Trong quan niệm dân gian của Trung Quốc, câu tục ngữ "Bốn thứ để gần bếp, sớm muộn dễ gặp họa" được nhiều người biết đến. Câu nói này không chỉ chứa đựng trí tuệ của người xưa về môi trường sống mà còn có nhiều điểm rất phù hợp với các nguyên lý khoa học hiện đại. Vậy, bốn thứ nào không nên đặt gần bếp?

Câu tục ngữ "Bốn thứ để gần bếp, sớm muộn dễ gặp họa" không chỉ chứa đựng trí tuệ của người xưa về môi trường sống mà còn có nhiều điểm rất phù hợp với các nguyên lý khoa học hiện đại. (Ảnh: Sohu)
Bột mì
Thứ nhất, bột mì là vật cấm kỵ đặt gần bếp. Trong nhiều gia đình ở Trung Quốc, bột mì là nguyên liệu quan trọng. Tuy nhiên, bột mì có thể là thủ phạm gây ra các vụ nổ. Đó là khi các hạt bột mì mịn lơ lửng trong không khí đạt đến một nồng độ nhất định, nếu gặp lửa hoặc nguồn nhiệt cao, nó có thể gây ra vụ nổ dữ dội.

Người Trung Quốc xưa quan niệm bột mì là vật cấm kỵ đặt gần bếp. (Ảnh: Sohu)
Bởi thành phần chủ yếu của bột mì là tinh bột. Ngoài ra còn có protein, chất béo, muối vô cơ. Tinh bột do ba nguyên tố carbon, hydro, ôxy tạo thành. Trong đó carbon và hydro có thể cháy được. Tốc độ của các phản ứng hoá học liên quan đến kích thước của các hạt vật chất tham gia phản ứng. Hạt vật chất càng được nghiền mịn thì diện tích tổng bề mặt của chúng càng lớn và phản ứng hoá học càng mạnh.
Do đó, đặt bột mì gần bếp, đặc biệt là trong quá trình nấu nướng, rõ ràng làm tăng nguy cơ mất an toàn. Người xưa có thể không biết rõ nguyên lý hóa học nhưng bằng kinh nghiệm sống, họ đã nhận thấy mối nguy hiểm này nên mới có lời khuyên "bếp lửa không đặt bột mì".
Đũa, thìa, thớt gỗ
Gỗ là vật liệu dễ cháy. Đặt các sản phẩm bằng gỗ trên bếp gần nguồn lửa sẽ gây ra nguy cơ hỏa hoạn.
Cho dù là đũa gỗ, thìa gỗ hay thớt gỗ, chúng đều có thể dễ dàng bắt lửa khi tiếp xúc với ngọn lửa. Ngoài ra, bếp sẽ sinh ra nhiệt độ cao trong quá trình sử dụng. Ngay cả sau khi lửa đã tắt, nhiệt độ xung quanh bếp vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian ngắn. Khi các sản phẩm gỗ tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, độ ẩm bên trong sẽ dần bốc hơi, khiến gỗ khô và giòn. Gỗ khô dễ bắt lửa hơn và sẽ cháy nhanh hơn khi tiếp xúc với ngọn lửa hoặc ở gần điểm bắt lửa.

Đũa gỗ, thìa gỗ hay thớt gỗ, chúng đều có thể dễ dàng bắt lửa khi tiếp xúc với ngọn lửa. (Ảnh: Sohu)
Có thể có tia lửa bay hoặc than hồng chưa tắt xung quanh bếp. Nếu những nguồn lửa nhỏ này tiếp xúc với các sản phẩm gỗ ở gần, chúng có thể dễ dàng bắt lửa.
Ngoài ra, sản phẩm gỗ dễ bị biến dạng, sản sinh nấm mốc, vi khuẩn sau thời gian dài tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao, độ ẩm cao.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của chúng mà còn có thể làm nhiễm bẩn thực phẩm, gây ra các vấn đề về an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình, tránh đặt đũa, thìa hay thớt gỗ cạnh bếp, lựa chọn các loại tủ có khả năng chống cháy tốt để cất giữ đồ dùng nhà bếp và đảm bảo thông gió tốt.
Dầu ăn
Nhiều người để dầu ăn cạnh bếp vì tiện sử dụng nhưng ít ai biết dầu ăn rất "sợ" ánh sáng và nhiệt, dễ bị biến chất nếu để cạnh bếp. Ăn quá nhiều loại dầu bị biến chất này sẽ gây hại cho cơ thể.

Dầu dùng để nấu ăn phải được để trong tủ, khi không sử dụng cần cất lại vào tủ và không đặt nó gần bếp. (Ảnh: Sohu)
Điều đáng sợ hơn là các chai đựng dầu bằng nhựa sẽ giải phóng chất hóa dẻo khi bị tiếp xúc với nhiệt độ cao lâu ngày. Sử dụng loại dầu đó để nấu ăn cũng giống như ăn phải thuốc độc vậy.
Vì vậy, dầu dùng để nấu ăn phải được để trong tủ, khi không sử dụng cần cất lại vào tủ và không đặt nó gần bếp.
Rượu
Rượu là loại đồ uống có chứa chất cồn ethanol với những nồng độ khác nhau. Cồn là chất dễ cháy và dễ bắt lửa. Đặc biệt là trong bếp, tốt nhất là không nên đặt rượu, vì khi nồng độ cồn đạt tới 3% có thể gây cháy, nhiệt độ xung quanh bếp có thể làm tăng tốc độ bay hơi của rượu lên gấp 5 lần!
Ngoài ra, nhiều người có thói quen dùng cồn để vệ sinh bếp thì cần lưu ý không để cồn cạnh bếp để tránh cồn bốc hơi gây cháy nổ.

Đặc biệt là trong bếp, tốt nhất là không nên đặt rượu, vì khi nồng độ cồn đạt tới 3% có thể gây cháy. (Ảnh: Sohu)
Từ góc độ khoa học, "bốn thứ không đặt gần bếp" không phải là lời nói suông mà bắt nguồn từ sự quan sát và hiểu biết tỉ mỉ của người xưa về an toàn nhà ở. Đây không chỉ là tổng kết kinh nghiệm sống mà còn là sự kết hợp khéo léo giữa triết lý dân gian và chủ nghĩa thực dụng.
Dù xã hội hiện đại với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt đã giúp cho con người có lớp phòng tuyến bảo vệ. Việc phổ biến các sản phẩm công nghệ hiện đại như hệ thống nhà thông minh, thiết bị chữa cháy hiệu quả giúp bảo vệ an toàn nhà ở. Tuy nhiên, đằng sau mạng lưới an toàn tưởng như vững chắc này, nguyên tắc " bốn thứ không đặt gần bếp" không hề lỗi thời mà càng thể hiện giá trị bền vững theo thời gian. Chúng ta nên tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp này, đảm bảo an toàn và hạnh phúc cho gia đình.