Du lịch - Ẩm thực

Đặc sản "dưới lòng đất" có từ Nam ra Bắc, ăn giòn mát, nấu canh càng ngọt thơm

Mã thầy (hay còn gọi là củ năng, bột tề) thuộc loại cây thân thảo, họ cói, sống lâu năm và thích nghi tốt với môi trường ngập nước. 

Ở Việt Nam, cây mã thầy trước đây thường mọc hoang trong các vùng ao hồ, đồng chiêm trũng tại nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Hiện nay, loại cây này được trồng tập trung ở một số nơi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Đà Lạt (Lâm Đồng) hay vùng Đồng Tháp Mười… vì mang lại hiệu quả kinh tế.

Củ của cây mã thầy được sử dụng phổ biến trong ẩm thực, là nguyên liệu chế biến một số món ăn giải nhiệt mùa hè.

Chị Vũ Lan (tiểu thương ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, củ mã thầy thường được thu hoạch vào cuối năm, khoảng tháng 11-12 và kéo dài vài tháng. Tùy từng nơi, mùa thu hoạch loại củ này có thể sớm hoặc muộn hơn.

Sau khi được nhổ lên khỏi bùn đất, củ mã thầy được người dân đem rửa sạch, để lộ lớp vỏ màu nâu đen bên ngoài.

củ năng   thạch lan 2.jpg
Củ mã thầy đem rửa sạch, gọt vỏ rồi ăn ngay giống củ đậu hoặc chế biến thành món chè, nấu canh

Chị Lan cho hay, củ mã thầy ăn ngay lúc còn tươi hoặc chế biến thành các món chè, thức uống giải nhiệt đều hấp dẫn. 

Khi sử dụng tươi, người ta chỉ cần gọt bỏ lớp vỏ ngoài rồi thưởng thức. Củ mã thầy có vị ngọt mát, ăn giòn giống củ đậu và mùi thơm đặc trưng.

Cầu kỳ hơn, người ta còn chế biến củ mã thầy thành món canh, hầm để nước dùng dậy vị ngọt thanh tự nhiên hoặc đem nấu chè, làm nhân trân châu, giúp món ăn càng thêm hấp dẫn.

“Loại củ này có vị ngọt mát nên thích hợp để sử dụng vào mùa hè”, chị Lan nói.

củ năng   thạch lan.jpg
Vì ăn giòn ngon, ngọt mát lại tốt cho sức khỏe nên củ mã thầy được ví von là đặc sản “dưới lòng đất”, “món quà quý thiên nhiên ban tặng”. Ảnh: Thạch Lan
củ năng   thạch lan 1.jpg
Sau khi gọt vỏ, củ mã thầy được đóng gói, hút chân không, vừa bảo quản được lâu vừa thuận tiện vận chuyển tới các tỉnh thành khắp cả nước. Ảnh: Thạch Lan

Không chỉ ăn ngon, có thể chế biến loạt món lạ miệng hấp dẫn, củ mã thầy còn được xem là một vị thuốc trị bệnh vì giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe con người. 

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm thức ăn bổ và mát, mã thầy còn được dùng làm thuốc chữa bệnh tiêu khát, bệnh về gan (vàng da), nhiệt (lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ).

Tuy nhiên, người tỳ thận hư hàn, trẻ em hay đái dầm không được dùng mã thầy. Ngoài ra, vì loại củ này mọc trong bùn, vỏ ngoài dễ bị ấu trùng sán lá bám vào nên cần rửa sạch củ và chần qua nước sôi rồi mới gọt ăn.

Các tin khác

6 món ngon từ cua đồng

Từ cua đồng, người Hà thành có nhiều món ngon giải nhiệt ngày hè như bún riêu, canh bún, bún hến màu cua chưng, canh cua cà pháo.

Một người đẹp bỏ thi Hoa hậu Thế giới

Người đẹp Hàn Quốc - Min Jung - đã bỏ thi Hoa hậu Thế giới 2025 vì gặp chấn thương. Cuộc thi đang diễn ra tại Ấn Độ với sự tham dự của 108 người đẹp.