Xã Hội

Hà Nội nêu giải pháp để sông Tô Lịch xanh ngát, trở thành không gian văn hóa du lịch

Tại tọa đàm Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết do báo Tiền Phong phối hợp Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 10/7, đại diện lãnh đạo sở ngành TP Hà Nội cùng các chuyên gia đã có những chia sẻ liên quan đến nhiệm vụ “hồi sinh” dòng sông Tô Lịch.

Ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch, trong đó có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.

Trước mắt, thành phố đang triển khai các dự án nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch, sau đó đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Các dự án thu gom và cải tạo lòng sông Tô Lịch, thành phố yêu cầu chậm nhất đến 30/8/2025 phải hoàn thành.

Hà Nội nêu giải pháp để sông Tô Lịch xanh ngát, trở thành không gian văn hóa du lịch ảnh 1

Cơ quan chức năng thực hiện nạo vét dòng sông Tô Lịch

Tiếp đó, các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành lấy nước vào để phục hồi dòng chảy trên sông Tô Lịch. Về nguồn nước lấy vào sông Tô Lịch, trước mắt sẽ lấy chính từ nguồn nước thải đã xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Khi nguồn nước này đã được xử lý đổ ra sông sẽ được hệ thống đập dâng được xây dựng ở cầu Quang (phường Hoàng Liệt) giữ lại ở độ sâu theo tính toán. Để tạo dòng chảy, sẽ lấy nước từ hồ Tây đã được xử lý trước khi đưa vào sông Tô Lịch ở Cửa điều tiết A (phường Tây Hồ). Từ hai nguồn nước này, sẽ tạo được dòng chảy trên sông Tô Lịch.

Về giải pháp lâu dài, thành phố đang triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng hai bên sông Tô Lịch. Mục đích tạo cảnh quan nhằm phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan, tạo được không gian văn hóa hướng tới phát triển du lịch.

Thành phố mong muốn biến hai bên bờ sông thành điểm văn hóa, điểm đến cho người dân Thủ đô và khách du lịch. “Để thực hiện được việc này, thành phố đang giao cho Sở Xây dựng tổ chức lấy các ý kiến cộng đồng và tổ chức các cuộc hội thảo để có thêm các tham vấn hữu ích từ các tổ chức xã hội”, ông Du chia sẻ.

Thông tin thêm về việc “hồi sinh” sông Tô Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua TP Hà Nội rất quan tâm vấn đề cải tạo làm sống lại những dòng sông trước hết là sông trong nội đô.

Cụ thể, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi, củng cố các trạm bơm và trạm xử lý nước thải. Giai đoạn tới Hà Nội sẽ đầu tư một số dự án cho các dòng sông nội đô, trong đó có sông Tô Lịch.

Song song với đó, sở đã khảo sát và thường xuyên giao các công ty công trình thủy lợi rà soát nâng cấp hệ thống thủy lợi, liên quan đến rất nhiều dòng sông nội đô. "Nguyên tắc sông muốn sạch phải có nước sạch, tắc ở đâu phải khơi thông ở đó. Đó là nguyên tắc cải tạo các dòng sông", ông Hoa khẳng định.

Theo ông Hoa, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó đã phát động cải tạo nâng cấp các hệ thống hồ chứa, kể cả hồ thủy lợi vừa dự trữ nước, vừa đảm bảo môi trường.

Thực tế đã có những hồ rất ô nhiễm, nay có thể tắm, cảnh quan rất đẹp như ở Hoài Đức, Đông Anh... Hiện với trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với những hồ do thành phố quản lý, sở đang cho rà soát và xây dựng đơn giá định mức để kết hợp với thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, dự trữ nước, kết hợp nông nghiệp với du lịch.

Hà Nội nêu giải pháp để sông Tô Lịch xanh ngát, trở thành không gian văn hóa du lịch ảnh 2

Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Phạm.

Dòng sông Tô Lịch sạch hơn nhờ sự quyết tâm của hệ thống chính quyền

Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, nhà ông ở gần sông Tô Lịch, hằng ngày đi qua, nhiều năm đã chứng kiến sông Tô Lịch từ lúc sạch, xanh mát, đến khi bẩn, và đang hồi sinh như thế nào.

Gần đây, Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền. Đây có lẽ là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và bài học lớn nhất. Vị chuyên gia dẫn chứng Trung Quốc với bài học xử lý làm sạch sông Dương Tử, Israel làm sạch sông Jordan, Hungary với hồ Balaton... "Thành công đó đầu tiên phải là sự quyết tâm của chính quyền, quyết tâm này thể hiện ở việc giải quyết vấn đề rất cụ thể để làm sạch các dòng sông", ông Tùng nói.

Ngoài ra, các quốc gia khác đã dùng công nghệ số, nhanh và nhiều, như đặt cảm biến giá rẻ để quan trắc chất lượng nước sông. Toàn bộ chất lượng nước được quan trắc ngay, phổ biến ngay trên mạng cho toàn dân biết, cơ quan quản lý biết. Trách nhiệm bảo vệ sông không chỉ là của cơ quan nhà nước, không của bộ nào mà họ gắn đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nói về hoạt động các dòng sông hiện nay của Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm trong vấn đề môi trường. Thực tế sông Tô Lịch đã có chuyển biến rõ rệt, các nhiệm vụ có kỳ hạn thực hiện, trách nhiệm phường, xã rõ ràng. Ông Tùng đánh giá cao và mong muốn TP Hà Nội tiếp tục giữ tinh thần nhiệt huyết như vậy.

Vị chuyên gia cũng mong muốn, Hà Nội có thêm các giải pháp đổi mới tư duy, chuyển đổi số hơn cho những dòng sông. Trong đó cần quan trắc trực tuyến để có nhiều số liệu hơn, cụ thể hơn. Toàn bộ dữ liệu sẽ hiện lên phân bố trên bản đồ GIS cụ thể cho từng tiểu lưu vực.

Các tin khác

Triệt phá nhóm lừa đảo, rửa tiền quy mô 1.200 tỷ đồng: Đối tượng cầm đầu chuyên code web đồi truỵ

Kết quả điều tra xác định: Các đối tượng có trình độ hoặc am hiểu, yêu thích tìm hiểu công nghệ thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc quản trị hệ thống trung gian thanh toán trái phép hoạt động online được tích hợp trực tiếp với các cổng game online trái phép - địa chỉ IP ở nước ngoài.