Có cả tỷ đồng cũng không dám mơ đến mua nhà
Thanh Hương (32 tuổi, nhân viên kế toán tại TP.HCM) chia sẻ vợ chồng cô có gần 1,2 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm. Mỗi tháng thu nhập của cả hai gần 45 triệu đồng - đây không phải con số thấp. Nhưng họ vẫn chọn thuê trọ hơn 6 năm nay, chưa từng bước chân vào sàn giao dịch bất động sản này.
“Mình sợ nhất ba chữ ‘vay ngân hàng’. Mình từng chứng kiến chị họ suốt ngày ôm bảng excel tính toán lãi suất, đến mức không dám ăn một bữa nhà hàng vì ‘sắp tới đóng gốc’, không dám sinh thêm con vì ‘nợ còn đó’. Có tiền nhưng không tự do, lúc nào cũng sống trong trạng thái ‘bị đuổi kịp.
Thêm nữa, giá nhà ở TP.HCM này chẳng bao giờ dễ chịu. Mỗi lần nghĩ đến việc vay thêm 2-3 tỷ rồi còng lưng trả nợ 20 năm, mình lại rùng mình. Mình thà ở thuê – một nơi nhỏ nhưng đủ ấm áp, còn hơn biến cuộc sống vợ chồng thành cuộc đua trả nợ mỗi ngày”, Thanh Hương nói.

Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Hoàng Trung (35 tuổi, chuyên viên IT tại TP. Thủ Đức) cũng có khoản tiết kiệm khoảng 1 tỷ sau gần 10 năm đi làm. “Có người nói ‘tiền đó không mua nhà thì để làm gì?’. Nhưng mình nghĩ ngược lại: Nếu mua nhà rồi phải vay thêm vài tỷ, tức là 20 năm sau mình mới thực sự ‘sở hữu’ nó, còn bây giờ nó thuộc về ngân hàng. Vợ chồng mình từng tính mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở quận 9 với giá niêm yết 3 tỷ, chưa tính phí bảo trì, thuế má, nội thất... Lúc đó, mình nhẩm sơ, nếu vay 2 tỷ trong 20 năm, mỗi tháng trả khoảng 15 triệu - bằng gần nửa thu nhập của cả hai. Chưa kể, con cái lớn lên cần tiền học, chi tiêu sinh hoạt tăng dần.
Mình là dân kỹ thuật, làm gì cũng tính rủi ro. Một biến cố thôi - mất việc, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế là dễ ‘ôm bom’ lắm. Cái giá cho một căn nhà không chỉ là tiền, mà là cả tự do, cả cuộc đời mình bị đặt cược. Mình không muốn điều đó”, Trung nói.
Trong khi đó, Minh Ánh (29 tuổi, làm nội dung tự do) cũng đang chọn thuê căn phòng 6 triệu/tháng dù đang có tài khoản tiết kiệm 1,5 tỷ đồng.
Ngọc Ánh chia sẻ: “Chồng mình từng là dân tài chính, rất kỹ tính. Anh ấy bảo: ‘Em có biết lãi vay 2 tỷ trong 25 năm là bao nhiêu không? Gần gấp đôi số vay ban đầu. Vậy khác gì mình mua nhà với giá 4 tỷ rưỡi?’ Hồi trước cứ nghĩ mình chịu khó làm, rồi trả từ từ, ai ngờ con số khủng khiếp như thế. Mình không muốn sống cảnh mỗi sáng mở mắt ra là nghĩ ‘tháng này phải đóng lãi’, mỗi chuyến đi chơi đều canh chừng, vì có mua gì cũng ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ. Mình sinh ra đâu phải để làm ‘cỗ máy trả lãi’. Vậy nên, vợ chồng mình quyết giữ quan điểm: Chưa sẵn sàng tài chính thì không mua nhà.”
Không mua nhà thì dùng tiền tiết kiệm làm gì?
Vợ chồng Thanh Hương cho rằng, tài sản thật sự không nằm ở một căn hộ cụ thể mà ở năng lực kiếm tiền, sự bình an trong tinh thần và khả năng thích ứng với cuộc sống.
“Nếu mua nhà, vợ chồng mình sẽ phải trả nợ gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, nhà trọ chỉ 6 triệu/tháng, rộng rãi, sạch sẽ, chủ nhà dễ chịu. Số tiền chênh lệch chúng mình đem gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu hoặc bỏ vào quỹ phòng khi ốm đau, thất nghiệp. Mỗi năm, chúng mình vẫn đi du lịch 1–2 lần, ăn uống, sinh hoạt không quá gò bó. Mình nghĩ sống như vậy mới là tận hưởng tuổi trẻ. Chúng mình không muốn vắt kiệt mình chỉ để đổi lấy một căn nhà chưa chắc đã mang lại hạnh phúc”, Thanh Hương nói.

Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, Hoàng Trung dự định dùng quỹ tiết kiệm để thử sức kinh doanh nhỏ, hoặc học thêm kỹ năng mới. Vợ anh chàng cũng mới nghỉ việc công ty để theo đuổi công việc freelancer mà cô nàng yêu thích từ lâu.
“Dòng tiền không bị trói trong khoản vay cố định giúp chúng mình có tự do lựa chọn - điều mà nhiều người đi vay mua nhà không có. Mình không phủ nhận sở hữu nhà là một bước tiến về tài sản, nhưng phải là khi mình thực sự sẵn sàng. Còn hiện tại, mình chọn sống nhẹ nhàng, ít nợ, nhiều lựa chọn”, anh chàng tâm sự.
Còn về phía Minh Ánh, vợ chồng cô đặt nguyên tắc nếu không có 60-70% giá trị bất động sản thì chưa tính đến chuyện mua nhà.
“Hiện tại, chồng mình quản lý một danh mục cổ phiếu nhỏ, mình thì nhận viết bài, làm nội dung. Cả hai đều làm việc online, nên không cần quá bận tâm đến chuyện ở đâu - miễn là môi trường sống dễ chịu. Chúng mình dành một phần thu nhập đầu tư vào bản thân, học ngoại ngữ, mua khóa học chất lượng. Cái đó có thể mang lại giá trị lâu dài hơn một căn hộ ngập trong áp lực trả nợ”, Minh Ánh bộc bạch.