Bộ Xây dựng vừa chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khôi phục tuyến tàu khách liên vận trên cơ sở tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm an ninh, an toàn chạy tàu. VNR có trách nhiệm thông báo với phía Trung Quốc để thực hiện.
Theo thống nhất của VNR và phía Trung Quốc, tàu liên vận quốc tế MR sẽ hoạt động từ ngày 25/5. Tàu MR1 xuất phát từ ga Gia Lâm lúc 21h20 và đến ga Nam Ninh lúc 10h06 hôm sau. Ở chiều ngược lại, tàu MR2 xuất phát từ ga Nam Ninh lúc 18h05 và đến ga Gia Lâm lúc 5h30 hôm sau. Hành khách sẽ làm thủ tục xuất nhập cảnh tại ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Hành khách có thể mua vé đi tiếp đến nước thứ ba bằng đường sắt tại các ga liên vận quốc tế trên lãnh thổ Trung Quốc.
Về giá vé, chặng Hà Nội - Nam Ninh có giá khoảng một triệu đồng, chặng Hà Nội - Bắc Kinh khoảng gần 9,4 triệu đồng. Trẻ em dưới 4 tuổi được miễn vé, từ 4 đến 12 tuổi được giảm 50% (mỗi người lớn được kèm một trẻ em), đoàn từ 6 người trở lên được giảm 25% giá vé. Hiện, VNR tổ chức bán vé tàu liên vận trực tiếp tại các ga: Hà Nội, Gia Lâm, Bắc Giang và Đồng Đăng.

Tàu liên vận của Trung Quốc chạy về ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 2/2020. Ảnh: Giang Huy
Để khôi phục đoàn tàu, VNR đã rà soát, kiểm tra và bổ sung điều kiện về hạ tầng, nhân lực, hành trình chạy tàu từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm, sẵn sàng đáp ứng tổ chức chạy đôi tàu khách liên vận quốc tế.
Đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài 162 km, là tuyến duy nhất trong nước có khổ lồng đường ray 1.000 mm và 1.435 mm, có thể kết nối với đường sắt Trung Quốc với khổ ray 1.435 mm. Hành khách đi tàu liên vận không phải chuyển tàu khi đi qua biên giới.
Trước năm 2020, tuyến tàu khách liên vận xuất phát từ ga Gia Lâm (Hà Nội) đi qua hai cửa khẩu Đồng Đăng và Bằng Tường, kết nối với hệ thống đường sắt của Trung Quốc để đi tiếp tới các thành phố Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh...
Nhưng từ 5/2/2020, tuyến tàu khách này phải tạm dừng khai thác để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, chỉ duy trì tàu hàng liên vận. Sau dịch, VNR đã đề xuất phía Trung Quốc khôi phục tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.