Thể thao

Cầu thủ nhập tịch không rõ nguồn gốc sắp ‘chiếm sóng’, bóng đá Malaysia lại tranh cãi

Bóng đá Malaysia phân biệt giàu nghèo?

Việc Malaysian Football League (MFL), đơn vị điều hành các giải VĐQG Malaysia, trong đó có giải cao nhất là Super League, điều chỉnh hạn ngạch cầu thủ nước ngoài ra sân trong một trận đấu kể từ mùa 2025 - 2026 đã tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, có một số ý kiến cho rằng, thời điểm và cơ cấu của sự thay đổi này có thể chỉ mang lại lợi ích cho một số đội bóng hơn là những đội còn lại, theo báo New Straits Times ngày 11.7.

Cầu thủ nhập tịch không rõ nguồn gốc sắp ‘chiếm sóng’, bóng đá Malaysia lại tranh cãi - Ảnh 1.

Cầu thủ Joao Figueiredo, gốc Brazil, sau khi nhập tịch và thi đấu cho đội tuyển Malaysia, đã gia nhập CLB Johor Darul Ta'zim và được tính là nội binh

Ảnh: Ngọc Linh

"Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng, mà còn ở kế hoạch. Trong đó, thay đổi chính là việc loại bỏ cầu thủ ASEAN (khu vực Đông Nam Á) thứ hai khỏi hạn ngạch ra sân. Nghe có vẻ trung lập, nhưng nó lại có thể thay đổi cán cân theo những cách tinh tế nhất và chỉ có lợi cho một số đội bóng nhất định", chuyên gia bóng đá Malaysia, ông Dr Pekan Ramli bày tỏ.

Theo đó, MFL vừa điều chỉnh hạn ngạch cầu thủ nước ngoài ra sân tại giải Malaysia Super League mùa 2025 - 2026, từ 7 xuống còn 6 người, trong khi vẫn giữ nguyên giới hạn đăng ký 15 cầu thủ ngoại, nhưng không bắt buộc mọi CLB đăng ký đủ số lượng này. 

Quy định mới này, với 6 cầu thủ nước ngoài ra sân (thêm 3 dự bị), trong đó có 4 cầu thủ ngoại, cộng 1 cầu thủ ở châu Á và 1 ASEAN. Trước đây là 7 cầu thủ (thêm 2 dự bị), bao gồm 4 cầu thủ ngoại, 1 châu Á và 2 từ ASEAN.

Giải thích về điều chỉnh này, MFL cho rằng, họ bớt đi 1 suất cầu thủ từ ASEAN để tăng số cầu thủ nội trên sân, nhằm cân bằng giữa cầu thủ nội và ngoại trong đội hình xuất phát của các đội bóng trong ngày thi đấu. 

Thế nhưng, thực tế lại khác hoàn toàn. Vì một số CLB ở Malaysia, chủ yếu từ CLB Johor Darul Ta'zim, đang sở hữu đông đảo cầu thủ nhập tịch và họ được tính là nội binh, nên chắc chắn sẽ chiếm luôn suất này.

"Việc loại bỏ đi 1 suất cầu thủ từ ASEAN ra sân, vô tình lại tạo lợi thế lớn cho các CLB có nguồn lực dồi dào hơn, bao gồm đang có các cầu thủ gốc gác hoặc nhập tịch và tập trung số cầu thủ nước ngoài đông đảo. Cầu thủ bản địa Malaysia trong trường hợp này cũng không có nhiều cơ hội ra sân, vì một số đội này sẽ tận dụng vị trí cầu thủ ASEAN bị giảm, để trao cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch. Với những cầu thủ nhập tịch Malaysia hiện nay, về bản chất họ là cầu thủ ngoại gần như 100%, chỉ khác về mặt giấy tờ họ là nội binh", ông Dr Pekan Ramli giải thích.

Cầu thủ nhập tịch không rõ nguồn gốc sắp ‘chiếm sóng’, bóng đá Malaysia lại tranh cãi - Ảnh 2.

Bóng đá Malaysia tiếp tục tranh cãi với chính sách nhập tịch, nay ảnh hưởng cả giải VĐQG

Ảnh: Ngọc Linh

Những cầu thủ nhập tịch Malaysia gần đây đa số đến từ Brazil, Argentina và Tây Ban Nha, nguồn gốc tổ tiên của họ có liên hệ với nước này hay không đến nay vẫn còn tranh cãi. Nhiều cầu thủ trong số này đã trở về khoác áo CLB Johor Darul Ta'zim, mới nhất có cầu thủ Nacho Mendez, nâng số cầu thủ gốc gác hoặc nhập tịch ở đội bóng này lên 8 người. Họ đều được tính là nội binh.

Do đó, các CLB như Johor Darul Ta'zim hay có thể thêm Selangor FC, đội đang có lực lượng cầu thủ ổn định, sẽ là những đội hưởng lợi nhất từ sự thay đổi của MFL.

Trong khi đa số các CLB còn lại của giải Malaysia Super League không có đủ tiềm lực tài chính để chạy đua chiêu mộ cầu thủ ngoại nhập tịch và ngoại binh, thường tận dụng 2 suất cầu thủ ở ASEAN có chất lượng tương đối nhỉnh hơn cầu thủ bản địa và có giá cả chuyển nhượng hợp lý, để duy trì sự cân bằng trong đội hình thi đấu. 

Tuy nhiên, nay họ bị giảm đi đáng kể với cơ hội này, vì chỉ còn 1 suất. Trong khi, các CLB mạnh hơn, nay còn mạnh hơn nữa vì có thể mang về những cầu thủ nhập tịch chất lượng cao hơn và còn được tính là nội binh, theo New Straits Times.

Các tin khác

Trại hè không cho học viên liên lạc với gia đình có vi phạm pháp luật hay không: Câu trả lời từ Luật sư - Cha mẹ cần lưu ý để bảo vệ con đúng đắn!

Cha mẹ đã hiểu sai rằng đồng ý với nội quy là phải tuân thủ và chấp hành đúng nên việc bị từ chối cho liên lạc với con cái từ phía trại hè có lẽ là không sai. Chính vì hiểu sai điều này nên cha mẹ đã tự hạn chế quyền và nghĩa vụ của mình đối với con cái.

Không quân Hải quân sẽ tham gia diễu binh trên biển

Tư lệnh Hải quân Trần Thanh Nghiêm yêu cầu Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ diễu binh trên biển, trong dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.