Video và xấp báo mà Nhà Trắng chuẩn bị trước nhằm đạt được hiệu quả tối đa khi Tổng thống Trump hội đàm với Tổng thống Ramaphosa gợi nhớ đến cuộc cãi vã kịch tính với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky hồi tháng 2.
Các nhà quan sát cho rằng cuộc tiếp khách lần này cho thấy ông Trump sẵn sàng dùng Phòng Bầu dục - theo truyền thống là nơi thể hiện sự coi trọng các nguyên thủ, để làm xấu mặt lãnh đạo của những quốc gia yếu thế hơn, hoặc gây sức ép với họ về những vấn đề mà ông đang muốn giải quyết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng, ngày 22/5. (Ảnh: Reuters)
Việc ông Trump đối đãi như vậy có thể khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện chuyến thăm Mỹ, để tránh rơi vào tình thế mất mặt.
Ông Patrick Gaspard, cựu đại sứ Mỹ tại Nam Phi dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng ông Trump đã biến cuộc gặp với ông Ramaphosa thành "cảnh tượng đáng xấu hổ" và "tấn công ông ấy bằng video giả mạo và lời lẽ bạo lực".
"Việc tham gia theo các điều khoản của ông Trump không bao giờ có lợi cho bất kỳ ai", ông Gaspard, người hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ tại Washington, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
Cuộc gặp gỡ tại Phòng Bầu dục được coi là cơ hội để thiết lập lại mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nam Phi, sau khi ông Trump áp thuế cao hơn và cáo buộc Nam Phi "diệt chủng người da trắng".
Sau màn chào hỏi bình thường, ông Trump yêu cầu tắt đèn và chiếu video, đưa ra các bài báo in và khẳng định đó là bằng chứng cho thấy người da trắng Nam Phi đang bị đàn áp.
Tổng thống Ramaphosa rõ ràng đã chuẩn bị để phản bác những cáo buộc của ông Trump, nhưng không ngờ sẽ phải xem những hình ảnh như vậy. Nhà lãnh đạo này tỏ ra bình tĩnh, không phản bác hay chỉ trích ông chủ Nhà Trắng.
"Tôi xin lỗi vì tôi không có máy bay để tặng ông", ông Ramaphosa vừa đùa vừa cười, ý nói đến chiếc máy bay hạng sang mà Qatar đề nghị tặng nhà lãnh đạo Mỹ làm chuyên cơ.
Người phát ngôn tổng thống Nam Phi Vincent Magwenya nói với đài truyền hình Newzroom Afrika : "Bạn có thể thấy Tổng thống Ramaphosa đang bị khiêu khích. Bạn có thể thấy ông ấy bị kéo mắt, và ông ấy đã không mắc bẫy".
Nhà Trắng chưa phản hồi đề nghị cho biết có phải cuộc gặp được sắp xếp để đưa ông Ramaphosa vào thế khó hay không và liệu điều đó có thể ngăn cản các nhà lãnh đạo nước ngoài khác đến Mỹ hay không.
Ông Cameron Hudson, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, cho rằng dù cuộc gặp giống như “trò hề", nhưng không biến thành màn cãi vã hay thịnh nộ, nên đã không đi quá xa.
Vô tình hay cố ý?
Khi đến Mỹ hồi tháng 2, ông Zelensky cũng cố gắng hàn gắn rạn nứt trong quan hệ giữa hai bên và thuyết phục Mỹ tiếp tục viện trợ. Cuộc gặp nhanh chóng đi chệch hướng khi ông Trump cáo buộc ông Zelensky thiếu tôn trọng và cảnh báo nguy cơ xảy ra Thế chiến 3. Phó Tổng thống JD Vance cho rằng nhà lãnh đạo Ukraine đã không thể hiện đủ sự biết ơn với sự hỗ trợ của Mỹ.
Màn cãi vã đã gây chấn động khắp liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Tổng thống Nam Phi gặp ít rủi ro hơn, khi Nam Phi là một nước lớn ở khu vực và có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
Những sắp xếp ở Nhà Trắng dường như được thiết kế để chiều lòng một bộ phận cử tri ủng hộ Tổng thống Trump, những người từ lâu đã cho rằng có tình trạng "diệt chủng người da trắng" ở Nam Phi.
Tỷ phú Elon Musk - người gốc Nam Phi và là cố vấn hàng đầu của ông Trump, cũng có mặt khi nhà lãnh đạo Mỹ đón Tổng thống Ramaphosa. Trước đó, tỷ phú này nói rằng người Nam Phi da trắng đang chạy trốn khỏi đất nước do "bạo lực và luật phân biệt chủng tộc".
Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Ramaphosa, ông Trump có vẻ không mấy quan tâm đến câu trả lời. Ông muốn nghe các golfer da trắng người Nam Phi có mặt tại sự kiện hơn là Tổng thống Ramaphosa, người đã nhẹ nhàng sửa lại những cáo buộc của ông chủ Nhà Trắng.
Ông Trump cau mày khi một phụ nữ da đen – phụ tá của Tổng thống Ramaphosa - cố gắng giải thích về tình hình tội phạm ở Nam Phi. Những lời nói và biểu cảm đó khiến một số người cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ chỉ đề cao người da trắng.
"Nếu bất kỳ ai nghi ngờ vụ cãi vã với ông Zelensky không hoàn toàn do Nhà Trắng dàn dựng, tôi nghĩ họ hiểu sai vấn đề", nhà bình luận về các vấn đề đối ngoại người Anh Tim Marshall nói với Times Radio ở London.