI hiệu quả, đóng góp vào nền kinh tế số bền vững, việc phổ cập AI cần bắt đầu từ những giai đoạn sớm hơn trong hệ thống giáo dục. Vậy nên, AI Hay sẽ có có kế hoạch mở rộng mô hình hợp tác này sang các cấp học khác, từ trung học phổ thông đến các chương trình đào tạo nghề, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho học sinh, sinh viên và người lao động. Dù hành trình này còn nhiều thách thức, chúng tôi cam kết học hỏi, đồng hành theo định hướng của Chính phủ và Bộ Giáo dục, đồng thời hợp tác với nhiều đơn vị để cùng hiện thực hóa mục tiêu đưa AI trở thành công cụ thiết thực, nâng cao giá trị công việc và thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số.

Việc xây dựng một nền tảng AI tạo sinh dành riêng cho người Việt, lại vừa chính xác vừa dễ dùng, chắc chắn không đơn giản. Trong quá trình phát triển AI Hay, đâu là thách thức kỹ thuật hoặc vận hành lớn nhất mà đội ngũ đã gặp phải – và cách anh giải quyết nó?

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá- Ảnh 4.

Làm AI tiếng Việt có nhiều khó khăn đặc thù. Đầu tiên về vấn đề dữ liệu. Nhiều dữ liệu thiếu chuẩn hóa, nhiều nội dung trùng lặp hoặc sai sót, rất nhiều dữ liệu tốt còn chưa được số hoá hoàn toàn. Chúng tôi chọn cách kiên trì xây dựng cùng cộng đồng, hợp tác với các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, tổ chức học thuật, doanh nghiệp và cả những người dùng tâm huyết để dần dần làm sạch, làm giàu kho tri thức tiếng Việt.

Nguồn lực cũng luôn là một thách thức. Trong bối cảnh thị trường đầu tư thận trọng, chúng tôi buộc phải rất tiết kiệm như tối ưu hạ tầng, tập trung vào những sản phẩm cốt lõi phục vụ đúng nhu cầu của người Việt. Nhờ đó, dù chậm mà chắc, AI Hay vẫn đang phát triển bền vững.

Điều quan trọng nhất là giữ được niềm tin của người dùng. Người Việt có lý do để e ngại khi AI trả lời không chính xác. Vì vậy, mỗi câu trả lời trên AI Hay luôn kèm theo nguồn và người dùng có thể dễ dàng kiểm chứng lại nếu cần.

Thử thách vẫn còn, nhưng càng đi sâu vào các bài toán Việt Nam, chúng tôi càng tin rằng mình đang chọn đúng con đường – một con đường khó, nhưng đáng làm.

Sắp tới, AI Hay sẽ mở rộng sang các lĩnh vực như giáo dục và giải trí. Đội ngũ đang hướng đến những sản phẩm cụ thể nào, và sẽ khác gì so với các nền tảng AI hiện có trên thị trường?

Với sứ mệnh phổ cập AI, AI Hay đang hướng tới mở rộng sang các lĩnh vực như giáo dục và giải trí, dựa trên nền tảng cốt lõi là khả năng tìm kiếm, tổng hợp và phân tích thông tin. Trong tương lai, chúng tôi dự kiến phát triển các sản phẩm AI được thiết kế riêng cho từng nhóm người dùng, đảm bảo tính gần gũi và phù hợp với bối cảnh văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, trong giáo dục, AI Hay có thể cung cấp các công cụ hỗ trợ học tập cá nhân hóa, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức hiệu quả hơn; trong giải trí, chúng tôi hướng đến các trải nghiệm AI sáng tạo, mang tính tương tác cao, phù hợp với sở thích và thói quen của người Việt.

Tôi nhớ mãi một phản hồi trên kho ứng dụng, đó là một bạn từng rất tự ti vì ba mẹ và thầy cô đều cho rằng bạn học không giỏi. Nhưng từ khi dùng AI Hay, bạn ấy nói cảm thấy như có “một người bạn học cùng mình”. Điều đó khiến chúng tôi hiểu rõ hơn AI không chỉ là công cụ, mà có thể là bạn đồng hành. Và còn rất nhiều người như vậy, những người không biết đến ChatGPT, không đủ điều kiện trả phí, hoặc chỉ đơn giản là mong muốn sử dụng một sản phẩm thuần Việt hơn.

Điểm khác biệt của AI Hay so với các nền tảng AI hiện có nằm ở cam kết mang đến các giải pháp dễ sử dụng, thuần Việt, và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hoặc hoàn toàn miễn phí. Thách thức lớn nhất là xác định các tình huống sử dụng cụ thể (use cases) để tối ưu hóa trải nghiệm cho từng nhóm đối tượng, đồng thời duy trì tính đơn giản và hiệu quả. Với tầm nhìn dài hạn, AI Hay mong muốn không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết thực mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái AI đa dạng, hỗ trợ người dùng Việt Nam trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ học tập, làm việc đến giải trí, từ đó thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế số bền vững.

AI Hay vừa gia nhập cộng đồng AI của Liên minh Âu Lạc và cũng vừa hoàn tất vòng gọi vốn 10 triệu USD. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của hai cột mốc này trong chiến lược phát triển dài hạn của AI Hay, đặc biệt là trong việc khẳng định vị thế của một nền tảng AI thuần Việt trên bản đồ công nghệ khu vực?

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá- Ảnh 5.

Việc được mời gia nhập Liên minh AI Âu Lạc là một niềm tự hào lớn và cũng là lời nhắc nhở để đội ngũ AI Hay nỗ lực nhiều hơn. Chúng tôi rất trân trọng sự tin tưởng của FPT và các anh chị đi trước trong ngành. Cùng với cột mốc hoàn tất vòng gọi vốn 10 triệu USD, đây là những bước đệm quan trọng giúp AI Hay đầu tư sâu hơn vào công nghệ và con người. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là khẳng định tên tuổi riêng mà là đóng góp vào việc đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng về AI trong khu vực, thông qua hợp tác và chia sẻ cùng cộng đồng công nghệ trong nước. Trên thực tế, AI Hay cũng đang đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng những ứng dụng giáo dụng có lượt tải nhiều nhất khu vực Đông Nam Á trên Sensor Tower.

Sau khi khẳng định vị thế tại Việt Nam, đội ngũ AI Hay có cân nhắc mở rộng ra các thị trường Đông Nam Á với sản phẩm “AI bản địa hóa” tương tự không? Nếu có, đâu là thách thức lớn nhất?

Chúng tôi nhận thức rõ hành trình đưa công cụ AI mang đậm nét địa phương đến 100 triệu người Việt vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Hiện tại, dù đã nhận được một số lời mời mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á, chúng tôi vẫn kiên định vào việc tập trung hoàn thiện sản phẩm và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng Việt Nam. Việc mở rộng ra khu vực đòi hỏi sự thích nghi với các đặc thù văn hóa, ngôn ngữ và pháp lý của từng quốc gia, điều mà chúng tôi xem là thách thức lớn nhất nếu tiến hành trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cải tiến mỗi ngày để phục vụ người dùng Việt một cách hiệu quả nhất trước khi cân nhắc các bước đi tiếp theo.

Từ 100 triệu câu hỏi đến gọi vốn triệu đô: Startup Việt ‘đi ngược dòng’ với AI miễn phí, không quốc tế hoá- Ảnh 6.

AI Hay đang được hàng triệu người Việt sử dụng mỗi tháng, đặc biệt là sinh viên và người trẻ. Nếu phải tóm gọn triết lý mà đội ngũ muốn gửi gắm vào sản phẩm này, thì đó là gì – và anh/chị kỳ vọng AI Hay sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài như thế nào đối với xã hội Việt Nam?

Từ những ngày đầu, chúng tôi đặt mục tiêu AI Hay có thể trở thành công cụ tra cứu, tìm kiếm “quốc dân”. Tức là, AI Hay không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, mà còn đi sâu, đi sát vào đời sống người dân. Ví dụ, giúp người dùng tra cứu địa chỉ mới về phường xã sau khi sáp nhập tỉnh thành. Hoặc sau khi trải qua “kỳ thi khó nhất lịch sử”, AI Hay có thể giúp phụ huynh và học sinh dự đoán tỷ lệ đỗ, từ đó có thêm góc nhìn để xác định được đường đi nước bước tiếp theo cho phù hợp.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị!

Các tin khác

Hai đại học quốc gia chính thức chuyển về Bộ GD-ĐT

Hai đại học quốc gia chính thức là cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập do Bộ GD-ĐT quản lý. Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng ĐH quốc gia, giám đốc ĐH quốc gia, phó giám đốc ĐH quốc gia theo quy định.