Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang điều tra vụ án Lừa dối khách hàng và Sản xuất hàng giả là thực phẩm liên quan việc bán sản phẩm bổ sung Kera Super Greens Gummies (kẹo rau củ Kera). Đây được xác định là hàng giả, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER) công bố, đưa ra thị trường vào cuối năm 2024, đã bán ít nhất hơn 135.300 hộp.
Trong 5 bị can của vụ án có hai tên tuổi nổi tiếng trên mạng xã hội là Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT CER) và Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT), bị cáo buộc Lừa dối khách hàng.
Để phục vụ điều tra, C01 đề nghị các cá nhân, tổ chức đã mua hàng cung cấp thông tin để phối hợp giải quyết, gồm: họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số căn cước; thời gian mua hàng, số lượng, giá trị; phương thức mua, cách thanh toán (tiền mặt hay chuyển khoản)...
Đặc biệt, C01 đề nghị cung cấp các thông tin quan trọng khác như cơ sở, căn cứ, lý do mua kẹo Kera. Chẳng hạn, do tin tưởng việc giới thiệu, quảng bá, công bố về sản phẩm từ công ty hoặc từ KOLs...
Ngoài ra, người mua hàng cần cho biết đã sử dụng sản phẩm chưa, nếu chưa thì nộp lại cơ quan điều tra. C01 cũng muốn ghi nhận người mua hàng có đề nghị gì với cơ quan điều tra hay không. Thông tin liên hệ với Phòng 3 - C01 Bộ Công an, 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cảnh sát khi khám xét thu 24.000 hộp kẹo Kera đang lưu giữ tại kho. Ảnh: Bộ Công an
Viện dẫn điều 62 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư Trần Ngọc Thạch, Công ty Luật TNHH Navico, cho rằng tại vụ án này bị hại được xác định là cá nhân, tổ chức đã mua, sử dụng kẹo Kera do tin tưởng vào chất lượng, công dụng sai lệch của sản phẩm do Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo.
Bị hại được bảo vệ quyền lợi trong thời gian mua kẹo từ 12/12/2024 đến 19/3/2025. Bởi theo thống kê, giai đoạn này CER đã bán ra thị trường 135.325 hộp, bị công an xác định "gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng".
Luật sư khuyên người nào đã mua kẹo Kera cần dừng ngay việc sử dụng sản phẩm và bảo quản phần còn lại (gồm cả bao bì, hóa đơn mua hàng)... để xuất trình công an khi cần thiết. Ai đang có dấu hiệu gặp vấn đề về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất kiểm tra và cho ra những đánh giá tác động từ việc dùng kẹo. Khi đi khám cần trình bày rõ việc đã sử dụng sản phẩm gì, lúc nào và lưu lại các chẩn đoán của bác sĩ.
Những người nghi bị thiệt hại nặng do hành vi lừa dối khách hàng của các bị can gây ra nên tìm đến hỗ trợ pháp lý để được bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp trong trường hợp cần thiết.
Kẹo Kera do Công ty Cổ phần ASIA LIFE tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, sản xuất theo đặt hàng của CER. Trước khi bị bắt, Lê Tuấn Linh (Giám đốc, đại diện pháp luật của CER) từng cam kết nguyên liệu được thu mua từ các vùng ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Bình Thuận, "đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng".
Các sản phẩm này được lan truyền trên truyền thông, mạng xã hội với thông tin gây hiểu lầm, ví dụ "một viên thay thế một đĩa rau xanh". Một người dùng đã mang kẹo này đi kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, kết quả cho thấy cả hộp 30 viên nhưng lượng chất xơ chỉ 0,51 gram, kém xa so với quảng cáo.

Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an
Trong kết quả kiểm nghiệm ban đầu công bố ngày 20/3, đại diện Cục An toàn Thực phẩm ghi nhận việc quảng cáo thổi phồng "một viên kẹo tương đương một đĩa rau" khiến dư luận phản ứng. Cơ quan này cho biết kết quả kiểm nghiệm kẹo Kera có chỉ tiêu đường, đạm, chất béo và năng lượng "cơ bản phù hợp với công bố", song chưa nói rõ hàm lượng chất xơ.
Vào cuộc điều tra, C01 xác định việc sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.