Trong báo cáo thị trường quý I, Bộ Xây dựng cho biết giao dịch nhà ở và đất nền có nhiều biến động so với quý trước do thông tin sáp nhập các tỉnh, thành. Cả nước có gần 33.600 giao dịch nhà ở riêng lẻ, tăng 32% theo quý. Phân khúc đất nền cũng ghi nhận hơn 101.000 giao dịch, tăng hơn 16%.
Về giá bán, Bộ cho biết các tỉnh, thành có thông tin là nơi đặt cơ quan hành chính mới, mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao. Ví dụ, tại Phú Thọ, một số khu dân cư, thậm chí cả khu đô thị bị bỏ hoang tại các phường Vân Phú, Trưng Vương, Thọ Sơn, Thanh Miếu, Gia Cẩm được rao bán với giá đất tăng 20-30% so cùng kỳ năm trước. Tại Hải Phòng, đất nền tại Kiến Thụy, An Đồng, Thủy Nguyên được chào giá tăng 15-20%.
Tương tự, ở phía Nam, giá bán đất nền một số khu vực thuộc Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng khoảng 20-30%, có nơi tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2024.
"Đà tăng về giá và lượng giao dịch đất nền có yếu tố đầu cơ, tiềm ẩn nhiểu rủi ro cho thị trường", Bộ Xây dựng đánh giá và cho biết cơ quan quản lý tại nhiều địa phương đã cảnh báo tình trạng trên đồng thời tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường.
Theo ghi nhận của VnExpress, ngay đầu năm, bất động sản nhiều địa phương có thông tin sáp nhập, được đặt trung tâm hành chính có dấu hiệu nóng cục bộ. Giá bán đất nền tại nhiều nơi như TP Hưng Yên, huyện Văn Giang (Hưng Yên), TP Việt Trì, TP Ninh Bình, TP Bắc Giang... đã rục rịch tăng 5-15% so với cuối năm ngoái. Thậm chí nhiều chủ đất còn rao giá tăng hơn 30% để hưởng lợi từ "sóng" sáp nhập.
Tại khu vực phía Nam, mức độ quan tâm và giá bán của các khu vực như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng có xu hướng tăng nhanh. Dữ liệu của kênh Batdongsan cho thấy giá bán một số khu vực có dấu hiệu "nóng" khi leo thang 20-30% so với cuối năm ngoái.

Hình ảnh một dự án đất nền tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Phương Uyên
Giá đất nhanh chóng hạ nhiệt sang đầu quý II, khi tin đồn không thành hiện thực ở một số địa phương. Điển hình như thị trường nhà đất Đồng Nai xuất hiện tình trạng bỏ cọc bởi nhà đầu tư không kịp xoay xở vốn dù đến hạn thanh toán.
Dữ liệu của công ty dịch vụ bất động sản DKRA Group cho thấy từ tháng 4, nhu cầu mua ở Nhơn Trạch, Long Thành bắt đầu hạ nhiệt 20-30%, đà tăng giá chững lại và xuất hiện tình trạng bỏ cọc bởi các địa phương này không sáp nhập về TP HCM như "tin đồn" trước đó.
Tình cảnh đầu tư thua lỗ theo "sóng" tin đồn từng được nhiều chuyên gia cảnh báo trước đó. Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty EZ Property, cho biết chạy theo cơn "sốt đất" khiến nhà đầu tư dễ rơi vào cảnh mua cao bán thấp, thậm chí mất thanh khoản, chôn vốn nhiều năm.
Nhớ lại thời điểm 17 năm, trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội được Quốc hội bấm nút, tình trạng giá đất "nhảy nhót", nhà nhà đổ xô đi mua đất từng càn quét thị trường này một thời. Hàng loạt phân khúc từ đất thổ cư, đất nền đến đất dịch vụ, đất vườn... đều bị đẩy cao gấp 2-3 lần sau nửa năm. Tuy nhiên, khi thông tin sáp nhập chính thức có hiệu lực, tâm lý mua bán theo kỳ vọng cũng xuống rất nhanh.
Ông Toản cho hay những khu vực từng được dự đoán là nơi "đón sóng" mạnh nhất có thời điểm phải giảm giá sâu để thanh khoản được. Không ít nhà đầu tư mạo hiểm dùng đòn bẩy để lao vào cơn sốt đất, sau đó chật vật "cắt lỗ" để nhanh chóng rút tiền về, không thì mất tài sản.

Nhóm môi giới chào bán các lô đất huyện ven Hà Nội. Ảnh: Anh Tú
Tại cuộc họp với các bộ ngành mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhận xét thị trường bất động sản còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Ông chỉ ra tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm. Đây là thực trạng đáng lo ngại.
Phó thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đánh thuế với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, ông lưu ý việc này cần phân biệt rõ nhu cầu ở thực với đầu cơ, nhằm tránh tình trạng đánh thuế trùng, ảnh hưởng tới người dân sử dụng nhà đất hợp pháp.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ cùng các bộ, ngành nghiên cứu đề án thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Giải pháp này được kỳ vọng tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch địa ốc.
Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, trong đó nghiên cứu phương án thu thuế phần chênh lệch giữa các lần giao dịch.