Đi làm vài năm, thu nhập cũng không phải quá thấp nhưng đến giờ này vẫn chẳng dư đồng nào. Đây là tình trạng chung của không ít người. Thế nên sau khi đọc tâm sự của cô gái 21 tuổi trong câu chuyện dưới đây, nhiều người phải trầm trồ, xong cũng tự thấy hổ thẹn…
Chưa tốt nghiệp đại học đã kiếm 10 triệu/tháng, có 100 triệu tiết kiệm
Trong bài tâm sự của mình, cô cho biết bản thân đang là sinh viên năm cuối ngành Du lịch. Hiện tại cô đang đi làm thêm cho 1 khách sạn với vị trí lễ tân, thu nhập hàng tháng được 10 triệu đồng.
“Mấy năm đi làm thêm, em cũng cố gắng tiết kiệm được 100 triệu. Em muốn dùng số tiền này một cách thông minh, có thể là đầu tư vào học một kỹ năng mới, khởi đầu một công việc/mô hình nhỏ, hoặc chia nhỏ để vừa học vừa đầu tư tài chính” - Cô viết.

Ảnh minh họa
Mong muốn là vậy nhưng bản thân cô cũng đang khá băn khoăn, chưa biết nên phân bổ 100 triệu ra sao hay dồn hết “vào 1 mối”. Cô mong nhận được lời khuyên và được lắng nghe góc nhìn của các anh chị đi trước.
Những lời khen, động viên xuất hiện không ngớt trong phần bình luận. Còn đang đi học mà đã biết tiết kiệm, rồi còn biết suy nghĩ cho từng đồng tiền mình kiếm được chứ không vung tay quá trán cho những thú vui ngắn hạn, rõ ràng là quá đáng nể.
“100 triệu không phải số tiền quá lớn nhưng 100 triệu tiết kiệm được ở tuổi 21 khi vẫn còn đang là sinh viên thì lại là chuyện khác. Tư duy thế này thì yên tâm tương lai sẽ rất khá. Còn hiện tại thì em nên phân bổ 100 triệu đó ra làm nhiều khoản, tỷ lệ thì tùy nhu cầu nhưng những khoản này là rất cấp thiết: Tiền dự phòng rủi ro, tiền đi học để phát triển bản thân, tiền mua sắm công cụ làm việc. Có 3 khoản này rồi còn lại bao nhiêu thì mới tính tới việc đầu tư nhé” - Một người khuyên nhủ.
“Trích ra 1 ít học đầu tư chứng khoán em ạ, thị trường này tiềm năng với những người có kiến thức nên bắt buộc phải học chứ đầu tư mò thì không ăn thua” - Một người góp ý.
“Giỏi nhỉ sinh viên mà đã tiết kiệm được 100 triệu, chả bù cho mình đi làm gần 3 năm rồi vẫn thua em nó” - Một người thú nhận.
Làm sao để tối ưu khoản tiền tiết kiệm được mỗi tháng?
Với những người đang để dành được một khoản nho nhỏ hàng tháng, như người dùng ẩn danh trong câu chuyện phía trên, việc phân bổ khoản tiền này vào các kênh khác nhau là việc quan trọng và vô cùng cần thiết. Ngân sách có thể nhiều, có thể ít nhưng vẫn phải đảm bảo không bỏ hết trứng vào 1 giỏ, thì mới tối ưu được.

Ảnh minh họa
1 - Xây dựng quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh, bảo vệ bạn khỏi những biến động bất ngờ của cuộc sống. Bạn có thể cân nhắc cất khoản tiền dự phòng này vào các gói tiết kiệm ngắn hạn - khoảng 1 -2 tháng để tối ưu tỷ suất sinh lời, mà vẫn đảm bảo được tính thanh khoản cao: Có thể rút ra bất cứ khi nào có việc đột xuất, phát sinh.
2 - Đầu tư sinh lời
Sau khi đã xây dựng được khoản quỹ dự phòng tương đương 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí cơ bản, bạn có thể cân nhắc phân bổ tiền vào các kênh đầu tư sinh lời an toàn như chứng khoán, chứng chỉ quỹ hoặc vàng.

Ảnh minh họa
Chứng khoán mang đến cơ hội tăng trưởng vốn hấp dẫn, nhưng đòi hỏi bạn phải có kiến thức và khả năng chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ là lựa chọn phù hợp cho những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Còn vàng thì quá rõ rồi, là kênh trú ẩn an toàn trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động.
3 - Đầu tư cho bản thân
Đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất và bền vững nhất. Đừng bao giờ tiếc tiền nâng cao kiến thức, kỹ năng và mở rộng mạng lưới quan hệ. Tham gia các khóa học chuyên môn, học ngoại ngữ, đọc sách, tham dự hội thảo, hoặc đơn giản là dành thời gian cho những hoạt động giúp bạn phát triển bản thân. Những khoản đầu tư này không chỉ giúp gia tăng thu nhập trong tương lai, mà còn mang lại các mối quan hệ chất lượng, sự tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống.