Sức khỏe - Đời sống

“Công ty đang trên bờ vực phá sản”: Chủ dịch vụ "cho thuê" đôi tai 300.000 đồng/giờ ở Hà Nội thú nhận

"Có ai đó chịu lắng nghe là đã giải toả được 50 - 60% áp lực"

Bị nhóm bạn thân từ bé làm tổn thương và gây tổn hại danh dự, Minh Thảo (tên nhân vật đã thay đổi, sinh năm 1997) sốc vô cùng. Đúng thời điểm đó, công việc gặp trục trặc nên cô gái 28 tuổi càng bức bối không biết giãi bày với ai vì không còn tin tưởng vào bạn bè, không thể nói với bố mẹ hay người thân vì sợ họ lo lắng. 

Tình cờ nhìn thấy Need a Friend - một dự án cung cấp dịch vụ lắng nghe, Thảo mạnh dạn tìm đến để trút nỗi niềm: “Mình chọn nói chuyện với người lạ vì họ lắng nghe, đồng cảm, không phán xét, và giữ bí mật.”.

Nói về trải nghiệm và hiệu quả khi được lắng nghe, Minh Thảo cho biết: “Ngay tại thời điểm được lắng nghe, mình đã được giải toả 50 - 60% áp lực trong lòng. Còn lại thì vẫn phải tự lực cánh sinh, tự vượt qua thôi. Vì mình hiểu rằng cuộc đời mỗi người đều sẽ phải trải qua những biến cố như vậy để vững vàng hơn. 

Người lắng nghe gợi ý cho mình thử làm gì đó mới như học cắm hoa, vẽ tranh, đi bơi,... mình đã làm theo và cảm thấy ổn hơn. Mình cũng nghiệm ra được nhiều cái, không quá cố chấp với những mối quan hệ xung quanh nữa, nếu đã thấy nó không bền thì nên buông bỏ. Thật ra không quan trọng là bạn ấy có chuyên môn cao hay có bằng cấp gì, mình chỉ biết bạn đồng cảm sâu sắc và khiến mình thoải mái chia sẻ”. 

Thời điểm Thảo dùng dịch vụ lắng nghe là trong giai đoạn thử nghiệm nên miễn phí, nhưng trong tương lai, khi có nhu cầu thì cô vẫn sẵn sàng trả phí vì thấy xứng đáng.

(Ảnh minh hoạ)

Mai Trang (tên nhân vật đã thay đổi, sinh năm 2001) bị sa thải cách đây vài tháng. Từng nhảy việc nhiều lần nên cô thấy áp lực, không dám kể với gia đình hay bạn bè vì sợ bị đánh giá. Trang cũng không chọn AI để tâm sự - cách thức mà nhiều người trẻ sử dụng vì: “Mình cần một người biết lắng nghe, có cảm xúc, có thể đồng cảm với câu chuyện của mình còn AI thì hơi cứng nhắc và sáo rỗng nên thấy không phù hợp”.

Cũng trong thời điểm này, Mai Trang biết tới Đức Anh - founder Need a Friend và dịch vụ lắng nghe. Khi được mời trải nghiệm thử dịch vụ, cô nhanh chóng đồng ý. Sau cuộc nói chuyện với Đức Anh, Trang cảm thấy được trải lòng, nhẹ nhõm hơn và thậm chí là có thêm một người bạn mới.

Bày tỏ quan điểm về chuyện người trẻ ngày càng có nhu cầu được lắng nghe, Mai Trang nói: “Mình nghĩ là do người trẻ sợ bị đánh giá, bị soi mói. Mình không dám nói chuyện lại thất nghiệp vì sợ bị chê trách. Với gia đình thì thường có khoảng cách nhất định giữa thế hệ, nhất là góc nhìn và cách dạy dỗ, trao đổi nên người trẻ như tụi mình ít cơ không gian để chia sẻ thật lòng, dẫn đến nhu cầu tìm người lắng nghe khách quan”.

Phí dịch vụ 300.000 đồng/giờ vẫn đang gồng lỗ, đang bên bờ vực phá sản

Minh Thảo và Mai Trang là 2 khách hàng của Need a Friend - một dự án cung cấp dịch vụ lắng nghe đang được cư dân mạng chú ý gần đây. Người sáng lập của dự án này là Vũ Đức Anh, sinh năm 1997, đến từ Phú Thọ. 

Vũ Đức Anh

Sau thời gian học tập và sinh sống ở một số nước khác nhau như Anh, Singapore và Malaysia, Đức Anh về Hà Nội và khởi nghiệp với dịch vụ lắng nghe. Công ty Need a Friend thành lập tháng 3/2025, dù viral trên mạng xã hội vào tháng 6 nhưng lượng khách chỉ tăng nhẹ, khoảng 2%.

Nói về ý tưởng khởi nghiệp với dịch vụ lắng nghe, Đức Anh cho biết: “Đầu tiên là nhu cầu cá nhân của mình, thiếu một ai đó lắng nghe mình thực sự. Sau đó chứng kiến bạn bè, người thân xung quanh cũng có nhu cầu tương tự nên mình quyết định biến nó thành một dịch vụ thực sự. Nhìn rộng ra, nhu cầu lắng nghe và được hiểu là một điều rất con người, rất phổ biến trong xã hội hiện đại”.

Ngay từ đầu, Đức Anh xác định rõ ràng về phạm vi hoạt động của Need a Friend: không thực hiện khám, chữa bệnh, trị liệu tinh thần hay chẩn đoán bất kỳ vấn đề tâm lý nào. Thay vào đó, dịch vụ chỉ đơn thuần là lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và trò chuyện như một hình thức giải trí cảm xúc, giúp người dùng cảm thấy nhẹ lòng, bớt cô đơn, có người bên cạnh.

Hiện tại, phí dịch vụ là 300.000 đồng/giờ (đã bao gồm VAT), có thể thay đổi tùy nhu cầu và hình thức gặp gỡ.

Việc được chú ý trên MXH cũng khiến Đức Anh và dịch vụ của mình nhận về những ý kiến trái chiều.

Về việc bị chê “giá hơi ‘chát’”, Đức Anh cho hay: “Thực tế là mình đang gồng lỗ và công ty có thể dừng hoạt động vào cuối năm 2025. Dẫu vậy mình vẫn nỗ lực để tăng chất lượng dịch vụ mà vẫn giữ nguyên giá để đảm bảo mỗi khách hàng được chăm sóc tốt nhất”. 

“Lắng nghe là một kỹ năng, không phải bản năng. Nhưng để làm nghề lắng nghe đòi hỏi sự rèn luyện, khả năng tự kiểm soát cảm xúc, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng nhất là sự tôn trọng tuyệt đối với câu chuyện của người khác” - Đức Anh phản hồi những bình luận cho rằng ai cũng có thể làm được nghề lắng nghe.

Với sự “đe dọa” từ AI, anh chàng chia sẻ: “AI rất giỏi về mặt kỹ thuật nhưng không thể thay thế sự đồng cảm thật từ một con người. Nhiều khách hàng của mình cho biết họ cũng từng thử trò chuyện với AI và thấy nó “trôi tuột”, thiếu hơi ấm. Bản thân mình cũng đã test thử AI, tâm sự với nó và nhận thấy AI không thể thay thế được ánh mắt, nét mặt, sự im lặng đúng lúc hay cảm xúc thật của con người”.

Dịch vụ lắng nghe đã viral trên MXH và có nhiều người quan tâm nhưng cũng có những sự dè dặt

Chủ dịch vụ đối mặt với những tình huống lúng túng

Từ quan sát của bản thân, Đức Anh cho biết khách hàng thường tìm đến mình để chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống mà không thể nói với ai khác. Câu chuyện có thể là áp lực gia đình, công việc, học tập; những khúc mắc trong các mối quan hệ hoặc vấn đề cá nhân khó nói;... Điểm chung là họ đều cần một nơi an toàn, không phán xét.

“Phần lớn mọi người đều từng chia sẻ với người thân, bạn bè, nhưng phản ứng nhận lại thường là lời khuyên vội vàng hoặc sự thờ ơ. Dịch vụ của Need a Friend xuất hiện như một nơi trung lập, để lắng nghe thật sự, không xen lẫn định kiến cá nhân” - Đức Anh nói thêm.

Để giữ được điều này, lắng nghe không phải để “sửa” người khác, mà để họ tự hiểu chính mình là điều mà anh chàng tự nhắc mình trong mọi cuộc trò chuyện. Đức Anh cũng luôn tuân thủ nguyên tắc như không áp đặt quan điểm cá nhân, không đưa ra kết luận đúng sai, mọi phản hồi đều nhằm gợi mở chứ không định hướng. 

Dẫu vậy, cũng có những lúc Đức Anh bị ảnh hưởng không tích cực từ câu chuyện của khách hàng và nỗi buồn của họ: “Có lúc mình đã lúng túng khi khách hàng chia sẻ một số điều mang tính nguy hiểm như tự hại. Nhưng trong trường hợp nhạy cảm như vậy, mình không ở lại một mình với khách quá lâu, luôn khuyến khích họ tìm đến các dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp, bệnh viện hoặc liên hệ người thân ngay lập tức. Trách nhiệm của mình là lắng nghe và cảnh báo đúng lúc chứ không xử lý thay vấn đề của họ”

Sự mới mẻ của nghề lắng nghe khiến nhiều người hứng thú nhưng ngược lại, có những khó khăn nhất định

Một cái khó khác với nghề này là sự mới mẻ. Chính vì quá mới nên có ý kiến lo ngại rằng chưa có mô hình đào tạo, chưa có quy chuẩn nghề nghiệp,... dẫn đến nguy cơ người làm nghề có thể phản ứng không phù hợp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đức Anh cho biết Need a Friend đặt ra quy định rõ ràng về bảo mật, không tư vấn tâm lý và có quy trình xử lý tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn và chuyên nghiệp.

Hiện tại, đã có khách hàng quay lại và cảm thấy tích cực hơn sau khi sử dụng dịch vụ. Dù xác định dịch vụ lắng nghe không có mục tiêu “chữa lành” nhưng Đức Anh cho rằng việc được nói ra thường xuyên giúp khách hàng hiểu bản thân.

“Xã hội càng hiện đại, càng có nhiều công cụ để giao tiếp nhưng con người càng thiếu không gian cảm xúc, ít nơi để kết nối thật sự. Dịch vụ như Need a Friend chỉ đơn giản lấp một khoảng trống đó, để mỗi người cảm thấy ít cô đơn hơn, dù chỉ một giờ đồng hồ” - Đức Anh nói.

Pháp nhân của Need a friend là Công ty TNHH MTV Cần Một Người Bạn. Theo Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, công ty Cần Một Người Bạn được thành lập vào ngày 31/3/2025. Đại diện theo pháp luật là cá nhân Vũ Đức Anh, sinh năm 1997. 

Doanh nghiệp được đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Hoạt động vui chơi giải trí khác chưa được phân vào đâu. Ngoài ra công ty đăng ký thêm một số ngành nghề kinh doanh khác như Hoạt động tư vấn quản lý; Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; Quảng cáo; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nhân văn;...

Ảnh: NVCC

Các tin khác

Dấu ấn thế hệ kiên cường: Hơn một nửa tân khoa khóa 2 VinUni được nhận làm việc tại các tập đoàn toàn cầu

Trong số gần 150 tân khoa khóa 2 của Trường Đại học VinUni, có tới 55% sinh viên được tuyển dụng trước lễ tốt nghiệp bởi các tập đoàn danh tiếng như Google, Qualcomm, Boston Consulting Group, Unilever, P&G, VinRobotics… 26% sinh viên trúng tuyển chương trình sau đại học tại các trường hàng đầu thế giới, trong đó gần một nửa thuộc nhóm đại học Top 20 toàn cầu.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay 3.7, giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm so với giá điều hành ngày 1.7.

Ô tô điện chở khách Hà Nội ra sao sau "lệnh cấm" từ ngày 1/7?

Được gia hạn đến 1/7 để các sở, ngành TP Hà Nội bổ sung các điều kiện, tuy nhiên, thời điểm này đã qua, ô tô điện chở khách trong phố cổ và Hồ Hoàn Kiếm vẫn đang hoạt động thiếu quy định, sẽ bị CSGT xử phạt, dừng chạy nếu bị phát hiện.

Khi thị trường biến động - cơ hội để BSR tăng tốc

Thị trường dầu mỏ thế giới nửa đầu năm 2025 tiếp tục biến động do căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Iran và Israel khiến nguồn cung bị gián đoạn, chuỗi cung ứng rối loạn và giá dầu Brent biến động mạnh theo chu kỳ ngắn. Tại Việt Nam, các nhà máy lọc dầu, trong đó có Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất do Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vận hành, chịu sức ép kép từ thị trường nhập khẩu giá rẻ và sự bất ổn giá nhiên liệu.