Xã Hội

Đề xuất quy định liên quan yêu cầu "không tử hình" với tội phạm bị dẫn độ

Tóm tắt:
  • Dự thảo Luật Dẫn độ quy định không thi hành hình phạt tử hình với người bị dẫn độ theo yêu cầu nước ngoài.
  • Bộ Công an chủ trì chế độ "có đi có lại" trong dẫn độ và quyết định điều kiện dẫn độ.
  • Dự thảo luật cũng quy định chuyển thẩm quyền áp dụng nguyên tắc này từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.
  • Cơ quan thẩm quyền có thể chấp nhận điều kiện từ nước ngoài để đồng ý dẫn độ.
  • Cần rõ ràng về nguyên tắc dẫn độ, sự từ chối dẫn độ, và tăng cường các hiệp định song phương.

"Có đi có lại" trong dẫn độ

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Trình bày tờ trình dự án Luật Dẫn độ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, mục đích của việc xây dựng luật là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài.

Đề xuất quy định liên quan yêu cầu 'không tử hình' với tội phạm bị dẫn độ ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến tại phiên họp. Ảnh: QH

Về đối tượng, dự thảo luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến dẫn độ với Việt Nam. Dự thảo luật cũng bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.

Liên quan đến dẫn độ có điều kiện, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.

Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này.

Dự thảo đề cập tới trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ thì Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước.

Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình.

Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Ngoại giao và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan hướng dẫn chi tiết điều này.

Đề xuất quy định liên quan yêu cầu 'không tử hình' với tội phạm bị dẫn độ ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng viện dẫn khoản 1 điều 13 của dự thảo, quy định về trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với quy định này, và nhận thấy đây là vấn đề mới, quan trọng.

“Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Bên cạnh đó, còn có trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có quy định để xử lý trường hợp này”, ông Tùng cho hay.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung quy định của khoản 1 điều 13, bởi vì sẽ ảnh hưởng nhất định đến tính độc lập của Tòa án.

Đồng thời, việc dự thảo luật quy định thẩm quyền này cho Chủ tịch nước thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để bảo đảm phù hợp với vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong một vấn đề cụ thể của hoạt động dẫn độ.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra. Theo bà, đây là vấn đề quan trọng, cần bổ sung nhằm đảm bảo điều ước liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, dự án luật cần làm rõ về nguyên tắc dẫn độ, bổ sung quy định chi tiết hơn, không dẫn độ công dân Việt Nam trong một số trường hợp để tránh việc áp dụng tùy tiện.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần quy định rõ hơn về việc từ chối dẫn độ và tăng cường ký kết các hiệp định song phương, đặc biệt với các nước có lượng lớn công dân Việt Nam sinh sống...

Các tin khác

Cô trò Y Tý nhận trường lớp mới

Ngày 14/4, cô trò điểm trường Lao Chải 3 - Trường Mầm non Y Tý nhận bàn giao trường lớp sau gần hai tháng thi công sửa chữa.

Màn duyệt đội ngũ và biểu diễn nghệ thuật hùng tráng trong nắng gió Sơn Tây

Ngày 15/4, trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Lục quân 1 và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất diễn ra tại Sơn Tây (Hà Nội), hàng nghìn cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên của nhà trường đã có màn duyệt đội ngũ hùng tráng thể hiện sự chính quy, mẫu mực về điều lệnh đội ngũ; đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt với chương trình nghệ thuật hoàng tráng, đặc sắc.