Theo Marissa Salim, Trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tiếp tục gia tăng dự trữ vàng trong tháng 5.
Trong tháng 5, các ngân hàng trung ương toàn cầu mua ròng 20 tấn vàng, gần với mức trung bình 12 tháng là 27 tấn. Có 9 ngân hàng trung ương đã bổ sung vàng vào dự trữ.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Kazakhstan (NBK) dẫn đầu với việc bổ sung 7 tấn vàng, nâng tổng dự trữ lên 299 tấn. Từ đầu năm, NBK đã tăng dự trữ vàng thêm 15 tấn.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua 6 tấn, đưa tổng lượng tích lũy từ đầu năm lên 15 tấn vàng. Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) bổ sung thêm 6 tấn và là nước mua ròng vàng lớn nhất năm 2025 với tổng cộng 67 tấn vàng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Quốc gia Séc, mỗi ngân hàng bổ sung thêm 2 tấn. Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Kyrgyzstan, Ngân hàng Quốc gia Campuchia, Ngân hàng Trung ương Philippines và Ngân hàng Ghana mỗi ngân hàng mua thêm 1 tấn vàng.
Về phía bán ra, Cơ quan Tiền tệ Singapore dẫn đầu với 5 tấn vàng bán trong tháng 5, tiếp theo là Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Uzbekistan và Deutsche Bundesbank, mỗi ngân hàng bán 1 tấn. Tính từ đầu năm, Uzbekistan là nước bán ròng lớn nhất (27 tấn), theo sau là Singapore (10 tấn).
Dữ liệu cập nhật tới tháng 4/2025 cho thấy, Ngân hàng Trung ương Qatar đã mua 2 tấn vàng, nâng tổng lượng mua ròng toàn cầu của tháng đó lên 16 tấn.
Theo Khảo sát Dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương năm 2025, do WGC thực hiện, có 95% số ngân hàng được hỏi cho biết sẽ tiếp tục tăng dự trữ vàng chính thức, con số này cao hơn đáng kể so với mức 81% trong khảo sát năm ngoái. Đáng chú ý, 43% ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ mua thêm vàng trong 12 tháng tới.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang nắm giữ hơn 36.700 tấn vàng, chiếm khoảng 17% tổng lượng vàng từng được khai thác. Trong đó, Mỹ, Đức và Trung Quốc là những quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất.
Đại gia tiếp tục 'ôm' vàng
Theo các nhà phân tích kim loại quý tại Ngân hàng Saxo, vàng từ lâu đã được coi là chuẩn mực để đánh giá tất cả các tài sản trú ẩn an toàn khác. Trong nhiều thế kỷ, vàng đã bảo toàn của cải theo cách mà ít tài sản nào khác có thể sánh kịp, đặc biệt là trong thời kỳ rủi ro hệ thống.

Điểm khác biệt của vàng so với các loại hàng hóa khác là không bị mất giá mà chủ yếu được lưu trữ, với chức năng chính là tiền tệ thay vì công nghiệp. Điều này củng cố vị thế độc nhất của vàng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngân hàng Saxo cho rằng, đối với nhiều quốc gia, dự trữ vàng là một hình thức đa dạng hóa tài sản, giúp hỗ trợ uy tín tài chính và bảo vệ trước sự biến động của tiền tệ hoặc các cú sốc địa chính trị. Đây cũng chính là lý do vì sao nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương vẫn ổn định và thường gia tăng trong những giai đoạn bất ổn toàn cầu.
Jeetendra Khadan, Chuyên gia kinh tế cấp cao, và Kaltrina Temaj, Nhà nghiên cứu - phân tích tại Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, cho biết giá vàng đã tăng gần 25% trong sáu tháng đầu năm 2025.
Đà tăng giá gần đây của vàng chủ yếu đến từ nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn chính sách và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Sự tăng vọt của dòng vốn vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trong quý đầu tiên của năm 2025 cũng đã đẩy nhu cầu đầu tư lên mức cao nhất kể từ năm 2022.
Bên cạnh đó, hoạt động mua vào liên tục của các ngân hàng trung ương cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ, phản ánh các chiến lược quản lý dự trữ.
Triển vọng về nhu cầu vàng vẫn rất tích cực trong thời gian tới, được củng cố bởi sự gia tăng của bất ổn toàn cầu và rủi ro địa chính trị. Các chuyên gia dự báo, giá vàng dự kiến sẽ tăng khoảng 35% trong năm 2025.