
Đảo Rắn nằm cách bờ biển phía đông nam Brazil 34 km trên Đại Tây Dương. (Ảnh: Leo Francini / Alamy Stock Photo)
Đảo rắn biệt lập và đầy rẫy sát thủ máu lạnh
Đảo Rắn là một hòn đảo nhỏ có rừng rậm nằm ngoài khơi Brazil, nơi sinh sống của hàng ngàn con rắn độc.
Những con rắn này thuộc loài hổ lục đầu vàng (Bothrops insularis), dài tới 1,2 mét và có nọc độc cực mạnh. Vì quá nguy hiểm, hải quân Brazil đã cấm người dân tiếp cận đảo từ những năm 1920.
Hòn đảo nằm cách bờ biển đông nam Brazil khoảng 34 km và có diện tích khoảng 43 hecta – tương đương khoảng 80 sân bóng bầu dục Mỹ. Hơn một nửa diện tích đảo được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới, phần còn lại là đá trơ trọi và đồng cỏ.
Đảo Rắn từng nối liền với đất liền, nhưng mực nước biển dâng lên vào cuối kỷ băng hà khoảng 10.000 năm trước đã nhấn chìm cây cầu đất, khiến quần thể rắn hổ lục đầu vàng bị cô lập trên đảo.
Bị giới hạn môi trường sống, loài rắn này đã tiến hóa nhanh chóng để thích nghi và sinh sôi. Nọc độc của chúng phát triển để giết chết các loài động vật bị mắc kẹt cùng chúng và cả chim di cư.

Rắn hổ lục đầu giáo vàng (Bothrops insularis) là một trong những loài rắn độc nhất ở Nam Mỹ. (Nguồn ảnh: caio acquesta qua Getty Images)
Nọc độc giết người trong tích tắc, số lượng rắn đang suy giảm
Trên đảo không có động vật có vú, nên rắn hổ lục đầu vàng không có kẻ thù tự nhiên. Nọc độc của chúng được tiến hóa nhằm mục đích săn mồi chứ không phải để phòng vệ.
Các nghiên cứu cho thấy nọc của loài này là loại tác động nhanh nhất trong chi Bothrops, và mạnh gấp 5 lần so với loài họ hàng gần nhất sống ở đất liền là Bothrops jararaca. Khả năng này có lẽ do chúng phải hạ gục chim nhanh chóng để tránh con mồi bay thoát.
Nọc của rắn hổ lục đầu vàng cũng cực kỳ nguy hiểm với con người. Vết cắn có thể gây đau đớn, sưng tấy, buồn nôn, xuất huyết nội, suy thận và hoại tử mô. Dù vậy, một vài người từng sống trên đảo cho đến thập niên 1920 để vận hành ngọn hải đăng xây từ năm 1909.
Khi hải đăng được tự động hóa, những người này có thể đã rời đi. Tuy nhiên, dân địa phương đồn rằng người trông đèn cuối cùng cùng gia đình đã chết do bị rắn chui qua cửa sổ cắn.
Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 2.000 đến 4.000 con rắn hổ lục đầu vàng trên đảo. Loài này không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới và hiện được liệt kê là loài cực kỳ nguy cấp trong Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Từ năm 1985, Đảo Rắn được bảo vệ là khu vực có giá trị sinh thái, chỉ hải quân Brazil và các nhóm nghiên cứu có giấy phép đặc biệt mới được tiếp cận.
Tuy nhiên, những kẻ săn trộm vẫn lén đến đây để bắt rắn và lấy nọc độc, thứ có giá trị cao trên thị trường chợ đen, theo BBC Science Focus. Các nhà khoa học cho rằng số lượng rắn đang giảm một phần do nạn buôn lậu này, cùng với dịch bệnh và tình trạng giao phối cận huyết.