Sức khỏe - Đời sống

Cư dân Sa Huỳnh "buôn" vàng Lai Nghi

Mộ giàu mộ nghèo ở Lai Nghi

Bộ trang sức vàng Lai Nghi, thuộc văn hóa Sa Huỳnh, đã được các nhà khảo cổ học VN và Đức tìm thấy trong cuộc khai quật hợp tác năm 2002 - 2004. Bộ trang sức gồm 108 hiện vật, trong đó có 4 khuyên tai và 104 hạt chuỗi đều bằng vàng.

Cư dân Sa Huỳnh 'buôn' vàng Lai Nghi- Ảnh 1.

Những hạt chuỗi vàng tinh xảo được chế tạo tại chỗ

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

Cuộc khai quật Lai Nghi 2002 - 2004 cũng mang đến nhiều "kỷ lục". Đầu tiên, theo ông Nguyễn Chiều (Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội), các khuyên tai vàng ở Lai Nghi có thể xem như là những khuyên tai vàng đầu tiên được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh. Thứ hai, TS Andreas Reinecke (trưởng đoàn chuyên gia Đức) cho biết Lai Nghi là di chỉ có số lượng hạt chuỗi bằng vàng phát hiện được nhiều nhất trong các di tích Sa Huỳnh tại VN.

Cũng phải nói thêm, qua 3 đợt khai quật của Trường ĐH KHXH-NV, tổng số lượng trang sức chôn theo trong các mộ táng ở Lai Nghi rất lớn và phong phú. Trong đó có khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, chiếc khuyên tai bằng vàng, hạt chuỗi bằng vàng và thủy tinh dát vàng, cả vạn hạt cườm tấm bằng thủy tinh. Thậm chí, có thể nói chưa có một di tích nào trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh có số lượng đồ trang sức nhiều như khu mộ chum Lai Nghi.

Một nghiên cứu được Bảo tàng Lịch sử quốc gia công bố cho thấy các ngôi mộ Lai Nghi cùng với trang sức được chôn theo cho thấy sự phân hóa rõ rệt về giàu nghèo. Theo đó, loại mộ nghèo hầu như không có đồ tùy táng kim loại hay đá, thủy tinh, chỉ có mảnh gốm. Mộ vừa có đồ tùy táng kim loại và trang sức đá, thủy tinh. Những mộ có hiện vật vàng được cho là mộ của người rất giàu, mộ có đồ tùy táng kim loại và trang sức đá hay thủy tinh được cho là mộ giàu. Như vậy bảo vật quốc gia trang sức vàng ở Lai Nghi đều tìm thấy ở loại mộ được đánh giá là rất giàu.

Cũng theo nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khu mộ Lai Nghi là khu mộ của một cộng đồng cư dân giàu có, của cải tích lũy được có lẽ phần nhiều do buôn bán nội vùng và liên vùng. "Ở Lai Nghi có những mộ mà số lượng và loại hình đồ trang sức chỉ trong một mộ đã vượt xa so với đồ trang sức phát hiện trong tất cả các mộ của một khu nghĩa địa", nghiên cứu cho biết.

Hồ sơ bảo vật cũng đánh giá: "Những chiếc khuyên tai ở Lai Nghi biểu thị cho nhóm thiểu số giàu có, cho những chiến binh cao cấp, thầy tu hay hoàng gia, thủ lĩnh, nhà buôn, những người trưởng thành giàu có và có địa vị cao trong xã hội đương thời…".

Xuất nhập khẩu vàng trang sức Sa Huỳnh ?

Các nhà khảo cổ Đức - Việt cho rằng khuyên tai vàng Lai Nghi do những thợ thủ công khác nhau, thuộc hai truyền thống chế tác khác nhau làm ra. Theo đó, khuyên tai chế tạo tại địa phương đã sao chép khuyên tai du nhập.

Cư dân Sa Huỳnh 'buôn' vàng Lai Nghi- Ảnh 2.

Những chiếc khuyên tai vàng cho thấy độ giàu có của chủ nhân

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

Trong khi đó, hạt chuỗi dát vàng lại được chế tạo hoàn toàn tại chỗ. Việc nhận ra điều này nhờ những hạt chuỗi bị dập lỗ hỏng và không thể xỏ dây qua. Phân tích hạt chuỗi cũng cho thấy chúng được làm bằng vàng sa khoáng, sản xuất cùng một dây chuyền. Nó cũng gợi mở việc hạt chuỗi vàng có thể do cư dân Sa Huỳnh khai thác nguyên liệu và chế tác tại chỗ. Điều này khá phù hợp việc trên vùng đất Quảng Nam (cũ) có các mỏ vàng như Bồng Miêu, Pu Nếp và nhiều nơi có vàng sa khoáng.

Hồ sơ bảo vật quốc gia trang sức vàng Lai Nghi nhắc tới kết quả nghiên cứu so sánh hiện vật vàng trong khu mộ chum Lai Nghi với Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ cũng so sánh bộ trang sức này với hiện vật trong các mộ táng ở châu Âu và Afghanistan. Kết quả cho thấy loại hình di vật vàng này phân bố từ châu Âu tới Đông Nam Á, kỹ thuật chế tác cũng từ Tây đến Đông Nam Á. Chưa tìm thấy các hiện vật như vậy ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Vì thế, theo hồ sơ bảo vật: "Có thể thấy cư dân Sa Huỳnh đã có những người thợ chuyên chế tác thủ công và ở mức độ nào đó họ đã biết cập nhật trình độ sản xuất đồ trang sức của thế giới để luyện kim và chế tác ra các loại trang sức vàng mô phỏng theo các hiện vật nhập khẩu". Điều này cũng cho thấy sự giao lưu trao đổi mạnh mẽ các sản phẩm trang sức bằng vàng giữa Đông Nam Á và thế giới.

Vì vậy, sưu tập trang sức vàng ở di tích mộ táng Lai Nghi là tư liệu lịch sử quý hiếm, không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn phản ánh thành tựu văn hóa - lịch sử của cư dân văn hóa Sa Huỳnh trong quá trình lao động, xây dựng và phát triển ở trên vùng đất này. Bộ trang sức vàng ở di tích Lai Nghi góp phần minh chứng cho vai trò then chốt của cư dân Sa Huỳnh trong mạng lưới thương mại đường dài. Họ không chỉ trao đổi nguyên liệu thô mà còn là những người buôn bán lão luyện, những người tiêu dùng giàu có bậc nhất trong mạng lưới trao đổi buôn bán trên Biển Đông. (còn tiếp)

Các tin khác

Triệt phá nhóm lừa đảo, rửa tiền quy mô 1.200 tỷ đồng: Đối tượng cầm đầu chuyên code web đồi truỵ

Kết quả điều tra xác định: Các đối tượng có trình độ hoặc am hiểu, yêu thích tìm hiểu công nghệ thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc quản trị hệ thống trung gian thanh toán trái phép hoạt động online được tích hợp trực tiếp với các cổng game online trái phép - địa chỉ IP ở nước ngoài.

Cận cảnh "đại công trường" phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027, đặc khu Phú Quốc đang trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được thi công khẩn cấp, từ mở rộng sân bay quốc tế đến xây dựng trung tâm hội nghị, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế...