Phát biểu với tờ Die Zeit, ông Wadephul không nêu tên các hệ thống cụ thể, nhưng dường như đang ám chỉ tới tên lửa Taurus, loại vũ khí tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 500km sâu trong lãnh thổ Nga.
"Ukraine cũng sẽ có phương tiện để tấn công đáp trả vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tiết lộ với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hệ thống vũ khí chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine”, ông Wadephul nói.

Ngoại trưởng Đức nói thêm, ông đã thận trọng khi cân nhắc về cuộc tranh luận liên quan tới tên lửa Taurus. Theo ông, sự phức tạp về mặt kỹ thuật của Taurus là lý do khiến việc đưa ra quyết định bị trì hoãn.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo, việc Đức cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev sẽ khiến nước này trở thành một bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Giới chức Nga từ lâu đã chỉ trích việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, quả quyết điều này chỉ kéo dài xung đột và có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu rộng lớn hơn.
Trong nhiều tháng qua, Berlin đã từ chối cung cấp hệ thống Taurus cho Kiev. Cựu Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần ngăn chặn việc chuyển giao do lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng. Thủ tướng Đức đương nhiệm Friedrich Merz cũng chưa đưa ra quyết định về tên lửa Taurus.
Hồi đầu tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tái khẳng định Berlin sẽ không gửi tên lửa Taurus cho Ukraine.
Tuy nhiên, mới đây Tướng cấp cao Đức Christian Freuding tiết lộ, Ukraine sẽ nhận được lô tên lửa tầm xa đầu tiên do Berlin tài trợ trước cuối tháng 7. Song, ông Freuding không nêu rõ đây là loại tên lửa nào, nhưng đề xuất quân Ukraine nên cân nhắc tấn công vào các sân bay và nhà máy vũ khí của Nga để giảm bớt áp lực trên tiền tuyến.