Câu chuyện bắt đầu trong một buổi sáng tháng Ba, tại trụ sở của một công ty truyền thông chuyên về công nghệ số tại New York. Olivia Tran – nữ sinh năm cuối chuyên ngành Truyền thông số tại Đại học Columbia – có mặt ở sảnh lễ tân đúng 8 giờ sáng để bắt đầu buổi thử việc kéo dài một tuần. Với mái tóc buộc gọn, chiếc áo sơ mi trắng và đôi giày sneaker sạch sẽ, cô bạn mang theo một sự tự tin pha chút hồi hộp. Đây là cơ hội đầu tiên để cô chạm tay vào môi trường làm việc thực tế – nơi mà Olivia luôn tin rằng mình có thể tỏa sáng nếu tìm đúng cách để tạo dấu ấn.
Nhưng giữa một văn phòng có tới bảy thực tập sinh cùng được tuyển vào thử việc như nữ sinh, Olivia biết rằng mình không thể chỉ chờ vào may mắn. Cô bạn cần làm một điều gì đó khác biệt. "Họ không thể nhớ tên mình nếu mình chỉ làm như bao người khác" , Olivia tự nhủ khi bước vào phòng làm việc.
Buổi sáng hôm đó, nhóm thực tập sinh được giao một nhiệm vụ đơn giản: viết nháp một kịch bản ngắn cho chiến dịch quảng bá sản phẩm công nghệ mới của công ty, trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Mỗi người sẽ tự nộp bài qua hệ thống nội bộ, sau đó quản lý sẽ lọc ra một vài bản tốt để đưa vào vòng đánh giá tiếp theo.

Trong khi các bạn khác cắm cúi tra Google, lướt tìm các nội dung tham khảo và cố viết càng nhanh càng tốt, Olivia lại lặng lẽ mở máy tính, truy cập vào một chatbot AI mà cô bạn đã huấn luyện riêng trong suốt 3 tháng qua. Đây không chỉ là một ChatGPT thông thường, mà là một phiên bản nữ sinh đã "dạy" riêng để hiểu văn phong quảng cáo, từ vựng thị trường Gen Z, xu hướng truyền thông kỹ thuật số, và cả gu thẩm mỹ thiết kế thị giác.
Tuy nhiên, thay vì ngồi lặng lẽ sử dụng chatbot như một "vũ khí bí mật", Olivia cố tình để màn hình máy tính của mình hé mở một chút, đủ để ánh sáng từ giao diện chatbot – với dòng chữ "How can I help you today, Olivia?" – hiện rõ. Và như cô bạn mong đợi, đúng lúc đó, Giám đốc sáng tạo của công ty – bà Sandra Mitchell – tình cờ đi ngang qua.
Ánh mắt bà Mitchell khựng lại một chút khi lướt qua màn hình của Olivia. Bà dừng lại một giây, rồi đi tiếp, không nói gì. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, Olivia nhận được tin nhắn nội bộ: "Olivia, em có thể vào phòng tôi một chút không?".
Cả nhóm thực tập sinh đều ngơ ngác. Một vài ánh mắt liếc nhìn nữ sinh, còn Olivia thì chỉ mỉm cười nhẹ, bước theo lời mời như thể không có gì bất thường.
Bên trong văn phòng, Sandra Mitchell ngồi bắt chéo chân sau bàn làm việc, tay vẫn lướt nhẹ trên màn hình tablet. Bà chỉ vào ghế đối diện: "Tôi thấy em đang dùng AI phải không?".
Olivia gật đầu: "Vâng, em có huấn luyện một chatbot riêng để hỗ trợ công việc sáng tạo nội dung. Em nghĩ đó là công cụ giúp tăng hiệu suất và nâng chất lượng viết, nếu biết cách sử dụng đúng".
Bà Mitchell ngồi im một lát, rồi bật cười: "Tôi thích cách em không giấu điều đó. Hầu hết người trẻ đều đang dùng AI nhưng lại làm như thể mình tự nghĩ ra mọi thứ. Cách em dùng – và để người khác thấy – cho tôi thấy em không ngại thử nghiệm, và hiểu bản chất của công cụ mình dùng".
Ngay sau đó, bà Mitchell đưa ra một đề bài mở rộng: "Em có thể cho tôi xem chatbot đó hoạt động thế nào nếu tôi đưa cho em một yêu cầu sáng tạo ngay tại đây không?".
Trong vòng chưa đầy 10 phút, Olivia trình bày một đoạn nội dung cho chiến dịch "Tech for Humans" – với giọng điệu mang hơi hướng truyền cảm hứng, ngắn gọn, súc tích, đúng tone của thương hiệu. Quan trọng hơn cả, nữ sinh cho thấy mình không chỉ "nhờ chatbot viết hộ", mà còn biết chỉnh sửa, yêu cầu điều chỉnh, thêm insight, thêm cảm xúc – giống như đang làm việc với một cộng sự đắc lực.
Sandra Mitchell gật đầu. Bà cầm lấy một tờ giấy nhỏ, viết vội vài dòng và đưa cho Olivia: "Chiều nay tôi sẽ gửi cho em bản hợp đồng chính thức. Nếu em đồng ý, chúng tôi muốn em bắt đầu làm việc từ tuần tới – không cần chờ hết thời gian thử việc. À, và nhớ mang theo con chatbot AI của em nữa".

Chiều hôm đó, khi quay lại phòng làm việc, Olivia lặng lẽ ngồi vào chỗ, không nói gì về cuộc trò chuyện riêng. Nhưng trong ánh mắt của những người quản lý đi ngang qua cô bạn sau đó, có một sự khác biệt rõ rệt: họ nhìn cô bạn như một nhân tố mới – không còn là một trong số những thực tập sinh. Và chỉ vài ngày sau, tên cô chính thức xuất hiện trong danh sách nhân sự.
Tuy kết quả đến sớm và bất ngờ hơn Olivia từng nghĩ, nhưng điều khiến cô cảm thấy tự hào nhất không phải là việc được tuyển thẳng sau buổi thử việc đầu tiên – mà là việc nữ sinh đã dám tin vào lựa chọn của mình, và biết cách sử dụng công cụ phù hợp để thể hiện năng lực. Với Olivia, AI không phải là con đường tắt, càng không phải chiêu trò "làm màu" để gây ấn tượng. Đó là một cộng sự thầm lặng nhưng đắc lực – người bạn đồng hành giúp cô bạn làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, sáng tạo hơn, và tự tin hơn trong một môi trường luôn biến đổi.
Câu chuyện của Olivia cũng là lời nhắc nhở rõ ràng cho bất kỳ ai đang bước vào hoặc đã ở trong thị trường lao động: biết sử dụng AI không còn là một lợi thế nữa – đó là điều kiện tất yếu. Giống như việc biết dùng email hay trình bày slide từng là kỹ năng cơ bản của thế hệ trước, thì ngày nay, khả năng ứng dụng công cụ AI một cách thông minh, hiệu quả, và có trách nhiệm chính là thước đo mới cho năng lực làm việc. Trong một thế giới mà thời gian là tiền bạc và sự sáng tạo là vũ khí cạnh tranh, người biết cách cộng tác với AI sẽ luôn đi nhanh hơn, xa hơn và đôi khi, được mời vào phòng riêng sớm hơn người khác.
Tổng hợp