Công nghệ

Công an cảnh báo những ứng dụng có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng và chuyển tiền trái phép, người dân tuyệt đối không được cài đặt

Tóm tắt:
  • Các ứng dụng giả mạo có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị và đánh cắp dữ liệu từ xa.
  • Lừa đảo lợi dụng công nghệ gia tăng, mạo danh cơ quan chức năng để chiếm đoạt tài sản.
  • Kẻ lừa đảo hướng dẫn truy cập website giả và cài đặt ứng dụng độc hại.
  • Thiết bị bị chiếm quyền cho phép truy cập vào tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch trái phép.
  • Người dân cần không cài phần mềm từ liên kết lạ và báo cáo dấu hiệu lừa đảo cho cơ quan Công an.

Theo Công an tỉnh Đà Nẵng, gần đây, các hoạt động lừa đảo lợi dụng sự phát triển của công nghệ và tính phổ cập của các dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản của người dùng ngày càng gia tăng.

Trong đó, kẻ lừa đảo thường sử dụng thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng để hướng dẫn, yêu cầu người dùng truy cập các website, tải và cài đặt các ứng dụng giả mạo dịch vụ công của Chính phủ (như Bộ Công an, VNeID, Tổng cục Thuế...) lên thiết bị điện tử thông minh.

Kịch bản lừa đảo mà các nhóm đối tượng thường sử dụng bao gồm: mạo danh cán bộ, viên chức nhà nước để yêu cầu người dùng “hợp tác” phục vụ công việc; hướng dẫn truy cập các website, tải và cài đặt ứng dụng giả mạo; ứng dụng này sau đó kết nối và nhận lệnh từ máy chủ của nhóm tấn công. Nhóm này có thể theo dõi, chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp dữ liệu từ xa trên thiết bị người dùng và từ đó dễ dàng chiếm đoạt tài sản; khi truy cập các trang web giả mạo, người dùng bị dụ cài đặt ứng dụng chứa mã độc.

Ứng dụng này cho phép đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị của người dùng (màn hình bị tối đen, không thể thao tác hoặc tắt nguồn). Sau khi chiếm quyền sử dụng thiết bị, đối tượng có thể truy cập vào các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử và thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt. 

Mới đây, ngày 04/5/2025, Công an phường An Khê (TP. Đà Nẵng) đã tiếp nhận trình báo của chị Trần Thị Thúy (SN 1992) về việc bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng. Thủ đoạn của chúng như sau: Đối tượng giả danh cán bộ nhà nước, gọi điện yêu cầu chị Thúy cài phần mềm có tên “Cổng dịch vụ công quốc gia” để “xác thực thông tin”. Sau khi cài đặt, phần mềm này chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đó lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng và thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép.

Để tránh sập bẫy các chiêu trò lừa đảo này, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Đà Nẵng khuyến cáo người dân:

- Tuyệt đối không tải hoặc cài đặt phần mềm từ các đường link lạ gửi qua điện thoại.

- Không cung cấp mã OTP, mật khẩu, hoặc thông tin cá nhân cho bất kỳ ai tự xưng là công an, tòa án, ngân hàng…

- Đặc biệt, không tin vào các cuộc gọi yêu cầu xác minh tài khoản, phong tỏa tiền hoặc điều tra rửa tiền.

Trường hợp nhận được các tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để được hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Các tin khác

Sao phim Sex Education bị chế giễu kém duyên

Nữ diễn viên Aimee Lou Wood, người ghi dấu ấn đậm nét với hai bộ phim truyền hình gây sốt Sex Education và The White Lotus (mùa 3), đã trở thành đối tượng bị châm biếm.

"Ông trùm" hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn: "Đầu óc người Việt không thua kém ai, chỉ là các bạn chưa sử dụng"

Chia sẻ tại buổi giao lưu với sinh viên Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 7/5, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) – nhấn mạnh đầu óc người Việt không thua kém ai, nhưng để phát huy được, các sinh viên cần phải ưu tiên việc học.